Nghệ thuật đánh thức nguồn 'năng lượng nội tại' giữa đại dịch

22/04/2020 09:36 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ lâu, Nguyễn Quốc Dân đã ấp ủ một dự án nghệ thuật cộng sinh, đa phương tiện, tích hợp nhiều thành tố nghệ thuật, nhưng mãi gần đây anh mới có cơ hội và thời gian thực hiện được. Nó có tên Năng lượng nội hàm, sắp đặt chủ yếu tại Hội An, rồi chụp hình giới thiệu lần lượt trên Facebook cá nhân, đã được mấy chục kỳ, vẫn còn tiếp tục dài lâu. Nguyễn Quốc Dân xem đây là cách để góp một chút năng lượng tích cực trong việc nhận diện và tự đề kháng với đại dịch do Covid-19 gây ra.

Sẽ tổ chức triển lãm tôn vinh 20 họa sỹ hàng đầu nền mỹ thuật Việt Nam

Sẽ tổ chức triển lãm tôn vinh 20 họa sỹ hàng đầu nền mỹ thuật Việt Nam

Tin từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, theo dự kiến, triển lãm "20 họa sỹ hàng đầu trong nền thị trường mỹ thuật Việt Nam" sẽ khai mạc vào tháng 4/2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân sinh năm 1984 tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nhưng tuổi thơ lớn lên tại phố cổ Hội An. Anh là một nghệ sĩ độc lập, theo đuổi dòng tranh “Phi lập thể” trong nhiều năm, gây dấu ấn với các triển lãm cá nhân như Phi lập thể (2011), Phi lập thể đa sắc (2012), Phi lập thể phấn (2014), Phi lập thể chân dung (2016)…

Nguyễn Quốc Dân có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về dự án đa phương tiện Năng lượng nội hàm.

* Thưa anh, ý tưởng điêu khắc thị giác “Năng lượng nội hàm” đến với anh như thế nào?

- Với loại hình nghệ thuật mà tôi tạm gọi “điêu khắc thị giác” này, ngoài việc chúng ta có ý tưởng và cơ sở lý luận tốt, thì không gian, thời gian và môi trường phù hợp là yếu tố cốt yếu để kích thích làm việc. Trước bối cảnh cả thế giới đang phải gánh chịu thảm họa đại dịch, đang tìm cách kháng cự lại nguồn năng lượng tiêu cực của một loại virus, tôi thử tìm về năng lượng bên trong của chính mình, cũng như của những sinh vật bé nhỏ, những đồ vật bên lề sự sống.

Chính vì vậy mà tôi muốn thông qua “thấu thị” hình ảnh ghi nhận từ rác thải, từ các vật dụng bỏ đi… để người xem cảm nhận bằng thị giác từ xa, chứ không trực tiếp nhìn ngắm, hoặc chạm vào tác phẩm. Với sự “giãn cách xã hội” như hiện nay, ý tưởng điêu khắc thị giác Năng lượng nội hàm ấp ủ từ lâu đã có thêm động lực để ra đời.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân

* Vì sao anh thường sắp đặt tác phẩm tại bờ biển ở Hội An?

Phố cổ Hội An khá bé nhỏ về diện tích, nhưng nội hàm về sức ảnh hưởng quốc tế rất lớn, bờ biển Hội An đẹp, nhưng lượng rác thải dọc bờ lại làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi sinh. Thêm nữa, Hội An bây giờ đón nhận rất nhiều nghệ sĩ sáng tạo trên khắp thế giới, với nhiều lĩnh vực khác nhau đến đây làm việc. Tôi muốn nhân đây truyền cảm hứng đến với mọi người, với ý tưởng rằng Hội An đã đẹp rồi, nhưng nếu ta có thể làm biến mất rác thải, hoặc biến rác thải thành tác phẩm nghệ thuật để Hội An đẹp thêm, thì hay biết mấy.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Năng lượng nội hàm 4”, điêu khắc thị giác với bóng điện phế liệu

* Tại sao anh làm xong tác phẩm là ưu tiên chia sẻ trên Facebook cá nhân?

- Với tôi, nghệ thuật trước tiên phải xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính mình, chia sẻ cũng là một nhu cầu như vậy. Tôi bên ngoài rất “tăng động”, nhưng bên trong là cả một nội tâm dằn vặt, cần được sẻ chia.

Chắc do ảnh hưởng từ đó nên tôi ưu tiên lưu giữ trên đây, nếu bạn bè và người xem thấy hay, có thể chia sẻ để tăng thêm nguồn năng lượng tích cực cho bản thân và người khác. Trong giai đoạn đầy khó khăn này, triển lãm trên Facebook cá nhân cũng là hợp lý và an toàn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Năng lượng nội hàm 5”, điêu khắc thị giác với hạt từ phao nhựa, biển tấp vào bờ

* Còn về tỷ lệ thị giác, vì sao anh lấy những vật dụng nhỏ bé từ rác thải để “phóng chiếu lớn”, rồi làm cho thế nhân nhỏ bé?

- Thế gian thì rộng lớn, thế nhân thì bé nhỏ, nhưng để ôm trọn thế gian có khi còn dễ hơn, chứ để ôm trọn tâm hồn của thế nhân thì bao la lắm. Bởi con người chúng ta thường có rất nhiều tham vọng to tát, nên việc dành chút thời gian để ngắm nhìn những thứ bỏ đi, nhìn những điều bé nhỏ thường rất khó khăn.

Tôi muốn “phóng chiếu lớn” một vật thể bé nhỏ là để tạo nên sự đột biến về thị giác, gây cảm giác “ngờ vực, hoang mang, tò mò…”, rồi từ đó nhận chân ra rằng chúng ta cũng bé nhỏ trước sự sống, trước nhân gian mà thôi. Con người thường sợ những thứ to lớn hơn mình, trí tuệ hơn mình, bây giờ thử sợ cái nhỏ hơn xem sao.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Năng lượng nội hàm 11”, điêu khắc thị giác với một cành cây dính rác thải

* Một người sáng tạo sống giữa mùa đại dịch, với giãn cách xã hội… cảm giác của anh thế nào? Nó có ảnh hưởng đến quan niệm sáng tạo của anh không?

- Mỗi người chúng ta là một chiến binh trên mỗi mặt trận của đời sống, chứ không cứ gì ở chiến trường. Chúng ta luôn luôn sẵn sàng để “ra trận”, để đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại, của vạn vật. Tôi cũng vậy, tôi chiến đấu bằng những thể nghiệm sáng tạo, nhưng không kéo người xem đến gần sự mạo hiểm, cũng là cách góp phần bảo vệ cái chung. Tôi muốn gián tiếp kháng lại nguồn năng lượng nguy hiểm, tiêu cực do Covid-19 gây ra bằng cách truyền cảm hứng cho bạn bè trên cộng đồng mạng nghĩ về các nguồn năng lượng tích cực, bằng hành động an toàn, bằng chia sẻ các động lực sống.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Năng lượng nội hàm 28”, điêu khắc thị giác với cái ruột bình thủy (phích nước) cũ, cắm trên bãi cát

Nếu nhìn từ góc độ khác, thì loài người và vạn vật đều như những con virus bé nhỏ kia trước vũ trụ bao la này. Nếu nguồn năng lượng nội tại tích cực và cân bằng, thì vạn vật sẽ tươi đẹp, phát triển tự nhiên. Còn nếu nguồn năng lượng nội tại tiêu cực áp đảo, trái với sự phát triển tự nhiên, thì “nội chiến” trong vạn vật sẽ xảy ra, ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh tồn.

Tôi tin rằng con người và sự sống luôn có một nguồn năng lượng tích cực, ẩn tàng bên trong, chỉ cần có môi trường thích hợp, nguồn năng lượng nội hàm đó sẽ được chuyển hóa, cuộc sống sẽ hồi sinh mạnh mẽ, tươi đẹp.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Năng lượng nội hàm 30”, điêu khắc thị giác với miếng mút xốp màu đen, lượm trên bờ biển

* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này.

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm