Khai quật khu ngôi mộ bí ẩn 7000 năm của Pharaoh quyền lực Ai Cập

25/11/2016 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Cổ vật Ai Cập thông báo, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra khu nghĩa trang và một thành phố cổ đại hơn 7.000 năm tuổi ở gần Abydos, thành phố được cho là một trong những kinh đô đầu tiên của Ai Cập.

Các nhà khảo cổ tìm thấy di chỉ này trong dự án khai quật tại khu đền Vua Seti I ở thành phố Abydos do Bộ Cổ vật Ai Cập chỉ đạo thực hiện. Vua Seti I là cha của một trong những pharaoh nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập, Ramesses Đại đế, vị vua thứ 3 trong vương triều thứ 19 của Ai Cập cổ đại.


Hình ảnh tại khu nghĩa trang cổ mới được phát lộ ở Ai Cập

Nghĩa trang và thành phố cư dân này nhiều khả năng thuộc về các vị quan có trách nhiệm xây dựng các nghĩa trang của gia đình hoàng gia ở thành phố Abydos.

Tại đây, các nhà khảo cổ còn tìm thấy tàn tích của những chiếc lều và công cụ trong cuộc sống hàng ngày, như đồ gốm và dụng cụ bằng đá. Điều này cho thấy thành phố dân cư đã cung cấp đồ ăn và thức uống cho lực lượng lao động tham gia công trình xây dựng các ngôi mộ hoàng gia.

Phát hiện này vô cùng quan trọng và nó sẽ cung cấp thêm các thông tin mới về lịch sử của thành phố Abydos và lịch sử Ai Cập cổ đại.


Hany Aboul Azm, Trưởng Ban quản lý cổ vật Thượng Ai Cập, cho biết đến nay Ai Cập đã phát hiện ra 15 nghĩa trang được xây dựng bằng gạch bùn. Kích thước lớn của các ngôi mộ cho thấy vị thế của các chủ nhân ngôi mộ, sức ảnh hưởng và địa vị xã hội của họ trong thời kỳ đầu của lịch sử Ai Cập cổ đại.

Đặc trưng của những khu nghĩa trang đó là có nhiều nhà mồ, một kiểu mộ cổ Ai Cập được xây bằng gạch bùn, mộ hình chữ nhật, hai bên nghiêng và mái phẳng. Ở một số nghĩa trang có tới 4 nhà mồ. Trước khi có phát hiện nêu trên, nhà cổ lâu đời nhất là ở Saqqara.


Mahmoud Afifi, Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập cho biết: “Kích thức của các ngôi mộ được phát lộ trong nghĩa trang lớn hơn các ngôi mộ hoàng gia ở Abydos có niên đại trong vương triều đầu tiên, điều đó cho thấy tầm quan trọng của những người được chôn ở đây và chỗ đứng xã hội cao của họ trong  kỷ nguyên đầu của lịch sử Ai Cập cổ đại”.

Các chuyên gia hy vọng, phát hiện này sẽ góp phần chứng minh cho giả thuyết của họ, rằng Abydos là kinh đô của Ai Cập thời tiền vương triều và trong 4 vương triều đầu tiên.


Phát hiện này có thể là một mối lợi cần thiết cho nền du lịch của Ai Cập khi ngành chủ chốt này đã bị suy giảm mạnh sau cuộc bạo động chống lại Tổng thống Hosni Mubarak hồi năm 2011.

Năm 2010, lượng khách du lịch tới Ai Cập là 14,7 triệu người. Nhưng trong quý đầu năm nay, con số này giảm xuống còn 1,2 triệu người.

Tuấn Vĩ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm