Khủng hoảng tại Viện Hàn lâm Thụy Điển: Ảnh hưởng gì tới giải Nobel Văn học?

10/04/2018 07:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - #MeToo, phong trào vì nạn nhân tình dục, đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trên toàn thế giới. Mọi người đã cảm thấy rất sốc khi hàng loạt những tượng đài một thời bỗng lộ nguyên hình là “yêu râu xanh”. Thế nhưng, vụ phanh phui gần đây ở Viện Hàn lâm Thụy Điển vẫn khiến người hâm mộ choáng váng.

Điều kinh khủng nhất không phải là khi tội ác bị vạch trần, mà kinh khủng nhất là khi những người vốn được coi là “cầm cân nẩy mực” cho cái đẹp đỉnh cao lại công khai bênh vực tội xâm hại tình dục.

Không thể tin nổi!

Cuối tuần trước, Klas Ostergren, Kjell Espmark và Peter Englund, ba giám khảo chấm giải Nobel Văn học đã tuyên bố hoặc gửi thư cho truyền thông Thụy Điển về quyết định rời khỏi Viện Hàn lâm Thụy Điển nhưng không nói chi tiết.

Englund viết trong thư gửi tờ Aftonbladet rằng ông bỏ Viện vì bất đồng với cách họ xử lý khủng hoảng. “Tôi không thể ủng hộ hay bảo vệ những quyết định họ đưa ra. Thế nên tôi quyết định không làm việc ở Viện Hàn lâm Thụy Điển nữa”.

Chú thích ảnh
Klas Östergren(trái) và Kjell Espmark (phải) tại lễ trao giải Nobel năm 2017

Trong khi đó, Ostergren, trong tuyên bố viết gửi tờ Svenska Dagbladet, nói rằng lâu nay ở Viện đã tồn tại những vấn đề trầm trọng “và giờ cố giải quyết bằng cách đưa ra những cân nhắc mù mờ theo quy chế. Do đó, tôi quyết định không thể cùng hoạt động với họ. Tôi rời cuộc chơi”.

Espmark thì viết cho Svenska Dagbladet Dagens Nyheter, nói: “Tính chính trực là cốt lõi của Viện. Khi những tiếng nói đầu đàn của Viện đặt tình bạn và những suy xét không chính đáng lên trước tính chính trực, thì tôi không thể làm việc ở đây nữa”.

Một số tờ báo của Thụy Điển, trong đó có Aftonbladet, cho biết nguyên nhân là từ cuộc bỏ phiếu quyết định xem có khai trừ Katarina Frostenson, một thành viên có quan hệ mật thiết với kẻ tội đồ trên. Báo chí đưa tin ba người rời Viện muốn cách chức Frostenson nhưng kết quả bỏ phiếu không ủng hộ họ.

Anders Olsson, một thành viên của Viện, xác nhận thông tin trên kênh SVT: “Phải, có một cuộc bỏ phiếu. Chúng tôi đi tới quyết định cuối cùng là sẽ không ai bị khai trừ. Những người bỏ Viện có ý kiến khác. Họ là thiểu số và tôi nghĩ đó là lý do chính họ từ chức”. Ông Olsso cũng tiết lộ thêm rằng không chỉ có 3 người bỏ phiếu chống.

Chú thích ảnh
Nhà thơ danh tiếng Ko Un gần đây cũng đang vướng vào bê bối tình dục

Tháp Babel sụp đổ?

Vụ việc ở Viện Hàn lâm Thụy Điển được so sánh rất thú vị với huyền thoại về tháp Babel sụp đổ.

Tháp Babel ở Babylon được cho là to lớn tới mức “đỉnh của nó chạm tới thiên đường”. Và chính sự bất đồng đã dẫn tới sự diệt vong của tòa tháp.

Trong trường hợp của Viện, đây mới chỉ là bắt đầu. Thư ký thường trực Viện, bà Sara Danius rất buồn vì quyết định của ba người nhưng hiểu lý do của họ và cũng đang cân nhắc sẽ từ chức.

Ủy ban chấm giải Nobel Văn học gồm 18 thành viên, được bổ nhiệm trọn đời và về mặt thủ tục, không thể từ chức. Viện chỉ có thể kết nạp người mới khi có thành viên qua đời. Năm 1989, ba thành viên ban giám khảo cũng từ chức sau khi Viện từ chối tố cáo Ayatollah Ruhollah Khomeini vì kêu gọi giết tác giả The Satanic Verses Salman Rushdie. Viện khi đó từ chối không cho họ từ chức.

Hiện tại, có tới 5 chiếc ghế trống trong tổng số 18 ghế của Viện, tổ chức được vua Gustaf III thành lập năm 1786 và bắt đầu trao giải Nobel Văn học từ năm 1901. (Trong đó, 2 người từ chức trước đây không liên quan tới khủng hoảng lần này). Dù không thể từ chức nhưng lại chẳng có quy định nào ép buộc 5 người này phải đi họp.

Trong một diễn biến khác, Per Wastberg, Chủ tịch Ủy ban giải Nobel, nói với tờ New York Times rằng giải Nobel sẽ không lâm nguy vì khủng hoảng trên. Thế nhưng, khi con số 18 nhỏ nhoi giờ đây lại ngày một nhiều những cái tên “hữu danh vô thực”, còn những người còn lại, để họ quyết định tính “chân, thiện, mỹ” trong văn học, liệu có thật là không ảnh hưởng tới uy tín của giải? Có thể nói, Viện đang trong cơn khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử 232 năm của mình.

Vua Thụy Điển Gustaf VXI bày tỏ rằng chuyện ba thành viên từ chức là “một động thái buồn mà tôi hi vọng có thể giải quyết được”. Đích thân ông đã phải tổ chức họp với thư ký thường trực Viện để “thảo luận một số giải pháp” cho vấn đề. Trong đó, có thể Viện sẽ xem lại quy định, được phép kết nạp thành viên mới khi có người rời đi.

Khủng hoảng bắt đầu từ mùa Thu năm ngoái, được cho là liên quan tới bê bối của một thành viên tiếng tăm. Theo tờ Dagens Nyheter, đơn vị đầu tiên tung tin giữa làn sóng #MeToo, có khoảng 18 phụ nữ cáo buộc người này quấy rối và tấn công tình dục. Viện sau đó đã cắt đứt quan hệ và quỹ tài trợ với người này, đồng thời thuê hãng luật điều tra mối quan hệ giữa người này và các thành viên Viện.

Báo Dagens Nyheter cũng chỉ đích danh đây là Jean-Claude Arnault (sinh năm 1946), nhiếp ảnh gia người Pháp - Thụy Điển đồng thời là Giám đốc Trung tâm văn hóa Forum-Nutidsplats for kultur. Katarina Frostenson, người mà Viện quyết định giữ lại, là vợ của ông này.

Cũng liên quan tới Nobel Văn học, nhà thơ 84 tuổi Ko Un, người được kỳ vọng sẽ mang lại giải thưởng danh giá này cho Hàn Quốc, đã bị tẩy chay toàn tập vì cáo buộc có hành vi tình dục sai trái. Chính phủ đã đóng cửa một cuộc triển lãm thơ của ông hồi tháng Ba vừa qua và xem xét loại bỏ tác phẩm của Ko Un ra khỏi sách giáo khoa.

Thư Vĩ

Hội đồng trao giải Nobel Văn học sụp đổ vì bê bối tấn công tình dục

Hội đồng trao giải Nobel Văn học sụp đổ vì bê bối tấn công tình dục

Ba thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển – cơ quan uy tín đứng sau giải Nobel Văn học danh giá – vừa từ chức hôm thứ Sáu, trong bối cảnh giới văn chương thế giới đang rúng động vì hàng loạt vụ tố cáo tấn công tình dục.

Làn sóng #MeToo tại Hàn Quốc: Đến lượt đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk

Làn sóng #MeToo tại Hàn Quốc: Đến lượt đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk

Phong trào "#MeToo" ở Hàn Quốc đang "nóng" lên từng ngày, nhiều nghệ sĩ là những nhân vật "có máu mặt" trong làng giải trí xứ Kim chi tiếp tục bị tố cáo.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm