Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa - Ngài Ezit Nêzin của Việt Nam

27/08/2010 14:51 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa xuất bản tập truyện trào phúng Tào lao xịt bộp. Từ thuở còn chưa biết đọc, tôi rất thích nghe “chuyện Trạng” hằng đêm do ông bà nội tôi kể. Khi được “xóa mù chữ”, tôi thích đọc các câu “chuyện Trạng” của nhà văn trào phúng người Thổ Nhĩ Kỳ Ezit Nêzin. Sau này tôi lại thích những nhân vật như điệp viên Không Không Thấy hay “doanh nhân” Đại Văn Mỗ của Lê Văn Nghĩa trên tờ báo trào phúng Tuổi Trẻ Cười.

Có thể nói, Lê Văn Nghĩa giống như “ngài” Ezit Nêzin không chỉ của riêng tôi mà còn của “tuổi trẻ thích cười”.

“Biết đùa” để thấy cuộc đời “tươi hơn”

Nhà văn Vũ Bằng có hồi ký 40 năm nói láo viết về cái nghề báo nhọc nhằm nhưng cũng đầy niềm vui mà ông cả đời “chung sống”. Lê Văn Nghĩa có “nói láo” lâu như vậy không? Ông Phạm Đức Hải - Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ “giới thiệu” như thế này: “Năm 1970, Lê Văn Nghĩa đang là học sinh trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong, TP.HCM) - trường nam trung học công lập (dành cho nam giới) danh giá nhất miền Nam thời ấy - đã quyết định bỏ bút nghiên để gia nhập phong trào sinh viên, học sinh yêu nước đấu tranh chống Mỹ giành độc lập dân tộc. Năm 1972, anh bị chính quyền Sài Gòn bắt và đưa đi giam giữ ở khắp các nhà tù: Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo. Sau 30/4/1975, do từng làm báo cho Tổng đoàn học sinh thời hoạt động phong trào, anh là một trong ba người đầu tiên được phân công về làm tờ Bản tin của Hội Liên hiệp thanh niên khu Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2/9/1975, tờ Bản tin chuyển thành báo Tuổi Trẻ và Lê Văn Nghĩa làm việc đến hôm nay, anh làm thư ký toà soạn Tuổi Trẻ Cười từ năm 1990”.


Nhà văn Lê Văn Nghĩa và tác phẩmTào lao xịt bộp
Nếu xem 40 năm nói láo là cách nói “tượng trưng” của nhà văn Vũ Bằng, thì Lê Văn Nghĩa cũng đã “nói láo” ngang ngửa với tiền bối họ Vũ. Nhưng nhà báo Lê Văn Nghĩa có “nói láo” trong các tác phẩm trào phúng của mình không? Xin thưa rằng không, bởi ông muốn “trào lộng” những mặt trái của cuộc đời để cùng tin yêu vào những chân giá trị hơn. Vì như trong phần Cười cái sự đời ở cuốn sách Tào lao xịt bộp, Lê Văn Nghĩa bộc bạch: “Hầu hết các chuyện trong phần này đã được tôi viết từ những cảm hứng trong quá trình ghi nhận cuộc sống dưới đôi mắt một nhà báo. Từng ngày trôi qua với biết bao bộn bề. Chuyện tốt rất nhiều - và tôi tin phải nhiều hơn thì cuộc sống mới đi lên theo chiều hướng ngày càng tốt đẹp - nhưng chuyện xấu, chuyện không vui cũng cứ còn đó và sẽ là đề tài bất tận cho những ai chuyên nhìn cuộc đời với lăng kính trào phúng, như tôi”.

Có thể nói, Lê Văn Nghĩa viết truyện trào phúng để thấy cuộc đời “tươi hơn”, đó cũng là cách sống của những người “biết đùa” vậy.

Một người “đương thời” được “đời thương”

Không chỉ thể hiện trên tác phẩm của mình, ngoài đời Lê Văn Nghĩa cũng là một người “dễ thương” như nhận xét của nhiều đồng nghiệp.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức kể: “Tháng 10/1978, chiến tranh biên giới Tây Nam ác liệt, tôi từ báo Tuổi Trẻ đi bộ đội. Một buổi sáng tinh mơ, trời còn mờ tối. Lê Văn Nghĩa đến tận nhà tiễn tôi đi, mặt buồn như đưa đám (sau đó lại còn có tin tôi hy sinh ở Campuchia!). Bộ mặt đó sau này cứ buồn thường xuyên, vậy mà lại được giao phụ trách tờ Tuổi Trẻ Cười!”.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền thì nhận xét: “Tôi vẫn nghĩ viết truyện trào phúng khó hơn viết truyện bi thương, nên số lượng các nhà văn viết truyện trào phúng không nhiều. Lê Văn Nghĩa là một nhà văn viết truyện trào phúng có độc giả vì anh đã in được 12 tập truyện trào phúng. Những nhân vật do anh sáng tạo đã sống trong lòng bạn đọc: Điệp viên Không Không Thấy, ông Đại Văn Mỗ, cô Mộng Mơ. Dù tác giả tự nhận những truyện trào phúng của mình chỉ là chuyện “tào lao xịt bộp”, nhưng anh đã giúp cho bạn đọc có tiếng cười sảng khoái. Tôi đã xem tranh của Lê Văn Nghĩa và rất ngạc nhiên khi thấy anh không vẽ biếm họa mà lại vẽ tranh có hình tượng và màu sắc rất cô đơn. Phải chăng đó là cách anh cân bằng đời sống, để có thể tiếp tục cười khi sáng tác truyện trào phúng?”.

Thật vậy, Lê Văn Nghĩa còn vẽ tranh và “tài hoa” trên nhiều lĩnh vực khác. Nhà văn Trần Nhã Thụy - thế hệ đàn em của Lê Văn Nghĩa tiết lộ: “Cái thương hiệu Tuổi Trẻ Cười còn mạnh tới hôm nay không thể không nhắc đến “người đầu bếp” Lê Văn Nghĩa. Người viết truyện châm biếm, nếu không có tầm, có tâm dễ sa đà vào những đụng chạm “dân sự” rách việc. Nói như Khổng Tử: “Người thẳng thắn mà không giữ chữ lễ thì thành kẻ phá hoại”; thì tôi nghĩ Lê Văn Nghĩa là người rất biết giữ cái chữ Lễ ấy. Sống ở đời, giữ được chữ Lễ khó lắm thay”.

Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm