Kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2020): Những cô gái vào 'R' ngày ấy

11/10/2020 07:14 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong đoàn quân của Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTXVN) chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng (với mật danh vào “R”- Trung ương cục miền Nam hay còn gọi là B2) năm 1973 có 16 cô gái từ nhiều miền quê khác nhau, đã tốt nghiệp đại học và trung cấp kỹ thuật, đều đang ở tuổi 19 đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của đời con gái.

Kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2020): Dấu ấn về bản tin đầu tiên

Kỷ niệm 60 năm thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2020): Dấu ấn về bản tin đầu tiên

Cách đây đúng 60 năm, ngày 12/10/1960, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã chính thức ra đời sau bản tin đầu tiên được phát đi. Từ đó, chính thức thực hiện “sứ mệnh” thông tin vẻ vang, duy trì mạch thông tin thông suốt từ chiến trường miền Nam đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế.

Hồn nhiên, tươi trẻ, không một chút đắn đo, tính toán, dù nhiều người trong số họ đã có người thương yêu để có thể ở lại miền Bắc. Nhưng họ đã dám chấp nhận hy sinh, gác hạnh phúc riêng để góp chút công sức nhỏ bé cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

16 cô gái ấy đã khoác ba lô cóc, đội mũ tai bèo, đi dép cao su, đồng cam cộng khổ với các anh em cùng khóa học vượt Trường Sơn nhiều gian lao, thử thách.

Hành quân trên đường Trường Sơn, họ cũng xông xáo, làm được mọi việc như nam giới. Vào đến R, họ biến thành những cô Tấm, chăm chỉ, siêng năng, không ngại gian khổ, luôn là tâm điểm của những cuộc vui mỗi lần gặp bạn bè, lễ, tết. Trong công việc chuyên môn, chị em đều tận tụy hết lòng được mọi người tin tưởng. Và đặc biệt, trong chiến trường, họ vẫn là những người bạn gái thủy chung, biết chia ngọt sẻ bùi với người khác.

Hồi đầu vào R, ngoài biên tập những tin, bài của các phóng viên và cộng tác viên ở chiến trường gửi về, chị em cùng tham gia làm rẫy, đào hầm hào tránh bom đạn địch, làm nhà ở, có những tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1973): Bạch Yến - Doãn Tặng múa đôi với tiết mục Trước ngày hội bắn khá xôm, Nghĩa Đàn múa đơn Hoa Chămpa, tập thể nam - nữ B7/3 (B biên tập) với hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc..., hoặc tham gia làm các món ăn đem chút hương vị miền Bắc vào các bữa liên hoan mừng các ngày lễ lớn, ngày Tết dân tộc để làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ miền Bắc XHCN.

Chú thích ảnh
Các phóng viên GP10 vĩnh biệt hai bạn cùng khóa: Trần Viết Thuyên và Phạm Thị Kim Oanh, cùng ông Lâm Văn Bang (cán bộ miền Nam tập kết), hy sinh trên đường ra chiến trường

Sang giữa năm 1974 trở đi, các nữ phóng viên ở R lại chia nhau lên đường tỏa đi các mũi công tác được phân công, người ở vùng ven Sài Gòn - Gia Định, người về Long An. Một câu chuyện thật vui và có hậu: Trong các chuyến công tác ấy, nhờ ông trời xe duyên qua lần họp Đoàn thanh niên miền Nam và xuống hầm trú ẩn pháo địch, hai bạn gái trong số đi B2 sau này đã nên vợ nên chồng với các chàng trai miền Bắc cùng vào chiến trường.

Thật tiếc, Nguyễn Thị Xuân Sinh, là người Hà Nội chính hiệu, lại phải rời đoàn quân sớm nhất, chỉ mới trong ngày đầu tiên hành quân Nam tiến, do một sự cố bất ngờ: Bị tai nạn đổ xe tại Vinh (Nghệ An). Vào thăm bạn tại trạm xá chiều hôm ấy, chúng tôi ngỡ ngàng và thật xót xa khi thấy mặt Xuân Sinh xây xát, bị băng bó trắng toát, bác sĩ bảo phải phẫu thuật chỉnh hình cho bạn. Thật may, sau này khi trở ra Bắc gặp lại, rất mừng vì nhan sắc của bạn gần như nguyên vẹn.

Người thứ hai và thứ ba phải quay trở ra Bắc, bỏ dở hành trình là Nguyễn Thu Hương và Đào Tuyết Mai, cũng bị đổ xe trên đường Tây Trường Sơn, hiện Hương và Mai là thương binh sau sự cố tai nạn ấy.

Còn Phạm Thị Kim Oanh (tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học Tổng hợp Hà Nội, quê ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên); Trần Viết Thuyên, quê Hà Tĩnh đã hy sinh phải nằm lại trên đường hành quân ở Atôpơ, nước bạn Lào. Chúng tôi, những bạn gái cùng đi với bạn ngày ấy, xin thắp nén nhang thơm kính cẩn thương nhớ bạn, chúc bạn được an lành ở cõi thiên thu.

Ở giữa chiến trường, bom đạn quân thù và những khó khăn, thiếu thốn vẫn chẳng hề chi, tình bạn, tình yêu lứa đôi được thử thách càng thêm bền chặt. Cây trái tình yêu vẫn đâm chồi, nảy lộc. Vào R, người xây dựng gia đình đầu tiên là Vương Nghĩa Đàn. Đám cưới của hai bạn Đàn - Sơn diễn ra chỉ mấy tháng sau khi vào R cũng khá rôm rả, với lời chúc phúc của các chú của Sơn (hồi ấy là bộ đội đóng quân gần đó) và đông đủ bạn bè cùng hành quân vượt Trường Sơn và các anh chị ở cả miền Bắc và miền Nam ở R.

Hạnh phúc của Sơn - Đàn sớm có trái ngọt khi cháu Linh ra đời giữa cánh rừng già ở Tây Ninh năm 1974, sau này là cán bộ nối nghiệp mẹ, công tác tại TTXVN. Một đám cưới nữa diễn ra hồi ấy là hai anh chị Nga - Châu (kỹ thuật) và cháu Sơn ra đời cũng chính tại cánh rừng già ở R.

Sau giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất liền một dải, 15 cô gái đi R nhận công tác Thông tấn xã Giải phóng ngày ấy, đã tỏa về muôn nẻo của đường đời.

Đinh Thị Minh Huệ (Nguyên phóng viên GP10)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm