Trang Hạ kể nguồn gốc chuyện “đàn ông và con lợn”

18/04/2015 09:55 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - So sánh chồng mình “chẳng khác gì con lợn” là câu nói có thật từ một người bạn của Trang Hạ. Sau vụ tranh cãi này, nhà văn nói, cô thấy rất thú vị vì những câu chuyện như vậy có thể thay đổi xã hội.

Chiều qua (17/4), nhà văn Trang Hạ có buổi giao lưu với hàng trăm độc giả tại Hội sách “Sách xưa và nay” nhân Ngày sách Việt Nam 2015 tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Chủ đề là “Đàn bà cuồng nhiệt, đàn ông đau đầu” về 2 cuốn sách bán chạy của Trang Hạ, Đàn bà 30 Tình nhân không bao giờ đòi cưới.

“Đàn ông đích thực đúng là phải "đi săn" mới có”

Một khán giả nam nhắc lại việc Trang Hạ từng phát ngôn gây bão dư luận: “Đàn ông về nhà chỉ ăn, tắm, ngủ mà không chia sẻ việc nhà với vợ thì khác gì con lợn”, và hỏi: “Theo chị, con lợn này có cơ hội tiến hóa không?”.

Nhà văn trả lời bằng một câu chuyện. Trong tháng 3, Trang Hạ đang hoàn thành bản thảo cuốn sách mới nhất của chị là Săn đàn ông. Khi đó đề tài con lợn nóng đến nỗi trợ lý truyền thông của chị nói đùa: “Kiểu này chắc chị phải đổi tên sách thành Săn lợn thì mới bán chạy được. Vì rõ ràng là đàn ông có vẻ hiếm. Trong một đám đông đàn ông bận rộn đi uống bia, về nhà không hề động tay rửa bát quét nhà cho vợ, thì muốn tìm được người đàn ông đích thực, bạn đúng là phải... đi săn”.


Nhà văn Trang Hạ và tác giả trẻ Sơn Paris trong buổi giao lưu

“Tôi cảm thấy trường hợp này rất thú vị” – Trang Hạ nói – “vì bài viết gốc tôi lấy cảm hứng từ một trang báo Playboy. Trang báo đó đăng một thông điệp là: Nếu để phụ nữ làm việc nhà nhiều quá thì họ sẽ giảm ham muốn tình dục. Thông điệp quan trọng này hướng đến các anh đàn ông, nhưng khổ nỗi khi đọc Playboy thì các anh có đọc phần chữ đâu mà chỉ xem ảnh thôi. Cho nên thông điệp đó không đến được với đàn ông”.

Nhà văn liên hệ với một câu chuyện thực tế trong gia đình một người bạn nữ của cô. 6h tối, vợ gọi chồng về. Ông chồng đang bận đi uống bia với bạn bè, nói rằng: “Bà nghĩ xem, máy giặt trong nhà tôi mua, điện nước tôi trả. Bà còn mấy việc cỏn con ở nhà còn không lo được thì bà thông minh hay là ngu?”.

Chị vợ bị nói là ngu thì rất cáu, nhắn tin cho chồng: “Em hỏi anh, hàng ngày anh về nhà, em có cho anh ăn thiếu bữa cơm nào không? Thỉnh thoảng em còn tắm cho anh nữa, rồi cho anh ngủ. Anh bảo em cho anh ăn, tắm, ngủ, có khác gì em đang nuôi lợn không? Nếu anh muốn khác con lợn thì anh phải chia sẻ việc nhà với em”.

“Đàn ông và con lợn” là câu chuyện truyền thông thành công

Đó là nguồn gốc cách so sánh “đàn ông và con lợn” của Trang Hạ, nhưng khi đưa lên truyền thông, một tờ báo đã dùng tiểu xảo để gây sự chú ý với dư luận. Đó là tít báo “Đàn ông về nhà chỉ ăn, tắm, ngủ khác gì con lợn”.

Nhưng theo nhà văn, thông điệp đằng sau đó rất nghiêm túc, đó là: “Đàn ông hãy thương người phụ nữ đằng sau anh ta một chút, chia sẻ một chút. Điều đó không có gì quá đáng. Không nhất thiết là hành động rứa bát quét nhà mà là dành thời gian cho nhau. Chẳng hạn, khi cô ấy nấu ăn thì bạn mang pha một cốc nước chanh và trò chuyện cùng”.


"Tình nhân không bao giờ đòi cưới" là sách mới nhất của Trang Hạ, nói về hạnh phúc đích thực trong tình yêu không nhất thiết là một cuộc hôn nhân

“Phụ nữ, nói thật, chỉ cần thấy bóng dáng chồng trong nhà và cùng nhau làm những việc lặt vặt là thấy hạnh phúc lắm rồi. Đâu cần chồng phải xắn tay áo lao vào đống bát đĩa bẩn. Đó là thông điệp đầy đủ của câu chuyện, nhưng khi lên truyền thông thì tùy mục tiêu truyền thông mà sẽ được diễn giải theo cách khác” – Trang Hạ nói.

Nổi tiếng với vai trò nhà văn, dịch giả, nhưng công việc kiếm tiền của Trang Hạ là làm truyền thông doanh nghiệp. Từ chuyên môn này, cô cho biết đồng nghiệp trong giới truyền thông cho doanh nghiệp và các nhãn hàng đều đánh giá rất cao hiệu ứng truyền thông của câu chuyện “đàn ông và con lợn”.

Bằng chứng là vụ việc này ngoài bài báo chính, chủ đề còn thu hút hàng loạt “bài phái sinh” bao gồm bài phỏng vấn, bài viral (lan truyền), bài của độc giả... “Mỗi người đều có góc nhìn khác nhau, nhưng tôi đều cảm thấy hài lòng, vì đó là một thông điệp sẽ làm thay đổi xã hội này, nới rộng biên độ tiếp nhận của độc giả. Càng ngày, độc giả sẽ thay đổi suy nghĩ qua những sản phẩm truyền thông đó” – Trang Hạ bày tỏ.

Chồng chê xấu, tôi thấy vui

"Chồng tôi bảo, nhìn cách tôi mặc với giày thì rõ là của đàn ông, quần bò cũng là của đàn ông, áo thì không rõ đàn ông hay đàn bà, còn cái mặt, thì rõ ràng, hồi xưa anh cưới một người đàn bà cơ mà?" (ý là so sánh mặt vợ như mặt đàn ông) - Trang Hạ kể.

"Nhưng chồng tôi nói thế, tôi thấy rất hài hước và vui vẻ. Còn nếu là người phụ nữ khác, chắc hẳn ném cả cái xoong vào mặt chồng rồi. Thế nên tôi muốn nói, người khác nói gì không quan trọng, quan trọng là mình cảm nhận như thế nào thôi".


Hạ Huyền


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm