Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái: Đừng tầm thường hóa cách hiểu kịch Lưu Quang Vũ

17/09/2013 13:52 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan (LH) các vở diễn của Lưu Quang Vũ vừa khép lại tại Hà Nội với nhiều dư vị khác nhau. Có ý kiến cho rằng LH làm sống lại không khí sân khấu sôi động một thời, nhưng biết đâu, nó cũng có thể làm bớt thiêng một giá trị, một thương hiệu…

Trong BGK, cũng có ý kiến nhận định Lưu Quang Vũ từng được đề cao quá mức; có vị còn dùng chữ “văn học gãi ngứa”. Nhà phê bình sân khấu, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái là một thành viên BGK của LH chia sẻ quan điểm của mình.

“Lưu Quang Vũ trước hết và cuối cùng vẫn là một nhà thơ. Tôi tin, không có thơ thì Lưu Quang Vũ chắc chắn không có kịch và không thể trở thành một nhà viết kịch bật sáng đến thế trong thời kỳ đổi mới văn nghệ”, bà Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định.


PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

Nhạy bén của thi sĩ

* 25 năm nhìn lại, bà đánh giá thế nào về chất lượng kịch bản của Lưu Quang Vũ?

- Lưu Quang Vũ đã viết kịch chính luận - trữ tình, đặt được những vấn đề nhân sinh - xã hội, trên một trực giác vô cùng bén nhạy của thi sĩ. Lưu Quang Vũ tự lý giải rành mạch: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ với kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi”.

Tất nhiên, 50 vở kịch viết liên tục trong khoảng 10 năm không phải vở nào cũng hay và cũng được dàn dựng tử tế. Có những vở thất bại, có những vở thường thường bậc trung, nhưng đừng vì vậy mà tầm thường hóa trong cách hiểu kịch bản Lưu Quang Vũ. Bởi chỉ cần một vài vở sống với thời gian, chia sẻ được với chúng ta nỗi đau kiếp người, thì cũng quá đủ để biết ơn ông. Thật man rợ, thiếu cả tình lẫn lý, khi cho rằng văn học kịch của Lưu Quang Vũ thuộc dòng văn học “gãi ngứa”.

* Bà có cắt nghĩa được vì sao có nhận xét như vừa nêu không?

- Tôi từng khẳng định: “Kịch bản Lưu Quang Vũ nồng đượm hơi thở của đời sống với những vấn đề thời sự được phát hiện tươi rói”. Có lẽ chính yếu tố thời sự này nên một số người, do đọc không thủng văn bản, nên cho rằng nó thuộc dòng văn học nghệ thuật “gãi ngứa”. Bởi họ nghĩ đơn giản rằng khi hết ngứa mà vẫn gãi thì người ta hất tay ra mà thôi, thậm chí ngứa lưng mà gãi bụng chẳng hạn thì càng hất khỏe? Nhưng có những thứ ngứa thuộc về bản thể, về hiện sinh, về kiếp người… thì muôn đời vẫn gãi đấy thôi. Văn học chân chính nảy mầm ở những nơi này.


Cảnh trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, phiên bản cũ. Ảnh: N.Đ.T

Khẳng định giá trị của tác gia

* Với tâm thế như vậy, khi ngồi hội đồng BGK, bà trông chờ bản dựng kịch bản nào nhất?

- Ngày xưa, khán giả từng điên đảo vì một Trần Vân, Hoàng Cúc (Tôi và chúng ta); Trọng Khôi, Lan Hương, Trần Tiến, Phạm Bằng (Hồn Trương Ba, da hàng thịt), Quốc Chiêm, Lâm Bằng (Nàng Si-ta, Ngọc Hân công chúa)… Xem cả mùa LH này chẳng thấy gương mặt nào khả dĩ gợi so sánh với tiền bối? Còn về đạo diễn thì sao, có ai nổi lên không? Tôi cũng chưa thấy rõ.

Tôi vẫn luôn xác tín rằng Hồn Trương Ba, da hàng thịt là kiệt tác - có lẽ là duy nhất ở sân khấu Việt hiện đại - đạt tới một “số phận văn hóa”. Thẳng thắn mà nói, các sân khấu hôm nay vẫn thiếu yếu tố này nhân tố kia để có thể dựng cho bằng ngày trước, chứ đừng nói hay hơn.

* Vậy cái được nhất của LH đầu tiên này là gì?

- Về phần LH, cái được cũng chính là nỗi buồn. Sân khấu phía Bắc được sống lại những ngày nồng nhiệt như thế này đã là may mắn và hạnh phúc. Kịch trường đã bị đứt đoạn rất lâu; đạo diễn và diễn viên trẻ ư, vở đâu ra mà dựng mà diễn hằng đêm, thật khó tinh thông nghề nghiệp. Những sân khấu phía Nam thì sáng đèn liên tục nhưng không mặn mà với LH, vì nhiều lý do, trong đó có chuyện không thu xếp được thời gian và kinh phí để tham dự.

Về phần Lưu Quang Vũ thì rất hay, dù muộn và chưa thực sự đúng kích cỡ, nhưng LH một lần nữa khẳng định chân giá trị của tác gia này.

VĂN BẢY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm