Nhà văn Lê Minh Hà: Đong đầy Hà Nội bằng nỗi nhớ

31/08/2016 12:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù là tạp văn, tiểu thuyết hay truyện ngắn, những trang viết của Lê Minh Hà luôn đầy ắp hình ảnh của một Hà Nội, mảnh đất đã từng gắn bó với chị 32 năm.

>>> Chuyên trang giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

54 tuổi, định cư tại Đức từ 1994, Lê Minh Hà xuất bản một loạt tác phẩm về Hà Nội vào năm trước. Trong đó, tập tản văn Thương thế, ngày xưa gây ấn tượng mạnh với khá nhiều độc giả bởi sự tinh tế lẫn những khắc khoải của một nhà văn xa xứ.

* Bằng vài câu ngắn, chị có thể phác họa về một Hà Nội trong ký ức của mình?

 - Nhọc nhằn mà dịu dàng. Thiếu mà vẫn đủ. Và có những người như tôi sinh ra, lớn lên, khôn và yêu, ao ước và tuyệt vọng, rồi lại ao ước.


Nhà văn Lê Minh Hà trong một cuộc tọa đàm với độc giả tại Đức

* Khi chị rời Hà Nội năm 1994, thành phố này mới chỉ bắt đầu ở giai đoạn chuyển mình sang nhịp sống của thời kinh tế thị trường. Bây giờ, mỗi lần về đây, chị còn thấy điều gì vẫn gần với hình ảnh một Hà Nội của mình không?

- Hình như không, trong sự nghe vội nhìn vội. Thật ra thì Hà Nội bây giờ giàu chất thị xã hơn là thành phố. Rộng hơn nhưng chưa chắc mênh mông như đã từng. Và ồn ào quá, tới mức không thể nào chịu nổi. Đến cả mùi hoa sấu thanh mát ngày nào cũng thành ngột ngạt.

Nhưng nếu ngồi xuống đâu đó, giữa một nhóm người nào đó cùng có cái kiểu lớn lên, khôn và yêu, ao ước và tuyệt vọng, ưa lặng lẽ ngắm nghía nghe ngóng ngẫm ngợi thì dường như Hà Nội mới vẫn là Hà Nội cũ, Hà Nội mà tôi đang giữ cho mình.

* Còn cơ duyên để “Thương thế ngày xưa” ra đời ? Bên cạnh những hồi ức về tuổi trẻ và Hà Nội, có thêm lý do nào cho những trang viết ấy?

- Thật ra khi viết những tản văn đầu tiên trong mạch Thương thế, ngày xưa… tôi chỉ mới xa Hà Nội đôi ba năm, vẫn còn rất trẻ. Nhưng trong sự giằng co giữa ở hay về, giữa đời sống phương tây và phương ta, thì cảm giác về không gian, thời gian lại rất lạ lùng. Đến nỗi, có những ngày chỉ vừa sống qua, với tôi  đã thành ra tít tắp như là một đoạn tuyệt thật sự.

Vậy nhưng, ở nơi tôi đang sống cũng lại có những ngày xao xác mưa nắng theo cách... rất Hà Nội, đủ để lôi phắt hồn vía mình về. Vậy là tôi viết, để lưu giữ, cho mình và cho những ai còn thiết tha với một Hà Nội mà mình thiết tha. Sau này, khi về lại Hà Nội và thấy tất cả đùng đùng đổi khác thì tôi có ý thức hơn khi viết tiếp mạch ấy...


Tác phẩm "Thương thế ngày xưa" của Lê Minh Hà

* Đọc những gì chị viết, nhiều người nghĩ rằng hẳn tác giả sẽ rất trăn trở, day dứt, bồi hồi… khi nhớ về Hà Nội từ một miền đất khác. Nỗi nhớ ấy có “làm khổ” chị?

- Tôi chỉ thực sự bị giằng níu khi chưa thật hiểu mình dù đã quyết định đổi địa chỉ sang hẳn châu Âu này một hai năm đầu thôi. Còn sau đó thì thấy đời sống mình giàu có hơn khi gắn bó với cả hai miền đất. Cuộc sống của người Việt nơi tôi đang ở đây thật ra không thiếu thốn bất kể cái gì mà chúng ta mặc định là chỉ có ở quê nhà, kiểu rau muống với cà dầm tương và rất nhiều khi còn Hà Nội xưa hơn cả Hà Nội nay.

Nghe thì hơi buồn cười, nhưng nếu có gì làm tôi thỉnh thoảng “nhớ ơi là nhớ” thì thực ra chỉ là một đôi người bạn, một vài giọng nói, một ngày gió trở, những khoảng lặng giữa một câu chuyện vu vơ mà hóa ra nói với ta rất nhiều điều. (cười)

* Khi viết về Hà Nội, chị mong độc giả sẽ tìm thấy gì ở những trang viết của mình? Và ngược lại, khi đọc những trang viết về Hà Nội của một tác giả khác, chị thường hy vọng tìm thấy gì trong đó?

- Đọc những trang viết về Hà Nội của các tác giả khác, điều duy nhất tôi đi tìm là cái Tôi của họ, cho dù rất nhiều khi không thấy.

Còn lại, tôi nghĩ là bạn đọc đọc Lê Minh Hà cũng có khi giống Lê Minh Hà trong tư cách bạn đọc. Nếu ai đó cứ khăng khăng rằng Lê Minh Hà hay viết về thời bao cấp và viết về thời bao cấp hay thì tôi dỗi đấy. Hà Nội làm tôi quan tâm không phải vì nhớ, mà vì những chuyển động của nó, và tôi muốn trình hiện quá trình chuyển động đó bằng chữ, từ góc nhìn của một người Hà Nội đi xa. Nếu bạn đọc không cảm ra được điều đó thì tôi chưa thể tự tin ở nội lực của mình.

Nhưng tôi tin độc giả.

* Xin cảm ơn chị!

Các đề cử chính thức hạng mục Giải Tác phẩm của Giải thưởngBùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2016 (dự kiến lễ trao giải ngày 8/9) gồm:

- Bài hát Hà Nội (tác giả: La Grande Sophie, Pháp) với các ca từ rất đẹp, miêu tả rõ nét văn hóa, hình ảnh của thủ đô Hà Nội và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả quốc tế.

- Cuốn sách Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội, họa sĩ Phan Ngọc Khuê (chủ biên) giúp người đọc cảm nhận sự tinh tế về nghệ thuật của cha ông và hiểu được cơ sở tâm hồn của cư dân Thăng Long - Hà Nội.

- Những cuốn sách về Hà Nội (nổi bật là Thương thế, ngày xưa) của nhà văn Việt kiều Lê Minh Hà, với bút pháp tinh tế và sự thương nhớ đong đầy về Hà Nội.

Hoàng Nguyên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm