Khi chuyện chuyển giới vào… nghị trường

28/10/2015 06:35 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Một thông tin đáng chú ý trong kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội khóa XIII: vấn đề công nhận quyền chuyển giới của mỗi cá nhân.

Theo đó, nếu được thông qua trong vài tuần tới, Bộ luật dân sự Việt Nam sẽ có thêm một điều khoản mới (số 37), cho phép người chuyển giới hưởng đầy đủ các quyền cơ bản mà pháp luật quy định về nhân thân, hộ tịch, hoặc những vấn đề khác.

Đây không phải là lần đầu, những vấn đề về giới tính được đưa ra thảo luận tại nghị trường. Trước đó, trong 2 năm 2013 và 2014, khi bàn thảo về Bộ Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi, Quốc hội cũng bước đầu nhắc tới đối tượng là những người đồng tính luyến ái.

Có nghĩa, từ nhịp chảy của cuộc sống, những vấn đề từng bị chụp cái mũ “dị hợm”, “bệnh hoạn”, “phi tự nhiên” cũng đã được tiếp cận một cách nghiêm túc và khoa học, từ góc độ quyền công dân của mỗi người.

Thực chất, câu chuyện chuyển giới cũng chỉ mới được quan tâm tại Việt Nam từ hơn chục năm nay. Cho dù, chắc chắn, những cá nhân có nhu cầu chuyển giới đã xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta từ rất lâu, theo suốt chiều dài lịch sử. Bởi, các nghiên cứu khoa học đều khẳng định: đây là vấn đề liên quan đến sự “nhỡ tay” của bà mụ – để rồi tạo ra những con người phải chịu đau khổ bẩm sinh về dị tật của mình.

Vậy nhưng, trong những giai đoạn mà xã hội bị chi phối bởi định kiến cũ – hoặc đơn giản là hướng sự quan tâm tới các vấn đề quan trọng hơn, đa phần người chuyển giới cũng chỉ còn cách… “ ẩn mình”.

Chỉ đến khi, thực tế cho phép chúng ta quan tâm và dành thời gian cho câu chuyện này, những “người tiên phong” trong số họ mới có cơ hội bộc bạch thân phận – hoặc đi xa hơn là… đoạt quyền tạo hóa, nhờ cậy tới khoa học hiện đại để tìm lại giới tính thật.

2. Ở đây, người viết không muốn nhắc tới câu chuyện về những người chuyển giới muốn tận dụng “xuất thân” của mình để tìm sự chú ý tối đa - cho dù làng showbiz vẫn không thiếu những bài viết về những “tứ đại mỹ nhân chuyển giới” trong làng giải trí Việt, hoặc “bảy  người đẹp chuyển giới” sẽ làm khán giả buồn nếu… lặng tiếng im hơi.

Hãy cứ nghĩ một cách nhẹ nhàng rằng, đó vừa là câu chuyện từ sự tò mò của độc giả, vừa là niềm vui tự thân của những “người trong cuộc”, khi có cơ hội khẳng định mình sau chuỗi năm phải gánh chịu nỗi khổ bẩm sinh.

Thế nhưng, khi câu chuyện về chuyển giới đã được xem xét từ góc độ quyền con người, thì dường như, cách nhìn vấn đề như vậy không còn phù hợp nữa - cả với khán giả, lẫn những người thay đổi giới tính của mình.

Bởi, xét cho cùng, việc tạo cơ hội công nhận quyền chuyển giới cũng chỉ nhằm đến một cái đích cuối: tôn trọng và nhìn những người chuyển giới theo đúng góc độ giới tính mà họ đang sở hữu, thay vì bàn luận và quan tâm tới một bất công của tạo hóa trong quá khứ.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm