Nhà văn Trang Hạ: Muốn tìm đàn ông tốt, hãy đến lò võ, đừng vào quán bar

23/05/2015 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Liệu có thể coi là một ngạc nhiên khi biết rằng nữ văn sĩ Trang Hạ lại dành nhiều lời khen cho cánh đàn ông trong giới thể thao? Chị ca tụng các huấn luyện viên bóng đá và cả những người chuyên đánh đấm, từ võ sinh tới võ sư và cả Manny Pacquiao trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần.

Nhưng sẽ không bất ngờ nếu biết rằng Trang Hạ bình luận về thể thao và đàn ông trong thể thao với tư cách một phụ nữ chơi thể thao “lành nghề”. Chị từng chơi các món bóng đá, bóng rổ, kick-boxing, võ cổ truyền, Bình Định Gia, đạp xe, bơi lội, leo núi…

Hot girl bình luận bóng đá là quyền của họ

* Gần đây thấy Trang Hạ tập bóng đá, chị vừa tìm được niềm đam mê mới ở môn thể thao vua?

- Trước đây, tôi chơi nhiều môn thể thao khác nhưng đều là những môn chơi một mình và mạo hiểm như đạp xe xuyên rừng quốc gia, bay bằng dù lượn với huấn luyện viên, leo vách đá dựng đứng ở Hạ Long, đu dây qua giữa 2 nóc nhà chọc trời ở Philippines, còn nếu bơi thì tôi bơi lúc 5h sáng mùa đông, hồi sinh viên ở Đài Loan thì toàn chơi bóng rổ lúc 12h đêm...

Thích các môn thể thao đó đơn giản vì tôi không muốn cạnh tranh, không thích phong trào và còn tự ti nữa. Tôi đang bơi mà có người bơi ngang qua thì tôi sẵn sàng nhường bể bơi cho họ. Còn nếu có đồng đội thì tôi sợ làm phiền họ vì những nhược điểm và sự khó tính của mình. Đó là lý do cho đến tận năm 2014 tôi chưa hề chơi bóng đá, một môn thể thao đồng đội.

Trang Hạ cùng chiếc cúp vô địch bóng đá đầu tiên giành được vào tháng 4/2014

Điều làm tôi thay đổi là việc chuyển đến công ty mới vào đầu năm 2014. Tôi thực sự cảm động vì đến lúc đó, tôi mới thấy có một tập thể cần đến tôi, ngoài gia đình mình. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy tinh thần đồng đội. Vì vậy, khi công ty tổ chức hội thao, tôi không ngần ngại tham gia.

Tinh thần đồng đội thể hiện rất rõ ràng khi tôi đá tiền đạo và ghi bàn. Khi mọi người khen ngợi, tôi thấy rất áy náy vì tôi hiểu rằng đó là thành quả của một tập thể, của huấn luyện viên đã chỉ đạo đúng hướng, của các trung vệ và tiền vệ chuyền bóng cho tôi.

* Phụ nữ đá bóng thì cái khó nhất là gì?

- Nếu bạn là phụ nữ 40 tuổi mới bắt đầu xỏ giày đá bóng như tôi, bạn sẽ hiểu vấn đề quan trọng nhất là thể lực. Những nhân viên văn phòng bình thường khó có đủ thể lực, nhưng người hay tập thể thao như tôi thì có. Tôi sẵn sàng đạp xe mười mấy cây số để đi tập võ. Đá bóng không phải là một trò chơi mà đòi hỏi rất khắt khe về thể lực và kỹ thuật.

Phụ nữ 40 ấy, ngoài thể lực còn phải có thời gian và sự kiên trì, nếu không thì tập vài buổi sẽ chán ngay. Trước đây, khi 20 tuổi, tôi lại rất ghét bóng đá vì chưa nhìn thấy vẻ đẹp của môn thể thao này. Ấn tượng về bóng đá trong tôi là ồn ào, mà tôi thì tẩy chay mọi thứ ồn ào. Đến năm 30 tuổi, tôi vẫn còn nghĩ đá bóng là việc rửng mỡ, thừa thời gian và tiền bạc. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra đến tuổi 40 phụ nữ mới bắt đầu sống. Ở tuổi này, phụ nữ phát hiện ra nhiều mong muốn tiềm ẩn, tìm đến những trải nghiệm mới và tự tin hơn về bản thân.

Vậy mới nói, trước đây tôi không đá bóng là vì tự ti. Tôi nghĩ mình khó hòa nhập được với đám đông, tôi khó chiếm cảm tình của người khác hoặc không được ưu ái, cũng không tin là người khác sẽ hỗ trợ mình một cách sòng phẳng, điều mà bây giờ tôi thấy tôi nhận được từ trong bóng đá.

* Đội bóng đá nữ của chị có 5 cầu thủ và một huấn luyện viên nam còn trẻ. Tôi thắc mắc, không biết đàn ông huấn luyện nhà nữ quyền Trang Hạ như thế nào?

- Ồ, tôi thấy nam giới làm huấn luyện viên là điều rất tuyệt vời. Tôi không biết huấn luyện viên nào là nữ cả nên không thể so sánh được. Tôi không hề biết mình phù hợp với vị trí nào, nhưng chính huấn luyện viên đã cho tôi chơi ở vị trí tiền đạo và giúp tôi phát huy được khả năng. Nghĩa là, nhờ nhãn quan nghề nghiệp, người huấn luyện nhìn nhận tôi còn chính xác hơn cả bản thân tôi nữa.

Khi đá bóng, tôi bù khuyết được rất nhiều nhược điểm của mình chính nhờ sự giúp đỡ của huấn luyện viên nam.

* Nói vậy, chị chỉ đá bóng chứ không xem bóng đá à?

- Tôi chưa bao giờ là khán giả của bóng đá. Nếu thích cái gì, tôi sẽ lao vào làm chứ không đứng ngoài làm khán giả. Thích bóng đá thì tôi xỏ giày ra sân chứ không trả tiền xem truyền hình. Nói thêm là nhà tôi hiện giờ không có TV. Với những người hời hợt thì bóng đá chỉ là cuộc vui, có cuồng nhiệt, nước mắt, nụ cười nhưng những thứ đó chỉ cần ngồi trên khán đài là đã có đủ rồi.

* Thế còn các hot girl đi bình luận bóng đá thì có hời hợt không?

- À, họ có quyền mà. Người ta không nhất thiết phải biết nấu phở thì mới biết quán phở nào là ngon, quán nào mới mở, quán nào gia truyền đời đầu, đúng không? Tôi không có gì phản đối nhưng đó không phải kiểu của tôi.


Trang Hạ (thứ hai từ phải qua) cùng các đồng đội trong một giải bóng đá

Muốn tìm đàn ông tốt, hãy thử đến các lò võ

* Ngoài các môn thể thao mạo hiểm trên kia và bóng đá, nghe nói võ cũng là đam mê của chị?

- Tôi đang tập Bình Định Gia và đang tìm hiểu sâu về võ cổ truyền. Còn trước đây tôi tập kick-boxing, một môn kết hợp giữa kỹ thuật tay của Quyền Anh và kỹ thuật chân trong Muay Thái. Sắp tới, tôi sẽ hỗ trợ các lớp dạy võ tự vệ cho phụ nữ, với kỹ thuật do các võ sư phụ trách nhưng sẽ học theo các tình huống tự vệ trong giáo án cơ bản do tôi biên soạn.

* Vì sao chị có ý định đó?

- Bởi phụ nữ thường nghĩ học võ là rất phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ thuật, chẳng hạn phải tập đứng tấn hàng giờ. Nhưng điều đó tôi sẽ nhờ các võ sư giảng dạy. Còn tôi sẽ lên những bài học tình huống thường gặp trong cuộc sống. Vợ chồng bạn có thể sống rất hạnh phúc, nhưng bạn phải luôn chuẩn bị trước cho mọi tình huống bất ngờ trong cuộc sống, cũng như khi vào một văn phòng đóng kín hay bất cứ đâu thì phải biết cửa "Exit" ở đâu để thoát ra khi có bất trắc vậy.

Không nhất thiết phải võ nghệ đầy mình thì mới tự vệ được, tôi muốn các phụ nữ khác hiểu điều đó. Một ví dụ đơn giản, khi bạn bị tát, bạn chỉ cần nhún chân xuống một chút là thương tích sẽ giảm đi rất nhiều.

Khi người chồng vung tay đánh, người vợ chỉ cần lao vào ôm lấy thắt lưng anh ấy thì sẽ an toàn hơn 70% rồi. Vì lúc đó, anh ấy chỉ có thể đánh vào lưng bạn, sẽ không đau lắm. Hoặc đánh vào mông thì thoải mái đi, khác nào đánh yêu? Đánh vào đùi thì không thể vì bạn đã cúi người xuống che chắn rồi. Còn nếu đánh vào đầu thì hộp sọ cứng sẽ bảo vệ bạn, không như phần mắt phía trước rất dễ tổn thương.

Nhưng những hiểu biết để tự vệ không chỉ bảo vệ bạn trước chồng mình đâu, mà là trước xã hội đấy. Nếu bạn đến cây ATM rút tiền, bỗng bị kẻ cắp rút dao kề cổ, bạn sẽ làm gì? Kinh nghiệm là hãy đội mũ bảo hiểm xe máy mỗi khi vào rút tiền, luôn đứng nghiêng một góc 45 độ để vừa rút tiền vừa quan sát, và đảm bảo cánh cửa sau lưng mình luôn đóng.

Những kinh nghiệm đó đâu phải chỉ là võ thuật.

* Chị kể làm tôi nhớ trong "trận quyền anh thế kỷ" ở Mỹ hôm 2/5, một đấu thủ là Mayweather cũng đầy tai tiếng với tiền án đánh vợ. Và trước trận đấu, chi tiết này được một nhà báo dẫn chứng để kêu gọi tẩy chay quyền anh, cho rằng môn võ này làm con người ta bạo lực lắm?

- Thực ra có lẽ võ tự do MMA, Quyền Anh hay Muay Thái đều là đỉnh cao của bạo lực chứ không phải của võ thuật, và có phần nào đó đi ngược lại tinh thần thượng võ. Thế nhưng, khổ nỗi là thời nay chúng ta không thể lấy cách nhìn của 4.000 năm trước để nhìn nhận về các sự việc nữa. Nếu một người như tôi học võ tự do thì không phải là để lên võ đài đánh thắng ai đó, nhưng nếu là võ sĩ chuyên nghiệp thì họ có quyền chứ. Khán giả cũng có quyền thưởng thức thứ họ muốn. Cái gì tồn tại đều hợp lý cả mà.

Và nếu ai đó nghĩ cứ học võ là bạo lực thì họ nên gặp các võ sư bạn tôi. Họ rất tốt và tôn trọng phụ nữ. Tôi kể cho bạn chuyện này, tôi từng tham gia vài diễn đàn và chứng kiến nhiều bạn nam có sở thích bình phẩm về thân hình phụ nữ. Còn các võ sư, tôi chưa từng chứng kiến họ bình phẩm. Họ chơi thể thao còn giỏi hơn những người đàn ông khác và chất nam tính không hề thua kém. Tôi có lời khuyên cho bạn, nếu muốn tìm người đàn ông tốt, hãy tìm anh ta trong số những người học võ và có tinh thần thượng võ. Sẽ dễ dàng hơn nhiều khi tìm trong một quán bar hay đại nhạc hội Kpop.

* Nhân tiện, chị có xem trận quyền anh vừa rồi không?

- Tôi không xem trực tiếp mà xem phát lại và thấy rất tức tối. Bởi, trước trận đấu tôi đã đọc rất nhiều thông tin về nó và biết rằng trận đấu được thực hiện nhờ lời thách đấu cách đây 5 năm. Trong thời gian đó, người ta đã chuẩn bị về tài chính và công tác tổ chức sao cho thật hoành tráng. Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng nghĩ rằng trận đấu sẽ không đáp ứng được kỳ vọng.

Thứ nhất, trong MMA Fighting, 5 năm là đủ cho một lứa võ sĩ mới trưởng thành và lứa trước xuống phong độ. Cả 2 võ sĩ trong trận đấu trên đều ở đỉnh cao cách đây 5 năm nên hiện tại, họ đã kém đi so với chính họ rồi. Khi xem lại băng ghi hình, tôi thấy đúng là như vậy. Giữa 2 đối thủ, tôi thích Pacquiao vì anh ta mới là người đánh tử tế, còn Mayweather là một thằng hề.

Nhưng tôi cũng nghĩ có chiêu trò truyền thông ở đây vì họ không thể nào giữ sức suốt 12 hiệp như vậy được. Như đã nói, họ không còn ở đỉnh cao nữa rồi.

Và, nói thêm, suốt nửa năm nay tôi xỏ găng lên đài và tôi đấm đá, chứ tôi cũng không muốn mình ngồi xem Paquiao trước màn hình tivi!

Trang Hạ sinh năm 1975, là nhà báo và nhà văn chuyên viết về các vấn đề xã hội, phụ nữ, giới tính, tình yêu. Chị cũng là nhà hoạt động xã hội về phụ nữ và gây dư luận với nhiều phát ngôn về sự khác biệt giữa phụ nữ và đàn ông.

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm