Người đàn ông giữa hai... nhà hát

25/03/2013 14:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trái với những ồn ào (dẫn tới đổ vỡ) gần 1 năm trước khi Bộ VH-TT&DL định tấn phong một lãnh đạo nhà hát đồng thời sáp nhập hai nhà hát (Kich Việt Nam và Tuổi trẻ) làm một, việc một ngôi sao của kịch Tuổi trẻ trở thành tân lãnh đạo của Nhà hát Kịch Việt Nam khá êm đềm và được gửi gắm nhiều tia hy vọng.

NSƯT Anh Tú ngồi ghế Phó giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam (NHKVN) trong thời điểm “anh cả đỏ” trải qua 10 năm lận đận. Từ nhiệm kỳ năm 2004 của ông giám đốc cũ, NSƯT Anh Dũng, cho tới nhiệm kỳ tiếp theo của NSND Lê Hùng (một người cũng đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ - NHTT, như Tú), dư luận tuyệt đối chỉ biết tới NHKVN qua những lùm xùm, kiện cáo ở hậu trường - chứ không phải ở bất cứ một vở diễn sân khấu nào. Ngược lại, NHTT là nơi Anh Tú vào nghề, mang lại cho anh danh hiệu NSƯT, và cũng là bệ phóng để anh bắt đầu nghiệp đạo diễn với những Kiều Loan, Mùa yêu thương, Cô gái đội mũ nồi xám...



Tân phó giám đốc NHKVN Anh Tú và đạo diễn đàn anh, NSND Đoàn Dũng tại NHKVN

 * 35 năm gắn bó với NHTT, bây giờ đi làm “sếp” ở sân khấu khác, cảm giác của anh thế nào?

- Thực ra, từ thời Giám đốc - NSƯT Anh Dũng, tôi đã có dịp làm việc cùng NHKVN. Năm đó, tôi dàn dựng cho anh em bên ấy 2 kịch bản Gái hạng sang (Lê Hoàng) và Cạm bẫy (Phạm Văn Quý). Anh Dũng đặt vấn đề mời tôi về làm Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, tôi bảo anh ấy để về suy nghĩ. Khi ấy ở NHTT tôi không phải chánh, phó giám đốc gì, nhưng được tạo điều kiện làm nghề, gần như có thể dàn dựng bất cứ kịch bản nào mình muốn.

Mọi việc cứ bẵng đi, tới cách đây vài tháng, Bộ VH,TT&DL mời tôi lên trao đổi về việc điều chuyển này. Lý do, như mọi người biết, vẫn là chuyện tăng cường cán bộ trong tình trạng NHKVN gặp nhiều khó khăn. Biết tin, anh em bên NHKVN đùa: Số của ông là phải về đây rồi.

Tất nhiên, với tôi, việc chia tay NHTT cũng không thoải mái gì, cho dù vẫn tự động viên mình rằng ở đâu cũng là cống hiến cho sân khấu cả. Hôm cuối, tôi nghẹn ngào gần như không đọc nổi câu cuối cùng trong mấy lời từ biệt: “Tạm biệt nhà hát đã có 35 năm gắn bó với tôi, đã cho tôi một chí hướng, một khát vọng...”.

Bây giờ công việc cuốn đi, nên tôi cũng không có nhiều thời gian để nhấm nháp cảm xúc lưu luyến ấy mãi (cười). Nhưng sự bâng khuâng đôi khi vẫn có. Đó là lúc đọc lời Lê Khanh trả lời trên báo, đại ý rằng NHTT bây giờ trống vắng lắm, anh Hùng, anh Vinh đi hết cả rồi. Hoặc như lúc anh em bên NHTT chủ động kéo sang bên này chúc mừng tôi trong buổi đọc quyết định chính thức của Bộ. Thấy tôi xúc động, mọi người trêu: Đừng có lãng đãng, kẻo rồi sau này đầu thì nghĩ tới việc lên NHKVN, nhưng tay lại quen thói rẽ xe về đây...



NSƯT Anh Tú cùng bạn diễn, NSND Lê Khanh trong vở kịch lịch sử
Rừng trúc của NHTT

* Tôi thấy mọi người trêu hay cũng muốn nhắc nhở anh đấy. Bởi xưa nay, NHKVN và NHTT vẫn được cho là mang 2 phong cách biểu diễn riêng: một bên chuẩn mực, sang trọng, hàn lâm; một bên tươi mới hơn, thiên về những vấn đề thời sự của cuộc sống.

- Khi điều động, lãnh đạo Bộ có giải thích đại ý rằng tôi là gương mặt thích hợp vì đã dựng được một số vở chính kịch tốt tại NHTT. Do vậy, tôi cần chuyển sang bên này với hy vọng sẽ tiếp tục dựng vở chính kịch tốt - điều mà NHKVN đang thiếu trong những năm qua. Tuy nhiên, để so sánh và nói rằng phong cách thật sự của mỗi nhà hát là thế nào thì chưa hợp lý trong thời điểm này.

Đã đành, mỗi nhà hát có một xu hướng lựa chọn riêng. Nhưng với tôi, dù có lựa chọn gì, vở diễn dựng ra vẫn phải hướng tới khán giả, chứ không thể chỉ dựng để mấy anh em trong nghề “chơi nghệ thuật” với nhau.  NHKVN đang trong quá trình gầy dựng lại thương hiệu để đi tìm khán giả. Bởi thế, bản thân sự lựa chọn này cũng cần uyển chuyển. Khán giả thích chính kịch không nhiều bằng hài kịch, hãy cứ tạm chấp nhận điều đó. Nhưng, vở diễn cần dựng sao cho thuyết phục được lượng khán giả ít ỏi ấy đã.

* Một số người vẫn đùa vui rằng lãnh đạo Bộ trong mấy năm nay đang “Tuổi Trẻ hóa” NHKVN. Cụ thể, trước anh, 2 lãnh đạo cao nhất của NHKVN cũng đều lấy từ bên NHTT sang.

- Chúng ta hãy cứ coi đó là một câu đùa vui. Từ những năm 1970, cố NSND Dương Ngọc Đức cũng được điều chuyển từ vị trí Trưởng đoàn kịch Hải Phòng về làm Giám đốc NHKVN, nhưng khi đó có ai nói rằng chúng ta đang “Hải Phòng hóa” NHKVN đâu nhỉ? Còn lại, thực tế là tôi và anh Thế Vinh (nguyên Phó giám đốc NHTT, hiện là Giám đốc NHKVN) khá hiểu nhau trong những năm làm việc ở NHTT. Đó cũng là một thuận lợi khi chúng tôi đang cố gắng tạo dựng lại không khí làm việc bên này.

Bạn biết đấy, qua một thời gian khủng hoảng, NHKVN gặp rất nhiều vấn đề từ cơ sở vật chất, con người, cho tới điều kiện làm việc. Không dám nói gì lớn, cái ít nhất mà tôi và anh Vinh muốn làm được trong thời gian tới là đưa nhà hát trở lại đúng với văn hóa của một đơn vị nghệ thuật. Những chuyện kiện tụng, bon chen, phe nhóm, túm năm tụm ba rì rầm bàn tán... cần dẹp đi hết, để mọi thứ vào guồng.

* Còn những vở diễn sắp tới của NHKVN? Cụ thể hơn, đến bao giờ người xem mới được thưởng thức những vở kịch cổ điển một cách đều đặn, như truyền thống của nhà hát trước đây?

- Sau khi đọc hơn 20 kịch bản, chúng tôi quyết định sẽ bắt tay vào dàn dựng kịch bản Tai biến của tác giả Xuân Đức. Đây có thể coi là vở diễn ra mắt của ban lãnh đạo mới tại  nhà hát. Một vở diễn dành cho thiếu nhi cũng sẽ được giao cho đạo diễn Tuấn Hải dàn dựng chuẩn bị cho ngày 1/6. Còn dài hơi hơn, những kịch bản cổ điển có chất lượng thì không bao giờ thiếu. Nhưng, chúng tôi muốn dựng một vở kịch lịch sử lớn của tác giả Việt Nam trước, có lẽ điều đó phù hợp hơn với nhu cầu của người xem bây giờ. Cân nhắc mãi, những kịch bản lịch sử xuất sắc nhất của sân khấu Việt Nam như Vũ Như Tô, Rừng Trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan... đều đã được dàn dựng cả rồi. Bởi thế, NHKVN sẽ tìm kiếm và đặt hàng tác giả để có một kịch bản đủ chất lượng

 Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm