Nhà hát chưa có "nhà" để hát sẽ được cho tiền thuê rạp

06/03/2013 15:33 GMT+7 | Văn hoá


Thông tin Bộ VH, TT & DL quyết định sẽ hỗ trợ cho một số nhà hát thuộc Bộ (chưa có rạp biểu diễn) kinh phí thuê địa điểm biểu diễn định kỳ được đông đảo các nghệ sĩ đón chờ.



Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ là một trong số những điểm mà nhiều đơn vị nghệ thuật muốn được biểu diễn khi được Bộ VHTTDL hỗ trợ kinh phí thuê. Ảnh: Đức Huy

Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Kịch VN, Dàn nhạc giao hưởng VN, Nhà hát Dân gian Việt Bắc... đã và đang lập kế hoạch biểu diễn định kỳ đăng ký rạp biểu diễn với Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Đối với các nhà hát chưa có rạp biểu diễn thì quyết định tài trợ kinh phí thuê rạp của Bộ VH, TT & DL thực sự giúp chúng tôi tháo gỡ những khó khăn về việc tổ chức biểu diễn cũng như nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Hơn 60 năm nay, Nhà hát Cải lương Việt Nam chỉ dám thuê 1 đến 2 buổi tại các rạp hát như Hồng Hà mỗi khi có vở mới để biểu diễn báo cáo, còn không thì chỉ diễn ở các nhà văn hóa thiếu nhi quận, huyện và lưu diễn ở các vùng sâu, vùng xa. Việc biểu diễn lưu động ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của nghệ sĩ cũng như làm hao mòn các phương tiện kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng.

Hiện nay chúng tôi đăng ký với Bộ mỗi tháng cho tài trợ biểu diễn 2 buổi, đồng thời đã sẵn sàng chương trình biểu diễn gồm các tác phẩm đã giành giải cao trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc cũng như chương trình tổng hợp các tiết mục ca, trích đoạn cải lương đặc sắc”.

Nghệ sĩ Hoàng Tùng (Nhà hát Cải lương Việt Nam) chia sẻ: “NSƯT Vương Hà đã từng phát biểu sẵn sàng không cần cát sê miễn là được diễn ở Nhà hát Lớn, đây là một khao khát chung được diễn ở rạp hát của đông đảo nghệ sĩ.

Diễn ở các sân khấu chuyên nghiệp sẽ mang lại cho nghệ sĩ nhiều cảm hứng nghề nghiệp hơn là các buổi diễn ở những sân khấu tạm bợ. Nhà hát luôn hoàn thành kế hoạch biểu diễn nhưng chúng tôi luôn chạnh lòng khi nhiều người hỏi vì sao không thấy thương hiệu của NH Cải lương VN ở Thủ đô? Rất nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến qua các chương trình ca vọng cổ, tạp kỹ ở truyền hình nhưng họ không hề biết rằng tài năng của người nghệ sĩ cải lương chính là được tỏa sáng trong các vai diễn ở các vở cải lương được đầu tư dàn dựng quy mô”.

Khi đăng ký biểu diễn ở các rạp thuộc Bộ, nhiều nhà hát băn khoăn họ sẽ được biểu diễn ở rạp nào? Đơn cử như Nhà hát Lớn Hà Nội, một địa điểm mà các đơn vị nghệ thuật coi là lý tưởng nhất liệu có thể tiếp nhận hết các đăng ký biểu diễn của các đơn vị hay không? Lâu nay hiếm có nhà hát nào của Bộ dám bỏ số tiền khoảng 1.000 USD để thuê 1 đêm diễn tại Nhà hát Lớn.

Bên cạnh đó, các nhà hát có rạp cũng có thể chấp nhận những đăng ký biểu diễn của đơn vị bạn khi mà bản thân họ đã có kế hoạch biểu diễn định kỳ. Ví dụ như Nhà hát Tuổi Trẻ hiện nay có 4 đoàn nghệ thuật, trong đó một đoàn nghệ thuật hiện còn phải đi thuê địa điểm biểu diễn tại Nhà văn hóa Thanh Niên 37 Thiền Quang.

Chia sẻ băn khoăn này, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật bạn vào biểu diễn vì rạp Tuổi Trẻ vẫn có những ngày trống trong tuần. Tuy nhiên, chúng tôi không thể bố trí cho các đơn vị bạn diễn vào những ngày biểu diễn định kỳ thường xuyên trong tuần.

Vì vậy, Bộ VH, TT & DL khi xếp lịch đăng ký cũng cần ưu tiên lịch diễn định kỳ của các nhà hát đang có rạp biểu diễn. Bản thân Nhà hát Tuổi Trẻ cũng rất mong muốn có được một vài suất diễn hằng tháng tại Nhà hát Lớn Hà Nội để biểu diễn những vở kịch cổ điển, những vở lớn được dàn dựng quy mô với giá thuê ưu đãi. Chúng tôi vẫn biết Nhà hát Lớn Hà Nội là đơn vị kinh doanh và vì vậy họ cũng cần phải được chủ động điều phối lịch biểu diễn của mình trước”.

Việc sắp xếp bố trí cho đơn vị nào biểu diễn ở rạp nào cho phù hợp cũng là một bài toán đang đặt ra đối với Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đơn vị chịu trách nhiệm lập kế hoạch biểu diễn. Có ý kiến cho rằng các nhà hát thuộc sân khấu truyền thống, dân tộc thì nên được sắp xếp vào diễn ở các rạp hát như rạp Hồng Hà, rạp Kim Mã, Trung tâm văn hóa Nhệ thuật Âu Cơ. Nhà hát Lớn Hà Nội phù hợp cho các loại hình bác học hàn lâm như giao hưởng, thính phòng...

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết: “Cục Nghệ thuật Biểu diễn`đang nhận các đăng ký lịch diễn và chương trình của các nhà hát. Kế hoạch này sẽ được trình lãnh đạo Bộ VH, TT & DL quyết định. Việc hỗ trợ tiền thuê rạp ra sao với từng đơn vị cũng sẽ do Bộ quyết định. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện này thì cũng sẽ phải có những quy định ràng buộc về trách nhiệm của các đơn vị nghệ thuật đối với Bộ như trách nhiệm của các đơn vị quản lý rạp biểu diễn, trách nhiệm của đơn vị nào đăng ký biểu diễn mà không biểu diễn”.

Việc điều phối lịch biểu diễn của các nhà hát thuộc Bộ VH, TT & DL sẽ giúp cho các nhà hát, rạp hát được khai thác tối đa, đồng thời cũng giúp cho các đơn vị nghệ thuật có cơ hội nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn cũng như dàn kịch mục của mình. Đây là một giải pháp tình thế để tháo gỡ những khó khăn trong việc đi tìm khán giả của các đơn vị nghệ thuật hiện nay, cũng như chờ Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012 - 2020” được triển khai thực hiện.

Theo Thúy Hiền
Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm