Nhà văn Lê Phương Liên với 'Nữ sĩ thời gió bụi': Chân dung một Hồng Hà nữ sĩ toàn bích

05/04/2021 20:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Như kỳ 1 đã đăng trên Thể thao và Văn hóa số vừa qua, ở độ tuổi 70, sau hơn 50 năm gắn bó với sự nghiệp viết cho thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên vừa cho ra mắt tiểu thuyết dã sử đầu tay Nữ sĩ thời gió bụi (NXB Phụ nữ), viết về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) - một bậc nữ nhân kỳ tài đầu thế kỷ 18.

Nhà văn Lê Phương Liên với 'Nữ sĩ thời gió bụi': Như có 'Thiên mệnh' để viết về Đoàn Thị Điểm

Nhà văn Lê Phương Liên với 'Nữ sĩ thời gió bụi': Như có 'Thiên mệnh' để viết về Đoàn Thị Điểm

Ở độ tuổi 70, sau hơn nửa thế kỷ viết cho thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên vừa cho ra mắt tiểu thuyết dã sử "Nữ sĩ thời gió bụi" (NXB Phụ nữ), viết về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Để tìm hiểu rõ hơn về cuốn tiểu thuyết dã sử đặc biệt này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà văn Lê Phương Liên - tác giả của Nữ sĩ thời gió bụi.

Một phụ nữ tự lập thân giữa “thời gió bụi”

* “Nữ sĩ thời gió bụi” - một tựa sách đầy sức gợi. Bà có thể chia sẻ về tựa đề này? Liệu có gì đặc biệt hay ẩn ý chứa đựng trong tựa sách này?

- Tên sách Nữ sĩ thời gió bụi, tôi đặt từ đầu khi bắt tay vào viết bản thảo. Đơn giản là một ý của câu đầu tiên bản Chinh phụ ngâm diễn Nôm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Trong quá trình sửa chữa bản thảo đã có những ý kiến biên tập góp ý, và tên sách đã thay đổi 2, 3 lần nhưng cuối cùng Tổng biên tập NXB Phụ nữ vẫn quyết định trở về tên ban đầu - Nữ sĩ thời gió bụi.

Tên sách này rất rõ ràng và nôm na không có ẩn ý. Bởi thời đại bà Đoàn Thị Điểm sống là thời đất nước Việt Nam loạn lạc: Triều đại Lê - Trịnh suy tàn, nội chiến liên miên, nhân dân đói khổ… Quả thật, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - nhân vật chính của tiểu thuyết đã sống trong một “thời gió bụi”.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết dã sử "Nữ sĩ thời gió bụi" của nhà văn Lê Phương Liên

* Đoàn Thị Điểm là một nhân vật có thật trong lịch sử, đã sống cách đây 300 năm. Vậy bằng cách nào để bà có thể dựng lên chân dung Đoàn Thị Điểm tài sắc vẹn toàn một cách đầy đủ nhất trong sáng tác của mình?

- Khi bắt tay vào viết tiểu thuyết, tôi đã đọc kỹ tất cả các sáng tác của bà Đoàn Thị Điểm. “Văn là người”, từ đọc văn của bà tôi tưởng tượng ra hình ảnh nữ sĩ họ Đoàn từ tuổi thiếu nữ cho đến khi là phu nhân Nguyễn Kiều. Là người phụ nữ sống dưới chế độ phong kiến, không được đi học, không được đi thi, nhưng Đoàn Thị Điểm rất giỏi chữ Hán và chữ Nôm. Truyện và thơ của bà đặc sắc, tâm hồn bà đa cảm và tư tưởng bà phóng khoáng.

Chế độ phong kiến coi thân phận đàn bà hoàn toàn lệ thuộc vào đàn ông thế nhưng Đoàn Thị Điểm là một phụ nữ tự lập thân giữa “thời gió bụi” thế kỷ 18. Bà là một người phụ nữ xinh đẹp (đã từng được chọn với ý đồ dâng lên Chúa Trịnh) giỏi văn thơ, công dung ngôn hạnh chu toàn nhưng lại sống độc thân đến 37 tuổi mới lấy chồng. Chắc hẳn bà là một người bản lĩnh hiếm có!

Hơn nữa, ông tổ của nhà họ Đoàn là tướng quân Đoàn Thượng, một vị tướng tài, người có công với nước đã được tôn là thành hoàng làng. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm mang dòng máu võ tướng nên chẳng những công dung ngôn hạnh, đẹp người đẹp nết mà có giỏi võ. Bởi vậy tôi đã mạnh dạn miêu tả nhân vật chính của tiểu thuyết là một nữ nhân giỏi võ.

Khi miêu tả nhân vật Đoàn Thị Điểm tôi không tả trực diện mà thường chỉ phác họa dáng vẻ, cử chỉ, lời nói, hành động và tả nội tâm đa cảm của bà là chính. Thông qua cách miêu tả vẻ đẹp nội tâm, vẻ đẹp tính cách của bà Điểm, người đọc cảm nhận ra thần thái một nữ sĩ họ Đoàn thanh lịch dịu dàng, đoan trang, thông tuệ. Bạn đọc sẽ hình dung bà Điểm rất đẹp! Một vẻ đẹp không cần cụ thể nét mặt ra sao, thân thể thế nào?

Điều khó khăn nhất trong tác phẩm là miêu tả được tâm trạng bà Điểm khi ở vai phu nhân Nguyễn Kiều. Đó là lúc chồng đi vắng, nữ sĩ ở nhà lo toan dạy dỗ con chồng, lo toan việc làng nước, gặp gỡ với thi sĩ Đặng Trần Côn, đối đầu với những thị phi xã hội… Ở đây, nữ nhân vật chính đã không chỉ đẹp theo mẫu hình phong kiến công dung ngôn hạnh, bà đã vượt lên một vẻ đẹp mới hơn.

Tác giả bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm là một phụ nữ đa tình, đa cảm, khát khao bày tỏ nữ tính của mình. Tâm hồn nữ sĩ đã lộ diện để rồi tính cách đoan chính đã khiến phu nhân Nguyễn Kiều làm chủ được tình cảm nội tâm phong phú của mình. Trong tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi ở cảnh cuộc “dạ du” trên Hồ Tây của phu nhân Nguyễn Kiều cùng Đặng Trần Côn và Lê Hữu Trác, tôi diễn đạt được tâm trạng đặc biệt phức tạp nhất trong toàn bộ diễn biến tâm lý của nhân vật chính - nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lê Phương Liên (thứ 2 từ phải qua) tặng sách “Nữ sĩ thời gió bụi” cho đại diện làng Phú Xá, nơi có khu lăng mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Một tiểu thuyết dã sử có cách tiếp cận dân dã

* Thưa nhà văn, có gì đặc biệt trong hệ thống nhân vật trong “Nữ sĩ thời gió bụi”? Hoàn toàn trong lịch sử hay có thêm trong sự tưởng tượng?

- Trong tiểu thuyết Nữ sĩ Thời gió bụi, tôi đã tìm hiểu tư liệu về mối quan hệ giữa 2 nhân vật có tên tuổi trong lịch sử là Đoàn Thị Điểm và Lê Hữu Trác. Tôi phát hiện ra rằng gia đình Lê Hữu Trác và gia đình Đoàn Thị Điểm có quan hệ thông gia, bà chị cả của Lê Hữu Trác là vợ anh trai bà Đoàn Thị Điểm. Từ đó tôi đã tạo dựng nhân vật Lê Hữu Trác (ít tuổi hơn Đoàn Thị Điểm) trở thành một nhân vật thân thuộc có tình cảm chị em tương tri cùng bà Đoàn Thị Điểm. Nhân vật kẻ sĩ Lê Hữu Trác đã xuất hiện ở từng thời điểm đặc biệt từ thời niên thiếu, thời tuổi trẻ, thời trưởng thành để chia sẻ cùng Đoàn Thị Điểm những suy nghĩ thái độ của kẻ sĩ trong “thời gió bụi” .

Tôi cũng tìm hiểu mối quan hệ giữa 2 nhân vật có tên trong lịch sử là tiến sĩ Nguyễn Kiều (chồng bà Đoàn Thị Điểm) và Xuân quận công Nguyễn Nghiễm (Thân phụ thi hào Nguyễn Du). Từ đó tôi đã sáng tạo nhân vật Nguyễn Nghiễm, một vị quan văn trí tuệ xuất hiện có ý nghĩa trong tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi.

Tôi cũng dụng công tạo dựng nhân vật Nguyễn Kiều, một hình tượng “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt”. Ông có sức hấp dẫn với bà Đoàn Thị Điểm ngay từ buổi đầu gặp gỡ, từ lúc bà ở tuổi thiếu nữ. Ông là một mẫu người “trung quân ái quốc”, luôn đặt việc triều đình lên trên hết. Chỉ đến phút cuối cùng khi người vợ yêu quý sắp lìa đời ông mới cảm thấy rõ hạnh phúc của cuộc đời ông.

Xung quanh nhân vật chính Đoàn Thị Điểm có các nhân vật tên tuổi trong chính sử, và một nhân vật vô danh Trần võ sư. Đó là một nhân vật hoàn toàn do tưởng tượng của tác giả đã đi xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Ông là một lão bộc trung thành tuyệt đối với cô chủ Đoàn Thị Điểm. Ông là một kiểu người nghĩa hiệp có tư tưởng tự do không muốn “bó thân về với triều đình”.

Nhân vật Trần võ sư và Đoàn Thị Điểm có sự tương hợp về tư tưởng khát vọng sống vượt ra ngoài chế độ Lê - Trịnh thối nát. Tuy vậy Đoàn Thị Điểm vẫn là người của nền văn hóa phong kiến, bà đã là phu nhân Nguyễn Kiều và sống trọn vẹn với hạnh phúc của mình.

Trạng Quỳnh là một nhân vật có giai thoại lưu truyền với bà Đoàn Thị Điểm. Trạng Quỳnh là biểu tượng của văn học dân gian, nhân dân phong Trạng cho ông để phản kháng chế độ khoa cử phong kiến. Trong tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi tôi tạo ra một Trạng Quỳnh mang dáng vẻ kẻ lang thang tìm đến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Ông cảm thấy đồng cảm với Hồng Hà nữ sĩ vì bà cũng là người tự học, có tài, được nhân dân ngưỡng mộ. Nhân vật Trạng Quỳnh như là biểu tượng của lương tri nhân dân cảnh báo cho Đoàn Thị Điểm những mối nguy cơ đe dọa cuộc sống hạnh phúc của bà.

Các nhân vật trong gia đình bà Đoàn Thị Điểm như người cha Đoàn Doãn Nghi, người anh Đoàn Doãn Luân, người mẹ Đoàn phu nhân, Chị Lê vợ anh Doãn Luân, các cháu Lệnh Khương, Doãn Y… Mỗi người một vẻ và đều chung tính cách văn hóa truyền thống Thăng Long, thanh lịch, tự trọng, khiêm nhường, không tham lam, không hãnh tiến…

* Nhà xuất bản giới thiệu rằng, viết “Nữ sĩ thời gió bụi”, nhà văn Lê Phương Liên “chọn một cách tiếp cận dân dã mà đầy thuyết phục”. Vậy “cách tiếp cận dân dã” này cụ thể ra sao, được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?

- Tôi là người đã viết những truyện vừa cho thiếu nhi như Những tia nắng đầu tiên; Khi mùa xuân đến; Hoa dại… Khi viết tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi, tôi vẫn giữ văn phong trong sáng trong miêu tả, kể chuyện, đọc thoại nội tâm nhân vật. Trong từng chương tôi chọn các tình huống trọng yếu trong cuộc đời của nhân vật chính tập trung thể hiện nổi bật tính cách của các nhân vật trong cảnh ngộ ấy.

Diễn biến tiểu thuyết theo thời gian tuyến tính, thỉnh thoảng có những đoạn ngược thời gian để “bật mí” câu chuyện. Cuốn sách có 5 chương (trong các chương có các phần nhỏ đánh số) mỗi chương có tên riêng. Có lẽ cách diễn đạt giản dị sinh động vừa nhanh lướt qua thời gian vừa có điểm nhấn chậm lại rõ nét đã giúp cho người đọc bình dân dễ dàng tiếp nhận những trang sách chăng?

* Cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện!

Đón xem kỳ 3 & hết: “Có những tiểu thuyết lịch sử rất lãng mạn, bay bổng”

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm