Nhà hát kịch Hà Nội nhận Huân chương lao động hạng ba trong 'sinh nhật' tuổi 60

27/12/2019 18:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -"Nhà hát Kịch Hà Nội, thánh đường nghệ thuật của biết bao thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, ngôi nhà chung đong đầy tình yêu thương của biết bao thế hệ cán bộ nhân viên đến nay đã tròn 60 tuổi”- NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, xúc động phát biểu trong lễ kỷ niệm vào sáng nay 27/12.

Ra mắt vở diễn về người anh hùng bảo vệ Hà Nội

Ra mắt vở diễn về người anh hùng bảo vệ Hà Nội

“Hà Thành chính khí" là vở diễn vừa được Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng và công diễn, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959-2019) và hướng tới phục vụ lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội vào năm 2020.

Trong bài phát biểu, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội nhấn mạnh, 60 năm dấu ấn vàng son đã minh chứng Nhà hát Kịch Hà Nội là một điểm sáng rực rỡ trong nền sân khấu kịch nói nước nhà. Đó là một Nhà hát có phong cách nghệ thuật được đánh giá rất cao bởi những giải thưởng, những bằng khen và những danh hiệu cao quý; là  một thương hiệu kịch Hà Nội không thể thay thế, không thể trộn lẫn; là sự tinh tế, lịch lãm và hào hoa trong diễn xuất, nhạy bén về thời sự và sắc sảo về chính trị.

Nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng của nhà hát Kịch Hà Nội như NSND Trần Hạnh, NSND Hoàng Cúc, NSND Hoàng Dũng, NSƯT Minh Vượng, NSND Thu Hà... đã cùng tề tựu đông đủ trong ngày hội và cùng nhau ôn lại nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc đời nghệ sĩ. Họ và nhiều nghệ sĩ khác của Nhà hát Kịch Hà Nội đã cùng tạo nhau nên các tác phẩm sân khấu lừng lẫy một thời như Tôi và chúng ta, Lũy hoa, Hà My của tôi, Thầy khóa làng tôi, Đứa con bị đánh cắp.... 

Nhà hát Kịch có tiền thân là đội kịch thuộc Đoàn văn công Nhân Dân Hà Nội được thành lập từ năm 1959. Năm 1965, đội kịch này đã tách khỏi Đoàn Văn Công Nhân Dân Hà Nội và hoạt động độc lập. Năm 1993, đoàn kịch nói Hà Nội được  chuyển thành Nhà hát kịch Hà Nội và được UBND Thành phố Hà Nội quyết định nâng hạng thành Nhà Hát hạng I năm 2005. Đặc biệt, vào năm 2008, khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, đoàn kịch nói Hà Tây cũng sáp nhập vào Nhà hát.

Chú thích ảnh
Các nghệ sĩ nhà hát kịch Hà Nội nhận Huân chương Lao động hạng ba trong lễ kỷ niệm

Năm 2019 không chỉ là năm kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội mà còn ý nghĩa hơn nữa khi Nhà hát được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba trong lễ kỷ niệm vào sáng nay. Ngoài ra, 4 tháng trước đó, 5 nghệ sĩ của Nhà hát đã vinh dự được phong tặng NSND, NSƯT, bao gồm NSND Trần Ngọc Hạnh, NSND Công Lý, NSND Thu Hà, NSƯT Tiến Minh, NSƯT Phú Thăng. 

Đặc biệt, từ tháng 5/2019, rạp Công Nhân được tiến hành sửa chữa với việc dỡ bỏ sân khấu cũ, lắp đặt hệ thống Sân khấu quay và nâng hiện đại. Sân khấu này có hai trục đồng tâm chu vi 8 mét và 3 mét, phần sân khấu 3m có thể nâng lên 70cm. Vừa qua, vở diễn Hà thành chính khí – công trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959-2019), chào mừng đại lễ 1.010 Thăng Long Hà Nội (2020) đã được biểu diễn trên hệ thống sân khấu này.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong vở "Hà thành chính khí" của Nhà hát

Cũng trong dịp kỷ niệm 60 năm, lãnh đạo  Nhà hát Kịch Hà Nội đã giới thiệu công bố quyết định thiết kế và sử dụng Logo mới. Logo lấy ý tưởng kiến trúc mái vòm của Nhà hát, mang dáng dấp của một vầng mặt trời vào lúc bình minh. Như chia sẻ từ phía Nhà hát, thiết kế logo mới chính là bước đầu tiên trong sự chuyển mình, sự thay đổi của Nhà hát kịch Hà Nội để theo kịp với xu hướng của những Nhà hát hiện đại trên Thế giới.

Cúc Đường

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm