Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Hạt gạo của đắng cay và ngọt bùi

22/07/2020 21:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu trưng cầu dân ý về danh sách 10 bài thơ hay, gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi chắc sẽ có bài Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa. Bài thơ này được viết năm 1968, khi Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi, in trong tập Góc sân và khoảng trời năm 1968. Bài thơ này từng vào SGK Văn lớp 5 (tập 2, NXB Giáo dục, 1989), hiện ở trong SGK Tiếng Việt lớp 5 (tập 2).

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK (kỳ 16): Nhạc sĩ Khánh Vinh - từ 'Tia nắng hạt mưa'...

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK (kỳ 16): Nhạc sĩ Khánh Vinh - từ 'Tia nắng hạt mưa'...

Khánh Vinh từng được giải Nhất cuộc thi viết cho tuổi hồng (năm 1992) với bài "Tia nắng hạt mưa", giải Nhất giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2008) với bài "Cổ tích viết trên cát", giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức (2011) với bài "Lời ru"…

Với một quốc gia trong vùng văn minh lúa nước, đặc biệt thời chiến tranh, hạt gạo luôn là chọn lựa số 1! Trong công cuộc vệ quốc, dùng binh pháp “chiến tranh nhân dân”, thì hậu phương làng ta luôn là vị trí đắc địa, bền vững bậc nhất. Chính vì vậy mà cấu trúc “hạt gạo - làng ta” tự động trở nên gần gũi, thiết thân.

Những so sánh ấn tượng

Nhờ chọn lựa như thế, lạ thay, trong bài thơ nhỏ như hạt gạo của Trần Đăng Khoa, chiến cuộc lại toàn cảnh hơn những bài to đùng khác! Toàn cảnh vì xuất hiện “phe” thứ ba của cuộc chiến - thiên nhiên: “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng Bảy/ Có mưa tháng Ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng Sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy...”. Đây là “phe” cũng có khi đánh lớn, không ngại chơi ác liệt, nhiệt chiến “nước như ai nấu” và xuống tay lúa, “cào rát mặt” trẻ con: “Trưa nào bắt sâu/ Lúa cao rát mặt”.

Cùng nghênh chiến với trời đất, với thiên nhiên kia, phe những người làng của Khoa đã điều đội quân tóc dài - những bà mẹ - và những bé em quàng khăn đỏ, cùng chịu đựng với nhau. Và thiên nhiên trên cao đã linh cảm! Trong làng bỗng xuất hiện một thần đồng khăn quàng đỏ, bi bô đồng dao một đạo lý lâm thời: “Những năm băng đạn/ Vàng như lúa đồng”.

Tôi chưa hỏi Trần Đăng Khoa về quá trình thực hiện so sánh, băng đạn và bông lúa để có hòa sắc, có đồng thuận, có khắng khít, chín vàng một nguyên tắc sống. Nhưng tôi tự lý giải, chính hình bông lúa chắc hạt, vàng óng và đều tăm tắp trên Quốc huy Việt Nam (do Bùi Trang Chước vẽ mẫu và Trần Văn Cẩn chỉnh sửa), mà thời ấy ở những làng quê đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Hiền Lương… hầu như gia đình nào cũng có trong nhà, chúng đã tạo hứng, đã gợi ý cho tác giả.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhạc sĩ Trần Viết Bính - người phổ nhạc bài thơ “Hạt gạo làng ta”

Bị “Hạt gạo làng ta” hớp hồn

Bài thơ Hạt gạo làng ta đến với nhiều độc giả hơn khi thành bài hát cùng tên của nhạc sĩ Trần Viết Bính. Nhạc sĩ kể, một ngày thời chiến, năm 1971, ông đạp xe ghé nhà một người bạn, thấy trên bàn có quyển Góc sân và khoảng trời, vốn đang nổi như cồn, thế là đọc ngấu nghiến và bị Hạt gạo làng ta hớp hồn!

Rất giàu nhạc tính vì bài thơ viết theo giọng “ve vẻ vè ve” của thể loại vè dân gian, đã có từ xưa! Rất giàu kịch tính, do liên tục có những va đập của những hình tượng đối lập, “cua ngoi lên”, “mẹ… bước xuống”, “bom Mỹ” từ trời dội xuống thì, trên mặt đất, “cây súng” tản ra, mở một thế trận trường kỳ… Vậy là Trần Viết Bính thuộc trong đầu. Rời khỏi nhà người bạn, ông vừa đạp xe vừa lẩm nhẩm cài đặt hình tượng văn học vào giai điệu ca khúc.

Hồi ấy Trần Viết Bính đang là thầy giáo âm nhạc ở Nam Định, đang có ban hợp ca Vàng Anh trong tay nổi tiếng khắp miền Bắc, ông dựng bài Hạt gạo làng ta với ban hợp ca ấy. Bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng, trở thành “tiếng hát át tiếng bom” thời chống Mỹ cứu nước, thành “hành khúc” của một thời kỳ lịch sử! Thành “giai điệu tự hào” của âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ.

Ca khúc này đã có thể coi là giai điệu vượt thời gian, khi có tới 3 niềm vinh dự: 1 trong 50 bài hát thiếu nhi Việt Nam hay nhất thế kỷ 20, do Trung ương Đoàn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức bình chọn. 1 trong 20 bài hát hay nhất viết về nông nghiệp, nông thôn, từ 1961 tới 2011 và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2017).

Đọc ca từ bài hát Hạt gạo làng ta trong sách Trần Viết Bính - Tác giả và tác phẩm (NXB Đồng Nai, 2017), sẽ thấy nhạc sĩ dù giữ đủ 152 âm tiết của bài thơ, nhưng không “nguyên văn”, vì có một chỗ không đúng như bài thơ gốc. Trong thơ, Trần Đăng Khoa viết: “Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay”, trong bài hát của Trần Viết Bính, câu này lại là: “Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi hôm nay”.

Vậy là mọi người đã “hát sai”, không ngậm ngùi “đắng cay”, mà chỉ véo von “ngọt bùi hôm nay”. Người viết bài đưa chuyện này ra hỏi Trần Đăng Khoa, nhà thơ “bênh” ông nhạc sĩ đã chắp cánh thơ mình. Theo ông Khoa, Trần Viết Bính phổ bài thơ này đúng theo nguyên văn bản in lần thứ nhất, biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng đã chủ động thay đổi, với lý do là trẻ em thì không cần biết đến những “đắng cay”, nhất là trong một cuộc chiến mà “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Các bản in sau thì Trần Đăng Khoa sửa lại thành “ngọt bùi đắng cay”, các SGK về sau cũng theo Trần Đăng Khoa.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Hạt gạo làng ta” trong SGK Tiếng Việt lớp 5 (tập 2)

Tình cảm ngọt bùi

Dù trong nội dung bài thơ có chuyện đắng cay như thế, nhưng trong mối quan hệ giữa 2 tác giả thì ngọt bùi lắm. Nhạc sĩ Trần Viết Bính nói rằng cách vinh danh tác phẩm chung đang có nhiều bất hợp lý, nhiều trục trặc, dễ gây chia rẽ các đồng tác giả.

Ông kể: “Đúng 30 năm sau khi bài hát ra đời, năm 2000 tôi và Trần Đăng Khoa mới gặp nhau lần đầu tại Hà Nội. Dù rất muốn gặp để cảm ơn người đã có tác phẩm gợi hứng sáng tác cho tôi, đã viết giúp ca từ cho tôi, nhưng chiến tranh ngăn trở! Cậu bé thần đồng sớm thành anh lính hải quân Trần Đăng Khoa nay đảo này, mai biển nọ. Cho tới một ngày của năm 1990, khi cả 2 anh em đều có mặt ở Moskva, tôi đi tập huấn nghiệp vụ, còn Trần Đăng Khoa đang học tại Viện Văn học thế giới Maxim Gorki, tôi chủ động tìm tới ký túc xá của Khoa trong buổi chiều đầy tuyết trắng, nhưng Khoa lại đi vắng”.

Ông Bính kể tiếp, tới năm 2017, khi được Giải thưởng Nhà nước, với 205 triệu đồng, việc đầu tiên ông làm là điện thoại hẹn gặp để chia 60 triệu đồng cho Trần Đăng Khoa, theo luật định. Nhưng Trần Đăng Khoa lại “lách luật”, trả lời: “Em không nhận một xu nào bác nhé. Bác đã chắp cánh, đã phổ cập thơ em, lẽ ra em phải có quà cảm ơn bác chứ! Em không nhận tiền, chỉ xin bác bản photocopy tấm bằng giải thưởng, để em treo trong nhà”.

“Phó bản tấm bằng được gửi ra ngay, nhưng than ôi, tấm bằng ấy không mảy may có một chữ nào cho cái tên tác giả phần lời là Trần Đăng Khoa, dù họ vẫn còn đủ chỗ để mở ngoặc đơn, ghi thêm một bút danh của nhạc sĩ” - Trần Viết Bính cảm thán! Nhưng “văn nhân tương thân”, dù không có tên mình, Trần Đăng Khoa vẫn treo phó bản tấm bằng Giải thưởng Nhà nước. Trần Đăng Khoa nói về phó bản: “Tôi treo như treo một bức tranh”.

Trần Đăng Khoa viết bài thơ đầu tiên Con bướm vàng vào tháng 2/1966, lúc 8 tuổi, khi đang học lớp 1. Trong khoảng 10 năm tiếp sau đó, với khoảng trên 200 bài thơ đã viết, với 3 tập thơ và 4 tập trường ca được xuất bản, nên nhiều nơi gọi Trần Đăng Khoa là thần đồng thơ.

3 “thành tích” của “Hạt gạo làng ta”

Bài hát Hạt gạo làng ta phổ nhạc bài thơ cùng tên (của Trần Đăng Khoa) có thể coi là giai điệu vượt thời gian, khi có tới 3 niềm vinh dự: 1 trong 50 bài hát thiếu nhi Việt Nam hay nhất thế kỷ 20, do Trung ương Đoàn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức bình chọn. 1 trong 20 bài hát hay nhất viết về nông nghiệp, nông thôn, từ 1961 tới 2011 và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2017).

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm