Nhìn lại 100 năm sân khấu Kịch nói Việt Nam (Kỳ 3): Đỉnh cao, thoái trào và 'chuyển hoá'

02/11/2021 08:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tròn 1 thế kỷ đã qua, kể từ khi Chén thuốc độc của tác giả Vũ Đình Long - vở kịch nói “thuần Việt” đầu tiên trong lịch sử - được sáng tác, dàn dựng và công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 22/10/1921.

Nhìn lại 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (kỳ 2): Một đối sánh cùng cải lương

Nhìn lại 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (kỳ 2): Một đối sánh cùng cải lương

Tại Nam bộ, kịch nói tuy xuất hiện chính thức trên sân khấu sau cải lương đến vài chục năm, nhưng sự manh nha thì đã có rất sớm.

Và câu hỏi gắn với nó: Trong 100 năm ấy, sân khấu kịch nói Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển cơ bản nào?

Đó cũng là 1 trong những nội dung quan trọng tại cuộc Hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu Việt Nam, được Hội nghệ sĩ Sân khấu tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm cột mốc này.

Hình thành và phát triển

Cần nhắc lại, trước khi kịch nói xuất hiện theo bước chân người Pháp, các thể loại kịch hát truyền thống như tuồng, chèo...vẫn chi phối sân khấu Việt Nam. Để rồi, từng bước, với sự xuất hiện của người Pháp, và tiếp sau đó là một lớp trí thức Tây học người Việt, thể loại kịch mới “chỉ nói không hát” đã bắt đầu bén rễ và có những khán giả riêng của mình.

Chú thích ảnh
“Hồn Trương Ba – da hàng thịt, một trong những vở diễn nổi tiếng nhất của sân khấu Việt Nam vào giữa thập niên 1980

Trước Chén thuốc độc, nhiều vở diễn sử dụng kịch bản có nguồn gốc phương Tây đã xuất hiện tại Hà Nội, mà điển hình là vở Người bệnh tưởng (do Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ kịch bản tiếng Pháp của Moliere) được các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn vào tháng 4/1920. Để rồi, từ tháng 10/1921, sau cột mốc Chén thuốc độc, sân khấu Việt Nam đã chính thức có thêm một thể loại hiện đại mang tên kịch nói và trở thành dòng chảy xuyên suốt 1 thế kỷ.

Có rất nhiều cách phân kỳ về các giai đoạn phát triển của kịch nói Việt Nam trong 100 năm ấy. Trong đó, cách phân kỳ của nhà nghiên cứu - đạo diễn Lê Quý Dương được xem là khá hợp lý và bao quát.

Theo ông Dương, giai đoạn đầu tiên của kịch Việt Nam là giai đoạn “Hình thành”, kể từ 1921 tới 1946. Gắn với các đặc điểm của lịch sử, kịch Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ bi kịch và hài kịch cổ điển Pháp trong giai đoạn này. Và, những cái tên đặt dấu mốc đầu tiên cho kịch nói Việt Nam trên mọi phương diện cũng là lớp tinh hoa của văn hóa Việt nửa đầu thế kỷ, với những Thế Lữ, Hoàng Ngọc Phách, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Đỗ Cung, Vũ Đình Liên... Cùng với họ, những nhóm kịch Thế Lữ (1935), Tinh Hoa (1936) Anh Vũ (1946) ra đời, đặt nền móng cho nền sân khấu kịch thật sự của người Việt.

Chú thích ảnh
Những vở diễn như “Bệnh sĩ” luôn khiến người ta nhớ về Lưu Quang Vũ, cái tên tiêu biểu của sân khấu Việt Nam giai đoạn Đổi mới

“Có thể coi vở kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm công diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn ngày 26/11/1946 trong niềm vui tưng bừng của một nước Việt Nam độc lập là vở diễn khép lại giai đoạn này” - đạo diễn Lê Quý Dương nói.

Tiếp đó, giai đoạn thứ 2 (1946 - 1971) là giai đoạn “phát triển”vóc dáng của nền sân khấu kịch Việt Nam chuyên nghiệp, gắn bó và đồng hành cùng với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Lần lượt, Đoàn Sân khấu Việt Nam ra đời năm 1948, Nhà hát Kịch Việt Nam (tiền thân là Đoàn Kịch nói Trung ương) ra đời năm 1954 và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thành lập năm 1957, khẳng định sự hình thành của nền sân khấu Việt Nam chuyên nghiệp.

Cú hích lịch sử cho sân khấu kịch Việt Nam giai đoạn này là việc 2 đạo diễn Liên Xô, Vasiliev sang Việt Nam dựng vở Liuba, qui tụ hơn trăm đạo diễn, nghệ sĩ diễn viên tham gia năm 1958 và đạo diễn Monakhov sang dựng vở Câu chuyện Ieckut năm 1961. Cả 2 vở diễn này đều thực hiện theo phương pháp “sân khấu hiện thực tâm lý” của đạo diễn vĩ đại người Nga và có giá trị “định dạng” cho cả sân khấu kịch Việt Nam những giai đoạn tiếp theo.

“Định dạng” ấy mở ra giai đoạn hàng loạt du học sinh Việt Nam được gửi sang học tập trường phái sân khấu nói trên tại Trung Quốc, Liên Xô và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa để trở thành những trụ cột cho sân khấu Việt Nam sau này.

Chú thích ảnh
(luu quang vu) Khán giả tấp nập mua vé xem vở diễn “Khoảnh khắc và vô tận” của Lưu Quang Vũ vào giữa thập niên 1980

Đạt tới “đỉnh cao” và thoái trào

Giai đoạn thứ 3 (1971 - 1996) là giai đoạn “đỉnh cao”của sân khấu kịch Việt Nam với sự xuất hiện của lớp đạo diễn thế hệ thứ 2 được đào tạo bài bản, “vẫn” trên nền tảng phương pháp sân khấu hiện thực tâm lý của K. Stanislavski, từ Liên Xô (cũ) và các nước trong hệ thống XHCN trở về. Đó là NSND Đình Quang, NSND Trần Hoạt, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức, NSND Lê Hùng, NSƯT Đoàn Anh Thắng...

Cùng với tài năng của và đam mê sáng tạo của những gương mặt này, chính sách Đổi Mới sau 1986 cũng là động lực sinh dưỡng cho sân khấu khi ấy một đội ngũ kịch tác giả và diễn viên xuất sắc. Giai đoạn vẫn được gọi là “hoàng kim” của sân khấu ấy, như lời đạo diễn Lê Quý Dương, chính là giai đoạn hoàn chỉnh hệ phương pháp dàn dựng của sân khấu hiện thực tâm lý của K. Stanislavski tại Việt Nam, đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ với tính cách nhân vật và mâu thuẫn xung đột của các kịch bản được sáng tác trong nước.

Sau thời điểm này, sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, cũng như đời sống xã hội, đã tác động mạnh tới đời sống kịch nói Việt Nam trong giai đoạn thứ tư (1996 đến nay) mà đạo diễn Lê Quý Dương gọi là giai đoạn “chuyển hóa”. Như lời ông, một mặt, các chương trình đào tạo nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại Liên Xô và các nước Đông Âu không còn như trước - trong khi lực lượng nghệ sĩ sân khấu đã từng được đào tạo ở giai đoạn trước thì không còn ở độ tuổi sung sức sáng tạo.Mặt khác, các chương trình đào tạo nghệ sĩ sân khấu kịch cho Việt Nam tại các nước phương Tây hầu như không có. Do vậy, đa số các đạo diễn và tác giả của giai đoạn này được đào tạo trong nước và thiếu hẳn cơ hội tiếp cận kiến thức về sự phát triển của sân khấu thế giới.

Do vậy, dù có những thành tựu nhất định, sân khấu Việt Nam cũng dần rơi vào khủng hoảng với việc thiếu vắng những vở diễn có tầm vóc nhân bản và mang tính thời đại như ở trước. Cũng từ sự cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại, đời sống sân khấu không còn sống động và dần chuyển hóa thành 2 khu vực. Khu vực sân khấu kịch phía Bắc với các nhà hát công lập gần như chỉ dựng vở theo chỉ tiêu kế hoạch và phục vụ cho các kỳ hội diễn hoàn toàn bằng kinh phí ngân sách nhà nước. Trong khi đó, khu vực sân khấu phía Nam hình thành các nhóm sân khấu xã hội hóa của các nghệ sĩ trẻ ngoài công lập hoạt động bằng kinh phí tự thân. Ít nhiều, sự năng động tìm tòi, bám sát nhu cầu và thị hiếu khán giả của các đoàn sân khấu ngoài công lập này đã tạo nên một đời sống sân khấu khá sôi động và thu hút khán giả hàng đêm.

Như thế, sân khấu kịch Việt Nam đã trải qua khá nhiều thăng trầm trong 4 giai đoạn phát triển chính của mình. Cũng cần nói thêm, dù không xuất hiện với quy mô quá lớn, những vở diễn sân khấu tại chiến khu trong thời kỳ kháng chiến cũng tạo ra một nét đặc sắc rất riêng - điều sẽ được giới thiệu trong kỳ tiếp.

Một thế hệ đặc biệt trong giai đoạn hoàng kim

“Trong giai đoạn đỉnh cao, nếu lịch sử sân khấu Việt Nam ghi danh những nghệ sĩ như Trần Tiến, Trọng Khôi, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Lê Khanh... thì giới tác giả cũng có những tên tuổi như Xuân Trình, Võ Khắc Nghiêm, Sỹ Hanh, Xuân Đức... và đặc biệt là Lưu Quang Vũ, người đã đưa những kịch bản đầy tính hiện thực và thời sự lên tuyến đầu để đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” - (Nhận định của đạo diễn Lê Quý Dương).

(Còn tiếp)

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm