Khai diễn vở Carmen “độc nhất vô nhị”

26/05/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vở opera Carmen - kết quả hợp tác của NH Nhạc vũ kịch VN và Thụy Điển - ra mắt tối nay (26/5) tại Hà Nội sẽ là phiên bản Carmen độc nhất vô nhị trên thế giới với cuộc sống của những công nhân ở các khu công nghiệp, có cả bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình…

1. Khán giả có thể sẽ chờ đợi một khung cảnh thật Tây Ban Nha, một Carmen với chân váy chạy bèo đỏ rực. Họ cũng có thể sẽ chờ đợi một chàng Jose có chút hào hoa và vị thế. Nhưng vở opera Carmen của nữ đạo diễn Thụy Điển Helena Rohn sẽ là một nữ công nhân trong bộ đồng phục quần tím than, áo xanh nhạt điển hình. Còn Jose mặc như nhân viên bảo vệ. Sự thực, cặp tình nhân đều làm chung trong một nhà máy thuốc lá. Phục trang của họ, do đó, cũng như rất nhiều công nhân, bảo vệ khác.

Bên lề một buổi tập, nữ đạo diễn Thụy Điển Helena cho biết: “Chúng tôi muốn đưa không khí Việt Nam, câu chuyện xã hội của các bạn vào Carmen. Việc dàn dựng, đưa những vấn đề đương đại vào các vở cổ điển không hiếm gặp, thậm chí còn là chuyện thường thấy ở sân khấu Thụy Điển.”


Carmen trên sàn tập

Vấn đề đương đại được đưa vào vở diễn chính là bạo lực gia đình. Carmen sau khi ly dị chồng ở cùng với con gái. Chị đã không thể chung sống với bố của con mình sau những trận đòn tím tái người. Cô cũng chịu nhiều áp lực khi một mình nuôi con. Thậm chí, trong một mâu thuẫn, chỉ vì làm mẹ đơn thân mà cô bị đồng nghiệp mạt sát là... “con đĩ”. Tất nhiên, những khó khăn này không làm giảm sự quyến rũ chết người của Carmen. Trái lại, nó mang đến cho cô vẻ đằm thắm, từng trải rất đàn bà. Nhờ thế, thân hình đậm đà của nghệ sĩ Vành Khuyên, lần đầu tiên, không làm khó cô trong vai người đẹp.

Vì muốn đặc tả vấn đề của bạo lực gia đình, Nhà hát Nhạc vũ kịch đã mời chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới (CSAGA) tư vấn trong những cảnh bạo lực. Chẳng hạn, thay vì để một cảnh xô xát, các chuyên gia đã khuyên diễn viên nam nên làm động tác giúi tóc, đập đầu người phụ nữ xuống. Trong thực tế, đây là hành động “điển hình” của hiện tượng xã hội này.

Vở opera Carmen sẽ công diễn tối 26, 27/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chỉ đạo nghệ thuật: TS. NSND Phạm Anh Phương. Chỉ huy dàn nhạc: Graham Sutcliffe. Đạo diễn: Helena Rohr. Biên đạo múa: Hồng Phong...

Diễn tiến của các cảnh cũng tương đối “ổn” nếu tiếp cận từ góc độ xã hội Việt Nam. Nhân vật được “kéo” gần với cảnh bằng cách, tuy vẫn mang tên tây (cho dễ đối chiếu?) nhưng lại có quê ở Thái Nguyên, Yên Bái. Cảnh “tám” ở quán nước. Sự hối hả chết người của công nhân vào ca. Bản thân đôi uyên ương Carmen- Jose cũng phải dừng yêu khi tiếng còi báo giờ làm ngân lên... Dàn hợp xướng đã giấu được nguồn gốc “quốc tế” của mình qua những phối hợp dàn cảnh công nhân lao động rất Việt trên sàn diễn.

2. Mặc dù vậy, nếu vở diễn đi xa hơn một chút vào những góc cạnh đời thường của người phụ nữ đơn thân, một mình đưa đón con, chăm sóc bé học hành, chắc chắn sức nặng “vấn đề xã hội đương đại” sẽ tăng lên nhiều. Mô tả kỹ lưỡng khó khăn khi tìm hạnh phúc mới của Carmen sẽ là sẻ chia cho nhiều phụ nữ đơn thân còn chịu nhiều thành kiến của xã hội Việt Nam.

Như những lần hợp tác với chuyên gia nước ngoài khác, phục trang của vở được chau chuốt rất kỹ. Nhà hát cố tận dụng những gì đã có, nhưng cũng “nghiến răng” sắm mới những thứ buộc phải mua. Vì thế, chàng võ sĩ Escamillo đã có một bộ vét và đôi giày đẹp kính coong trong khi hai chàng buôn lậu Dancairo và Remendado mặc lại đồ từ vở opera trước.

Đây không phải lần đầu nữ đạo diễn Helena Rohn tự lo phần lớn tiền để sang Việt Nam hỗ trợ nhà hát dựng vở.

Ngữ Yên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm