25/04/2019 07:45 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về việc bảo vật “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” nghi bị hư hỏng sau quá trình tu sửa tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy, đâu là giá trị của bảo vật này?
Với số đăng ký là BTMT 06, bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc (540cm x 200cm, gồm 9 tấm, niên đại từ năm 1969 đến 1989) được Công nhận Bảo vật quốc gia vào ngày 30/12/2013, thuộc đợt 2, gồm 37 bảo vật. Tính đến hết năm 2018, Việt Nam mới có 164 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia, nghĩa là còn khá ít.
Và trong số ấy, hoàn toàn có thể khẳng định bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc là một kỳ công của nghệ thuật sơn mài Việt Nam và thế giới. Kỳ công vì nó tích hợp, chắt lọc hầu hết kỹ thuật thượng thừa của bậc thầy sơn mài Nguyễn Gia Trí và được sáng tác trong giai đoạn chín muồi về quan niệm nghệ thuật.
Sáng tác bằng tâm linh
Nguyễn Gia Trí sinh tại Hà Tây, học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, lang bạt nhiều nơi trước khi định cư tại Sài Gòn từ năm 1954. Đời ông chứng kiến, can dự nhiều thăng trầm, nhiều sự kiện khốc liệt của lịch sử Việt Nam thế kỷ 20. Với sơn mài, ông luôn thể nghiệm, rồi kinh qua nhiều kỹ thuật và bút pháp, trong đó có trừu tượng, trước khi vẽ bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc. Cho nên nói bức tranh này lắng đọng và chắt lọc của một hành trình nghệ thuật là hoàn toàn có thể thuyết phục được.
Thỉnh thoảng, trong các phát biểu về nghệ thuật, Nguyễn Gia Trí nhắc lại câu: “Tôi sáng tác bằng tâm linh”. Có thể nói bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc cũng là một kết quả tâm linh như vậy. Tại sao là Trung Nam Bắc? Cũng như Trịnh Công Sơn khi viết ca khúc Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Nguyễn Gia Trí dù ít gắn bó với miền Trung, nhưng đã chọn miền Trung làm trung tâm tác phẩm, đứng tiếp sau ý niệm “Vườn Xuân”. Điều này được nhận diện rõ ràng qua hai thành tố quan trọng.
Thứ nhất là các thiếu nữ áo dài ở trung tâm tác phẩm. Cô múa quạt chính giữa mặc áo dài vàng phong cách Huế, bên trái là áo dài cách tân kiểu Sài Gòn như đang thưởng thức điệu múa, bên phải là các cô mặc áo dài cách tân kiểu Cát Tường ở Hà Nội, đang ngồi chơi đàn. Tư duy “Trung Nam Bắc” - phảng phất văn hóa cung đình - còn được nhìn thấy qua tác phẩm của nhiều tác giả khác.
Thành tố tiếp theo là hai câu thơ ở viền bức tranh. Đào Duy Từ sáng tạo rất nhiều bài múa, trong đó có bài Vũ phiến (Múa quạt), rất được ưu chuộng tại kinh thành Huế. Kèm theo bài múa có bài thơ tứ tuyệt Vũ phiến: “Phất tụ khinh khinh hướng bích hồ/ Phong quang tứ vọng thỏa ngao du/ Hoa hương phức úc phong tiền chuyển/ Nguyệt ảnh đăng huy thủy thượng phù”. Nguyễn Gia Trí mượn hai câu sau của bài thơ để đưa vào viền bức tranh, với ý nghĩa tạm hiểu là: Hương hoa trước gió ngào ngạt tới/ Ánh trăng nổi trên mặt nước sáng rực rỡ. Có lẽ vì hai thành tố này mà nhiều người đã gọi bức tranh này là Múa quạt.
Sinh thời, trong một chia sẻ với nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Gia Trí nói rằng hơn 20 thiếu nữ của Vườn Xuân Trung Nam Bắc là hơn 20 biểu tượng mùa Xuân. Giấc mơ về khung cảnh tươi vui, xuân sắc, nơi các thiếu nữ chưng diện và hát múa cũng là giấc mơ hòa bình.
Về mặt bút pháp, Nguyễn Gia Trí mong muốn: “Vẽ tranh muốn 10 năm như 1 giờ, vóc trăm cân như không còn trọng lượng”. Khi hoàn thành Vườn Xuân Trung Nam Bắc, nhìn vẻ thanh thoát, bay bổng của nó, ông đã nói: “Không phụ lòng anh em” - theo ghi chép của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt.
Kỳ công sáng tạo
Lên phác thảo cho Vườn Xuân Trung Nam Bắc từ năm 1969, khi chiến tranh còn đang ác liệt, vẽ nhẩn nha cho đến năm 1989 mới hoàn thành. 20 năm có lẽ là thời gian lâu nhất mà Nguyễn Gia Trí bỏ ra để hoàn thành một tác phẩm. Đây có lẽ cũng là một kỳ công của lịch sử tranh sơn mài thế giới, hiếm có họa sĩ nào đủ công phu và kiên nhẫn như vậy.
Mất 20 năm để hoàn tất, trong bối cảnh đất nước trải qua nhiều biến động lớn, bản thân cũng vừa trải qua nhiều quan niệm nghệ thuật và sáng tạo. Từ thập niên 1960, Nguyễn Gia Trí dành nhiều tâm huyết cho thể loại tranh trừu tượng. Cũng theo lời Dương Nghiễm Mậu, có lúc Nguyễn Gia Trí nghĩ rằng trừu tượng là vẽ cho mình, “có hình” là vẽ cho người. Nhưng bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc là sự tích hợp của các kỹ thuật và sự chiêm nghiệm.
Về mặt tranh, để tránh đơn điệu, Nguyễn Gia Trí không chỉ mài cắt lớp, mà còn mài theo mảng miếng, đường nét, chỗ mài kĩ, chỗ mài thô. Sau khi mài ông còn vẽ thêm nhiều chỗ, điểm xuyết để bức tranh có chiều sâu đa dạng. Mà không chỉ có vẽ, những khoảng trống và những mảng trừu tượng, bán trừu tượng trên bức tranh cũng được tính toán, rút tỉa qua năm tháng. Tất cả điều này làm cho Vườn Xuân Trung Nam Bắc là một tích hợp của nhiều kỹ thuật sơn mài tinh tế, đưa nó lên đỉnh cao mà nhiều họa sĩ tự nhận là chưa thể vượt qua được.
Yêu cầu kiểm tra việc bảo quản Bảo vật quốc gia Hiện tại, Bộ VH, TT& DL đã có văn bản gửi Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Di sản văn hóa; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để thông báo ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về việc kiểm tra việc bảo quản bảo vật bức tranh quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc. Văn bản nêu rõ: Liên quan đến những thông tin về việc bảo vật quốc gia - bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hỏng, Bộ trưởng giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với Cục Di sản văn hóa và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẩn trương kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương. Các đơn vị này phải làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan, đơn vị liên quan về việc bảo quản bảo vật quốc gia bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí và báo cáo trước Bộ trưởng trước ngày 3/5/2019 |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất