Nguyễn Quang Thạch: Tìm 2 tháng trên xe buýt mới thấy 1 người đọc sách

26/04/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Nếu bảo rằng chúng ta đã có “văn hóa đọc” rồi, e rằng chưa đúng. Theo tôi, một dân tộc phải có từ 60-70% người dân thường xuyên đọc sách thì mới có được điều đó. Tôi đã mất 2 tháng chỉ đi xe buýt để xem người dân có đọc sách không, nhưng chỉ nhìn thấy duy nhất… 1 người”.

Đó là tâm sự của anh Nguyễn Quang Thạch, người đã từng đi xuyên Việt khuyến khích phát triển tủ sách dòng họ. Trong Ngày hội đọc sách Việt Nam lần thứ Nhất vừa diễn ra tại Văn Miếu - Hà Nội cùng với Vụ Thư viện, Chương trình xây dựng tủ sách dòng họ do anh phụ trách đã tặng trên 3.000 cuốn sách cho những người tham gia lễ hội.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với anh Thạch.

60 chuyến xe buýt và 1 cô gái

* Anh đã mất 2 tháng đi xe buýt để “săn” người đọc sách. Anh đã đi bao nhiêu chuyến xe buýt và gặp được bao nhiêu người đọc sách?

- Việc đi các tuyến xe buýt từ 1 đến 51 ở các con đường khác nhau để “săn” người đọc sách được thực hiện có chủ định với trên 60 chuyến khác nhau, nhưng tôi chỉ gặp được 1 người đọc sách!

Khi lên xe buýt, tôi vẫn hay hỏi người ngồi bên cạnh mình về tình hình sách ở khu vực nông thôn và cũng hỏi “dòng họ của anh/chị có tủ sách không?”. Hầu hết đều trả lời họ rất ít có cơ hội đọc nhiều sách khi đang học phổ thông, vì họ ít có cơ hội tiếp cận sách một cách dễ dàng.

Tủ sách họ Hoàng ở xã Diễn Cát - Diễn Châu - Nghệ An. Tủ sách với 2.000 đầu sách do dòng họ tự xây dựng. Chương trình xây dựng tủ sách dòng họ tặng 114 đầu sách (Nguyễn Quang Thạch bìa trái).

* Anh có nhớ người duy nhất anh bắt gặp đọc sách trên xe buýt không? Anh đã nói gì với người đó và ngược lại người đó đã nói gì khi nghe anh “thuyết trình” về văn hóa đọc?

- Hình ảnh tôi nhớ mãi là cô ấy mặc áo sơ mi trắng và cầm đọc cuốn sách Cánh đồng bất tận có bìa màu xanh lá cây. Tôi chụp ảnh và nói với cô ấy rằng “đây là hình ảnh đẹp nhất và hiếm hoi mà tôi thấy trên xe buýt”. Qua tìm hiểu tôi được biết, sở dĩ cô ấy ham đọc vì từ nhỏ đã được bố mẹ lên Hà Nội mua sách thường xuyên. Cô ấy nói với tôi: “Hồi nhỏ, thỉnh thoảng em còn được bố mẹ đưa lên nhà sách Kim Đồng mua sách”.

* Vì sao chúng ta ít thấy người dân đọc sách ở nơi công cộng, như trên xe buýt chẳng hạn, thưa anh? Hay vì các đô thị ở Việt Nam không có chỗ thích hợp cho người đọc sách?

- Theo tôi, sách có thể đọc khắp mọi nơi. Người nước ngoài ngồi xe buýt của ta, họ đọc sách ngon lành. Trên máy bay hay ở các phòng chờ sân bay, người cầm sách đọc chủ yếu là người nước ngoài. Hiếm thấy người đọc sách ở nơi công cộng, điều đó chứng tỏ rằng, thói quen đọc của số đông dân chúng đang còn rất hạn chế.

* Có ý kiến cho rằng đọc sách trên tàu xe là hại đến mắt và thậm chí là sức khỏe. Bên cạnh đó, khi xe chạy, người đông cộng xe rung, lắc... rất khó tập trung để đọc. Vì vậy, người ta chọn cách nghe đài hoặc đọc bằng thiết bị điện tử khác. Ý kiến của anh?

- Đọc hay nghe đều có thể giúp tiếp nhận tri thức. Tuy nhiên, sách nghe của mình chưa phổ biến nên nhiều người nghe nhạc qua điện thoại và một số thiết bị khác.

Như đã nói ở trên, việc đọc trên xe buýt hay các trạm xe buýt không mấy khó khăn. Nếu ai đó biện minh vì lý do này hay lý do khác, chẳng qua họ chưa thật sự thích đọc mà thôi.

Thực trạng “thê thảm”

* “Trắc nghiệm” trên xe buýt của anh dù sao cũng chưa thể đánh giá được toàn diện về tình hình văn hóa đọc của chúng ta. Được biết, anh còn cất công đi khảo sát về văn hóa đọc ở rất nhiều địa phương khác nhau. Sau khi đi khảo sát như vậy, theo quan điểm của anh thì “biểu đồ” văn hóa đọc của người Việt, nhất là ở nông thôn đang biểu thị như thế nào?

- Năm 2010, tôi đã làm thảo luận nhóm với 240 học sinh ở 3 trường trung và tiểu học tại 3 xã An Vũ, An Dục và Đồng Tiến (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Con số thu được là 20/240 em cho biết rằng gia đình của các em có sở hữu ít nhất 1 cuốn sách và nhiều nhất 12 cuốn sách trong nhà (ngoại trừ SGK).

Số 220 em còn lại không có 1 cuốn sách nào trong nhà ngoại trừ SGK là học cụ bắt buộc.

Trong thời gian tôi làm việc cho tổ chức Tầm nhìn thế giới, tôi đã phỏng vấn khoảng 100 hộ nông dân ở các tỉnh Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Nam về chuyện sở hữu sách trong nhà, chỉ khoảng 5% số người được hỏi cho biết gia đình họ có vài cuốn sách truyện cho con cái đọc.

Tôi cũng đã phỏng vấn khoảng 100 trưởng thôn ở nhiều tỉnh khác nhau thuộc khu vực đồng bằng lẫn miền núi về chuyện tủ sách thôn xóm. 100% thôn không có tủ sách nào. Điểm bưu điện văn hóa xã được cho là thư viện ở cấp xã thì có 100 - 200 cuốn sách, nhưng người dân hầu như không được mượn về. Thư viện trường học thì rất ít sách (khoảng 200 đầu sách) và hầu như phòng đọc rất chật chội.

* Và anh rút ra điều gì từ thực trạng đáng buồn đó?

- Với những con số về sách và tủ sách như trên, cho chúng ta thấy rằng, sách là công cụ để tạo nên thói quen đọc sách nhưng các khu vực nông thôn hầu như vắng bóng thì biểu đồ thói quen đọc sách của người dân nông thôn khó biểu thị phần trăm ở mức 2 con số (dưới 10%).

Với thực trạng thiếu sách dẫn đến hiếm người đọc được dồn tích hàng chục năm nay ở nông thôn đã cho chúng ta thấy rằng sự đọc của người dân thật thê thảm khi so với những quốc gia phát triển, mặc dù số người mù chữ của chúng ta giảm từ 95% trước 1945 xuống còn dưới 10% ở thời điểm hiện tại.

Thói quen đọc của cư dân đô thị thì không đáng ngại lắm vì hầu như nhà nào cũng có khả năng mua sách cho con cái đọc thường xuyên. Tôi đã gặp một em học sinh lớp 2 ở Hà Nội nhưng ngày nào cũng đọc sách. Trong nhà có đến 200 đầu sách dành cho cháu.

Chương trình “khuyến đọc quốc gia”

* Tôi cho rằng, để kích cầu văn hóa đọc, nước ta nên có hẳn một kênh, xin tạm gọi: “Đọc sách trên sóng phát thanh”? Anh thấy thế nào?

- Tôi đống ý với anh về ý tưởng này, vì nếu chúng ta đang rất cần tuyên truyền nhiều về việc đọc sách. Việc tạo các kênh trên sẽ giúp tăng tần suất nói về sách cũng như tạo sự mong muốn đọc sách của người dân trên bình diện rộng lớn. Ngoài ra, cần coi việc đọc sách là yếu tố hàng đầu trong các hoạt động văn hóa của gia đình, dòng họ, thôn xóm...

* Xin anh cho biết đôi nét về chương trình “khuyến đọc” của riêng anh trong thời gian tới cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn.

- Hiện tại nhà nước có chủ trương xã hội hóa thư viện. Theo tôi, đây là chủ trương vô cùng quan trọng và đang tạo nên một “khoán 10” trong ngành thư viện. Bên cạnh đó, Bộ VH,TT&DL đang dự thảo chương trình nâng cao văn hóa đọc cho toàn dân. Nỗ lực của Nhà nước và bộ chuyên trách sẽ tạo nên những đột phá lớn trong việc khuyến đọc trong thời gian tới. Việc tổ chức Ngày đọc sách Việt Nam 23/4 vừa qua đã chứng tỏ sự quan tâm của Nhà nước đối với văn hóa đọc.

Tuy nhiên, theo tôi, để có văn hóa đọc cần phải giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn. Với chủ trương của Nhà nước hiện nay, chỉ cần Bộ VH,TT&DL và Hội Khuyến học Việt Nam đưa tủ sách vào tiêu chí “làng văn hóa”, “dòng họ văn hóa”, “dòng họ khuyến học”... thì sẽ có hàng chục triệu đầu sách do dân tự huy động về nông thôn. Khi sách đã có mặt mọi nơi mọi lúc thì chiến lược khuyến đọc mới có thể thực hiện được.

Riêng cá nhân tôi vẫn tiếp tục duy trì xây dựng tủ sách dòng họ và tủ sách phụ huynh để đáp ứng phần nào nhu cầu sách của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, tôi đang vận động Bộ GD& ĐT đưa “tủ sách phụ huynh” vào tiêu chí “trường học thân thiện”.

Phạm Anh Trúc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm