Nhà văn Võ Đắc Danh: 'Lão nông' in sách xây cầu

24/10/2017 21:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - NXB Trẻ vừa ấn hành tuyển tập Người Sài Gòn bất đắc dĩ của nhà văn Võ Đắc Danh. Cuốn sách này được xem như tổng hợp những gì tâm đắc nhất của ông. Đặc biệt, Võ Đắc Danh dành toàn bộ tiền bán sách Người Sài Gòn bất đắc dĩ để xây một cây cầu ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau.

Võ Đắc Danh làm báo, làm biên kịch và làm phim tài liệu từ cấp tỉnh lên… cấp thành, cũng đã nhận nhiều giải thưởng này kia nhưng ông thích nhận mình là nông dân hơn.

Người nông dân cầm bút

Thời chưa có Facebook, Võ Đắc Danh lập blog lấy tên “Người nông dân cầm bút”. Có Facebook, ông lấy nick “Võ Lão Nông”. Phải chăng Võ Đắc Danh muốn nhắc nhớ rằng, bản thân mình hay rất nhiều người Việt cũng từ “gốc rạ” gắn với thửa ruộng mảnh vườn mà ra; dù trong hiện tại mỗi người mỗi nghề, mỗi thân phận khác nhau.

Chú thích ảnh
Nhà văn Võ Đắc Danh (bìa phải) trao tiền bán sách cho đại diện tỉnh Cà Mau để xây cầu tại ấp Gành Hào, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, Cà Mau

Vài năm gần đây, Võ Đắc Danh đã gác bút về miệt Cần Giờ nuôi yến. Nhờ trời thương, nhà yến của vợ chồng Võ Đắc Danh thu hoạch ổn định. Trời thương là một lẽ, cái quan trọng hơn là sự cần cù thuần phác của người nông dân trong Võ Đắc Danh vẫn còn. Trên Facebook của ông, thấy khoe hình đang ngồi gắp lông yến và mừng cho ông có nhiều người đặt mua.

Yến là lộc trời nên chắc chắn luôn là đồ thật, trừ khi người ta cố tình độn mủ trôm vào. Văn chương của Võ Đắc Danh cũng là đồ thật nếu ông không cố tình làm giả. Người Sài Gòn bất đắc dĩ được lựa chọn từ những bài viết có lẽ là thật nhất của Võ Đắc Danh. Những bài viết này giống như yến loại một đã được gắp hết lông và những tạp chất. Nếu yến xịn bồi bổ cho sức khỏe người dùng thì tập sách này của Võ Lão Nông cũng là hàng xịn khi giúp xây được cây cầu cho người dân và học trò nghèo ở Cà Mau.

Chú thích ảnh
Tuyển tập "Người Sài Gòn bất đắc dĩ"

Tấm lòng người Sài Gòn

Tại buổi ra mắt Người Sài Gòn bất đắc dĩ hôm 21/10, cộng hưởng từ những tấm lòng chắc cũng từ “gốc rạ”, sách của Võ Đắc Danh được nhiều người mua đến hơn 170 triệu. Cá biệt có người mua đến 100 triệu đồng gọi là ủng hộ Võ Lão Nông xây cầu. Người bỏ 100 triệu đồng mua sách, tiền nhiều là thế, nhưng không thấy xuất hiện tại buổi ra mắt sách. Hỏi tên thì biết ông tên là Bùi Bình, có 3 doanh nghiệp trong đó có 1 doanh nghiệp với mục đích lấy lợi nhuận làm từ thiện.

Hỏi thêm mới biết, ông Bùi Bình này quê Quảng Ngãi, cũng như ông Võ Đắc Danh quê Cà Mau bỏ xứ để trở thành người Sài Gòn. Nhưng người Sài Gòn là ai? Ở thành phố mới hơn 300 năm tuổi này, gần như người Sài Gòn nào cũng là… bất đắc dĩ. Nếu truy ra nguồn gốc, ai cũng có chút bùn quê lấm láp trong tâm hồn mình. Cho nên mỗi khi mưa bão, thiên tai địch họa, người Sài Gòn luôn hướng về đồng bào đang gặp hoạn nạn nhiều nhất. Bởi người Sài Gòn cũng chính là người của mọi miền quê. Ai có quê sao mà không thương nhớ?!

Dù là người Sài Gòn “bất đắc dĩ” nhưng Võ Đắc Danh cũng có một miền quê ở tận cùng đất nước. Với người quê không thể nói suông, không thể lươn lẹo, điếm đàng. Ngay tại buổi ra mắt sách, Võ Lão Nông trao ngay 176 triệu cho đại diện tỉnh Cà Mau đem về xây cầu. Cầu gì mà chỉ có 176 triệu đồng? Võ Đắc Danh, giải thích: “Cầu bê tông vĩnh viễn, dài 27m, rộng 2,2m. Xe hơi qua được. Tôi đi khảo giá, các nhà đầu tư đều hét hơn 300 triệu. May mắn gặp người tốt, tính toán chi li ra con số này. Nhà thầu này sòng phẳng nói có lời 10 triệu đồng. Xây một cây cầu chất lượng như chúng tôi yêu cầu, mà chỉ ăn lời có 10 triệu thì quá được”.

Dành 20% cho Mô tô học bổng xây nhà vệ sinh

Nhà văn Võ Đắc Danh cũng dành 20% số tiền bán sách trao cho nhà văn Nguyễn Đông Thức, chủ xị quỹ Mô tô học bổng để giúp học sinh nghèo và xây nhà vệ sinh. Thời gian gần đây, Mô tô học bổng còn “làm thêm” việc xây nhà vệ sinh cho một số trường học ở vùng khó khăn. Họa sĩ Lưu Quốc Bình (trưởng nam của danh họa Lưu Công Nhân) đảm nhận việc này cho biết mỗi khu nhà vệ sinh xây hết khoảng 100 triệu đồng. Người Sài Gòn bất đắc dĩ của Võ Đắc Danh in 3.000 cuốn, giá bìa 200 ngàn đồng/cuốn. Với 20% tiền bán sách, thì đây là số tiền đáng kể để xây nhà vệ sinh.

Người Sài Gòn dễ thương

Người Sài Gòn dễ thương

Đó là câu nói của một thực khách ngồi ăn phở cùng bàn với tôi sau khi tính tiền chỉ có 35 ngàn đồng một tô tại quán phở Duy, trên đường Ngô Tất Tố, Phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào sáng mùng 3 tết Đinh Dậu.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm