Nguy cơ 'tuyệt chủng' các bản giao hưởng Việt Nam

07/02/2019 11:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 55 năm, khi nhạc sĩ Hoàng Việt hoàn thành liên khúc giao hưởng Quê hương vào năm 1964, nó được xem là tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng ở lĩnh vực giao hưởng của nước nhà. Tuy nhiên, 55 năm trôi qua, hiện nay tình hình sáng tác âm nhạc giao hưởng nói chung xem ra không có gì sáng sủa…

Nhạc giao hưởng không phải chỉ nghe trong khán phòng

Nhạc giao hưởng không phải chỉ nghe trong khán phòng

Các buổi biểu diễn ngoài trời thuộc dự án Acecook Happiness Concert làm thay đổi quan niệm của khán giả đại chúng rằng nhạc giao hưởng chỉ có thể diễn trong khán phòng.

Trước hết cần nói rằng, âm nhạc giao hưởng là những tác phẩm viết theo ngôn ngữ giao hưởng để dàn nhạc giao hưởng trình tấu, trong đó có liên khúc sonate giao hưởng hay chúng ta thường gọi tắt là bản giao hưởng.

Các nhạc sĩ sáng tác âm nhạc giao hưởng, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, âm nhạc giao hưởng bao lâu nay vẫn có một chỗ đứng riêng trong dòng chảy âm nhạc nói chung. Nhưng…

Quá khó để một tác phẩm giao hưởng Việt Nam được biểu diễn

Mặc dù số lượng các tác phẩm giao hưởng của các nhạc sĩ Việt Nam không xuất hiện thường xuyên trong các chương trình hòa nhạc cổ điển nhưng các tác phẩm vẫn được ra đời trong nhiều hoàn cảnh, thể hiện “đời sống” riêng của âm nhạc giao hưởng.

Các nhà nhạc sĩ danh tiếng trong lĩnh vực âm nhạc giao hưởng thời kỳ đầu của Việt Nam như Hoàng Việt, Nguyễn Đình Tấn, Đỗ Nhuận, Chu Minh, Trọng Bằng… rồi đến Doãn Nho, Vĩnh Cát, Thụy Loan, Nguyễn Thị Nhung, Phúc Linh, La Thăng… lớp nhạc sĩ tiếp theo nữa có Đức Trịnh, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài, Đặng Hữu Phúc... tiếp đến là Vũ Nhật Tân, Trần Kim Ngọc, Giáng Son, Tuệ Nguyên…

Chú thích ảnh
Nhạc trưởng Lê Phi Phi và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ảnh: Trương Đình Toán

Và lớp nhạc sĩ được coi là trẻ nhất hiện nay, vẫn “đồng hành” cùng thể loại âm nhạc giao hưởng có Lưu Quang Minh, Trần Lưu Hoàng, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Phó Đức Hoàng, Nguyễn Minh Trang…

Có thể thấy, ở thời kỳ nào cũng có những lớp nhạc sĩ viết về âm nhạc giao hưởng, thế hệ nối tiếp thế hệ. Dù có khi gặp những khó khăn về chủ quan cũng như khách quan, nhưng một số nhạc sĩ vẫn “âm thầm” nghĩ đến và viết giao hưởng, vì đó là nghề, là nghiệp, là đam mê và tình yêu.

Tất nhiên, có người chấp nhận viết rồi… để đấy (trong ngăn kéo) để chờ có cơ hội dàn dựng, biểu diễn nhưng không nhiều. Có người lại chọn cho mình hướng đi thức thời nhưng vẫn tìm cách để được gắn bó với hai chữ “giao hưởng”.

Nhạc sĩ Doãn Nho viết opera Bài ca tình yêu từ 2014, đã từng dàn dựng dở dang và đến nay vẫn đang chờ cơ hội để có thể tiếp tục dàn dựng nhằm công diễn.

Nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng viết Tổ khúc giao hưởng từ năm 2011 nhưng cũng chưa biết khi nào có cơ hội giới thiệu tác phẩm trước công chúng nên đây cũng là tác phẩm mới nhất mà anh viết cho thể loại này. Những trường hợp như của nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng thì rất nhiều, khó thể kể hết…

Dù nhìn vào đời sống âm nhạc hàn lâm, trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội hoặc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam… không thiếu những chương trình giao hưởng tầm cỡ, quy mô. Chỉ có điều, các tác phẩm của Việt Nam lại rất hạn chế xuất hiện tại những chương trình này. Nếu có thì thường là những tác phẩm đã đi vào “lịch sử”.

Khi được hỏi, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, cho hay: Để diễn một tác phẩm khí nhạc, không phải cứ có tác phẩm là diễn được. Điều đó còn phải được thẩm định chất lượng bởi hội đồng âm nhạc, ngoài ra, còn là vấn đề kinh phí.

Những người may mắn

Tuy điều kiện trình diễn âm nhạc giao hưởng luôn bị hạn hẹp trong nhiều năm qua khiến nhiều nhạc sĩ “nản lòng” nhưng bên cạnh đó, vẫn có những người gặp may mắn.

Liên hoan Âm nhạc mới Á - Âu, sân chơi dành cho các nhạc sĩ viết khí nhạc đã diễn ra đến mùa thứ 3 - 2018 là cơ hội để những tác phẩm âm nhạc giao hưởng của các nhạc sĩ Việt Nam “lên sóng”.

Như năm nay, bản giao hưởng thơ Đất nước anh hùng của nhạc sĩ La Thăng, đã có tuổi đời 55 năm (ra đời từ 1964) nhưng là lần đầu tiên ra mắt công chúng.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với bản Concerto viết cho piano và dàn nhạc - tác phẩm mới nhất được công diễn của anh. Nhạc sĩ Đức Trịnh cũng có mặt tại sự kiện với bản A capella Sắc màu.

Ouverture Ngày hội viết cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã được dàn nhạc Sun Symphony biểu diễn trong tháng 9 và 11 vừa qua tại
Hà Nội…

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân vẫn có những đơn hàng quốc tế cho các tác phẩm giao hưởng mà gần đây nhất là bản Hà Nội, Hà Nội, Hà Nội, công diễn tại đêm Friendship concert năm 2012 do Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn.

Với nhạc sĩ Lưu Quang Minh, anh lại chọn con đường, tự “sản xuất”, tự “bán hàng” với âm nhạc giao hưởng khi gây dựng nên dàn nhạc Maius Philharmonic.

Lưu Quang Minh cho biết, chính vì điều kiện ngoại cảnh hạn chế, nên để thực hiện giấc mơ theo đuổi âm nhạc giao hưởng, anh đã nhọc công lập nên Maius Philharmonic.

Không chỉ là một dàn giao hưởng của những nhạc công 9X, Maius Philharmonic còn là dàn nhạc giao hưởng chơi những tác phẩm khí nhạc Việt Nam, do chính Lưu Quang Minh sáng tác.

Năm 2017, Maius Philharmonic đã có buổi công diễn giới thiệu album nhạc giao hưởng mang tên Việt Nam với 9 tác phẩm, như Theme of Symphony no.5, Hội non sông, Vùng đất kỳ diệu, Back to Mozart, Ngày rực rỡ…

Chú thích ảnh
Được dàn nhạc giao hưởng biểu diễn tác phẩm là niềm mơ ước của nhiều nhạc sĩ. Ảnh: Trương Đình Toán

Kinh phí và tuổi tác - những trở lực của sáng tác giao hưởng

Vì các bản giao hưởng quy mô lớn, thường rất khó có điều kiện biểu diễn, tác giả tự lo kinh phí thì không kham nổi, còn lý do mà các dàn nhạc, nhà hát chuyên tổ chức biểu diễn âm nhạc giao hưởng không biểu diễn tác phẩm Việt Nam vì họ cho rằng tác phẩm không chất lượng. Vì vậy, một số nhạc sĩ “gác kiếm” không viết nữa, một số thực tế hơn thì chỉ viết những tác phẩm thính phòng.

Một ví dụ cụ thể, kể từ tác phẩm Cái eo lưng, được giới thiệu từ năm 2013, nhạc sĩ Trần Kim Ngọc cũng đã tạm “gác kiếm” với âm nhạc giao hưởng bởi chị cho rằng: “Giao hưởng là hình thức cồng kềnh, tốn kém. Chỉ có nước giàu mới có các sáng tác đương đại cho giao hưởng vì dàn nhạc họ có ngân sách đặt hàng tác phẩm mới.

Mấy nước nghèo, nghệ sĩ nghèo toàn viết hòa tấu thính phòng thôi nhưng hình thức đấy cũng linh hoạt hơn, cho phép mình thực hiện nhiều thể nghiệm trong tầm tay hơn... Viết xong để đấy thì không ai viết. Không có tiền thì phải tìm những hình thức ít tốn kém hơn để vẫn có thể làm việc chứ”!

Sau hai bản giao hưởng công diễn tại lễ tốt nghiệp đại học và thạc sĩ, nhạc sĩ Giáng Son vẫn mong muốn tiếp tục được viết những thể loại lớn như giao hưởng nhưng hiện tại, chị cho biết chưa có điều kiện.

Không chỉ khó khăn về điều kiện ngoại cảnh, với những nhạc sĩ tiền bối thì sức khỏe cũng là một trở ngại.

Nhạc sĩ Trọng Bằng đã lâu không cầm bút. Nhạc sĩ Vĩnh Cát, ở tuổi 85, cũng cho biết, sức khỏe không cho phép ông theo đuổi những thể loại lớn như giao hưởng hay các tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng nên bản giao hưởng mới nhất của ông cũng đã được viết cách đây 8 năm - Không chỉ là huyền thoại - ra đời đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Kể từ đó đến nay, nhạc sĩ Vĩnh Cát chuyên tâm viết những tác phẩm nhỏ, những ca khúc dành cho thiếu nhi để vui tuổi già…

Tình hình chung hiện nay là: với thế hệ nhạc sĩ gạo cội, một số thì khuất núi, một số già yếu không còn đủ sức khỏe để sáng tác, một số khác thì nản lòng “gác kiếm” vì sáng tác một bản giao hưởng có khi mất vài năm, nhưng lúc hoàn thành đôi lúc nằm trong ngăn kéo vĩnh viễn.

Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao học sáng tác hàng năm, đa số ai cũng viết một chương giao hưởng (Giao hưởng thơ) hoặc một bản giao hưởng, nhưng đại đa số viết là để “tốt nghiệp”, tốt nghiệp xong thì làm chuyện khác, không sáng tác giao hưởng nữa.

Một số rất ít nhạc sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp nhạc viện, may mắn nằm ở biên chế các dàn nhạc, nhà hát giao hưởng nhưng không mấy người sáng tác liên khúc giao hưởng như Hoàng Việt. Và nhất là trong bối cảnh nhu cầu thưởng thức âm nhạc giao hưởng còn quá ít đối với công chúng, bằng chứng là khi TP.HCM dự định xây nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch “nghìn tỷ”, công luận phản đối, rất khó để kích thích lĩnh vực sáng tác giao hưởng.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, và nếu Liên hoan âm nhạc mới Á - Âu không được duy trì, nguy cơ “tuyệt chủng” những bản giao hưởng là điều khó tránh khỏi.

Thù lao nhạc công 1 bản giao hưởng theo giá “thị trường”

Một nhạc sĩ tại TP.HCM cho biết: Thù lao cho nhạc công tập luyện và 1 đêm diễn đối với tác phẩm thính phòng là 1 triệu đồng/nhạc công/1 chương. Nếu một bản giao hưởng 4 chương (và tính thù lao tương đương tác phẩm thính phòng), với dàn nhạc 2 quản khoảng 60 người, chỉ riêng tiền thù lao cho nhạc công là 240 triệu đồng. Nếu không được Nhà hát hoặc Nhạc viện đưa vào kế hoạch biểu diễn mà phải tự trả tiền nhạc công thì tác giả chỉ có… chết.

Người ngoài hành tinh nghe nhạc Beethoven sẽ hiểu được loài người?

Giao hưởng được xem là thành tựu âm nhạc lớn nhất của nhân loại, nó có khả năng thể hiện từ những điều tinh tế đến nội dung kịch tính sâu sắc nhất hoặc tư tưởng của cả một thời đại.

Nhà soạn nhạc, nhà lý luận âm nhạc Sergei Taneyev từng nói: “Nếu có những người ở các hành tinh khác đến quả đất của chúng ta và chỉ trong một giờ đồng hồ, họ muốn có khái niệm rõ về loài người, thì tốt hơn cả là cho họ nghe Giao hưởng số 9 của Beethoven”.

Ngọc Minh - Bình Minh
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm