Học sinh trở lại trường: Mừng hay lo?

06/12/2021 06:39 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến sát giờ G, Hà Nội mới có quyết định điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp.

Hà Nội chuẩn bị kỹ, sớm đưa học sinh trở lại trường an toàn

Hà Nội chuẩn bị kỹ, sớm đưa học sinh trở lại trường an toàn

Từ ngày 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh trung học phổ thông, đạt tỷ lệ tiêm hơn 90%.

Thay vì cho tất cả học sinh THPT quay lại trường, Hà Nội chỉ cho học sinh khối lớp 12 được học trực tiếp theo phương án chặt chẽ (chia 50% số lớp 12 mỗi trường học xen kẽ thứ 2, 4, 6, hoặc 3, 5, 7…). Cộng thêm khối lớp 9 khu vực ngoại thành tiếp tục triển khai học trực tiếp, còn lại, học sinh sẽ tiếp tục học trực tuyến.

Quyết định này đã tháo “ngòi nổ” lo lắng trong suốt tuần qua của các bậc phụ huynh và kể cả một số nhà trường về việc cho học sinh THPT trở lại trường bắt đầu từ tuần này khi mà tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng.

Tuần qua, cũng như nhiều lớp khác, ban phụ huynh học sinh lớp con trai tôi cũng lập nhóm, xin ý kiến mọi người về việc nên hay không nên đề nghị thành phố cho lùi ngày đến trường thêm một thời gian nữa.

Chú thích ảnh
Học sinh thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Tôi thấy nhiều ý kiến đều lo ngại việc các em đi học trực tiếp bây giờ là chưa an toàn. Nhưng nếu nhìn rộng ra và suy ngẫm cho thật kỹ lưỡng thì thấy rằng, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Vì thế, thay vì hoang mang, lo lắng, hãy đặt câu hỏi, chúng ta đã chuẩn bị được những gì để “thích ứng, linh hoạt”?

Trả lời cho vấn đề này, chúng ta hãy xem các số liệu cụ thể: theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho đến lúc này, gần 95% học sinh trong độ tuổi được phép tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng chống Covid-19. Các trường trên địa bàn, mặc dù thời gian ngắn, nhưng cũng đã tiến hành tổng vệ sinh, sát khử khuẩn trường, lớp để đón các em quay trở lại trường. Cuối tuần qua, nhiều trường cũng đã xây dựng các phương án, kịch bản, thậm chí là tổ chức diễn tập xử lý khi phát hiện có các F0 trong trường, lớp...

Nếu như việc chuẩn bị như thế vẫn chưa được mọi người tin tưởng thì chúng ta hãy trả lời câu hỏi: Tại sao rất nhiều nhà hàng, quán ăn, siêu thị, các hoạt động vận tải công cộng...được phép hoạt động trở lại khi đáp ứng được các tiêu chí nhất định, thì chỉ riêng các trường học phải đóng cửa? Cả xã hội đã xác định sống chung với dịch bệnh, vậy tại sao lại tách riêng việc học tập của các em ra, không cho hòa nhập trở lại?

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Có nghịch lý không khi mà dịp Trung thu và ngày nghỉ lễ 2/9 vừa qua, mặc dù dịch vẫn đang căng thẳng đấy, vậy mà nhiều gia đình bất chấp cho con em mình tụ tập vui chơi, đổ về các khu vực công cộng đông nghẹt? Khi ấy mọi người có lo lắng chuyện lây nhiễm không, vậy mà bây giờ khi đa số các cháu đã được tiêm chủng, trường lớp đã lên kế hoạch phòng chống Covid-19 bài bản, chu đáo thì lại quá sợ?

“Chúng ta cần cân nhắc trong bối cảnh này cần phải cho thích nghi. Bởi vì chúng ta không thể nào để trẻ mãi ở trong nhà được. Chúng ta cần cho trẻ một bối cảnh rộng hơn để phát triển tâm lý cũng như thể chất của mình”. Tôi đồng tình với những chia sẻ này của một giảng viên đại học.

Đối với các bậc phụ huynh có tâm lý lo ngại con đi học sẽ không may mắc bệnh, chúng ta cũng nên tìm hiểu kỹ và tin tưởng vào những khuyến cáo cũng như các hướng dẫn của ngành y tế, giáo dục. Tùy theo độ tuổi khác nhau mà chúng ta có sự chuẩn bị khác nhau, nhưng có một điểm chung, đó là người lớn cần phải là chỗ dựa về mặt tâm lý cho các em. Chừng nào chúng ta còn hoang mang, lo lắng thì khó có thể nói với con em mình hãy bình tĩnh, tự tin trong việc phòng chống dịch.

Như thế, việc mở cửa trường học thời điểm này, ngoài chuyện chuẩn bị an toàn cho các em thì phải hướng dẫn, chỉ bảo cho các em có tâm thế và kỹ năng“thích ứng, linh hoạt” với tình hình - đó cũng sẽ là những trải nghiệm thực tế quý giá đối với chính các em.

Thêm vào đó, câu hỏi khi nào dịch bệnh chấm dứt vẫn còn bỏ ngỏthì chuyện cho các em đi học trực tiếp từ bây giờ là điều phải tính đến. Bởi nếu như không phải bây giờ thì cho đến bao giờ các em mới được hòa nhập trở lại?

Bởi thế, tôi hy vọng rằng sau khối lớp 12, trong thời gian tới, lượt các khối lớp THPT, rồi THCS sẽ dần được đến trườngtrên cơ sởcác phương án “thích ứng, linh hoạt” với tình hình dịch bệnh và chiến lược tiêm phủ vaccine cho học sinh.

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm