05/02/2014 08:43 GMT+7 | Văn hoá
Xung quanh chuyện Tết ta Tết Tây, nhà văn - dịch giả - nhà nghiên cứu văn học Nhật Bản Nhật Chiêu chia sẻ những ý kiến với TT&VH Cuối tuần.
* Trước hết xin trở lại một chút với lịch sử. Dưới công cuộc duy tân của Nhật hoàng Minh Trị từ cuối thế kỷ XIX, nước Nhật đã chọn bỏ hẳn việc ăn Tết theo âm lịch truyền thống mà đón năm mới theo lịch phương Tây. Theo ông vì sao lại có quyết định táo bạo này?
- Chủ trương chung của công cuộc duy tân Nhật Bản là: “thoát Á” (nguyên văn Hán tự - Kanji). Nhật Bản muốn trở thành một nước văn minh gần với châu Âu và mang tính toàn cầu cho nên tạm quên mình là một nước lạc hậu ở châu Á lúc bấy giờ. Theo tôi việc mừng Tết theo Dương lịch cũng đi theo xu hướng đó để thuận lợi cho cuộc duy tân vốn là một nỗ lực làm việc vừa quyết tâm vừa phù hợp với những quan hệ mới đối với thế giới. Nếu không sửa đổi như vậy thì vô hình trung lại phải ăn 2 cái Tết, thực hiện 2 công việc tổng kết, kiểm kê, vạch kế hoạch… cho 2 cái Tết đó.
* Vậy lúc đó dư luận người dân Nhật phản ứng với quyết định này của Nhật hoàng như thế nào?
- Tôi không tìm hiểu sâu về vấn đề này nhưng có thể phần nào hiểu được phản ứng của dân chúng qua tình hình chung về công cuộc duy tân. Nói chung khi Nhật Bản bắt đầu mở cửa sau thời “tỏa quốc” tất nhiên có gặp sự chống đối của dân chúng, đặc biệt là tầng lớp samurai không dễ gì buông vũ khí. Nhưng ta biết rằng chính quyền Nhật đã cương quyết đi theo con đường đổi mới bất chấp mọi trở ngại.
* Theo ông việc thay đổi này có tác động như thế nào đến Nhật Bản cả tích cực lẫn tiêu cực?
* Hiện nay, Nhật Bản là một quốc gia rất hiện đại nhưng cũng là một nền văn hóa giàu bản sắc bậc nhất. Dường như việc ăn Tết ra sao không ảnh hưởng mấy đến bản sắc của họ?
- Thực ra người Nhật là một dân tộc rất uyển chuyển. Họ vừa coi trọng những gì thuộc về “cổ tầng” (Kô-sô) tức là cái nền tảng làm nên tính cách Nhật. Nhưng đồng thời lại hiểu rõ cổ tầng không phải là cái gì bất biến và họ phê phán cả những người quá bảo thủ cổ tầng rằng: Cổ tầng không phải là cái mà ta muốn nó có. Họ gọi những người bảo thủ ấy là những kẻ “phát minh cổ tầng”, “hư cấu cổ tầng”. Vậy thì người Nhật vừa trân trọng truyền thống vừa sẵn sàng tiếp biến những gì tốt đẹp, hay ho, quý báu. Hơn nữa, người Nhật luôn có thói quen tự phê phán. Chẳng hạn như thơ Haiku dù cổ điển hay hiện đại đều được cả thế giới hết lời ca tụng nhưng nhà phê bình nổi tiếng Kuwabara Takeo vẫn cho đó là một nghệ thuật thứ yếu, không đáng dạy trong trường học. Ở đây, không cần nói đến chuyện ta có tán đồng quan điểm của tác giả này hay không nhưng chúng ta phải nhận thấy tinh thần tự phê phán của người Nhật là cái khiến cho họ tiến bộ vượt bậc. Thiếu tinh thần đó chắc chắn không có Nhật Bản ngày nay. Cũng do tinh thần phê phán này mà Nhật Bản biết gìn giữ cái gì là tinh hoa nhưng cũng sẵn sàng vứt bỏ những cái không thuận lợi để tiến vào cuộc sống mới. Họ đề cao kimono nhưng không ngu xuẩn đến mức bắt học sinh mặc kimono đi học và trong cuộc sống thường ngày vẫn sẵn sàng bỏ xó kimono.
* Vậy ông có ủng hộ việc ăn Tết theo Tây lịch?
- Tôi nghĩ nên chọn một trong hai. Không nên chúc mừng năm mới tới 2 lần. Thực tế, chuyện này không lớn, sẽ không là thay đổi trọng đại gì đối với lịch sử cả. Việc đất nước có phát triển hay giữ được bản sắc dân tộc hay không chắc chắn không thể chỉ thông qua việc ăn Tết theo lịch nào. Tuy nhiên, trong đời sống chúng ta phải nhìn nhận mọi việc một cách rõ ràng và cố gắng tìm kiếm con đường thuận lợi nhất để phát triển.
* Cảm ơn những chia sẻ của ông.
Ngọc Tuyết (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất