Họa sĩ Trần Trọng Vũ: Đừng cực đoan với "Tiếng nổ ở Việt Nam"!

09/05/2009 14:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như TT&VH đã phản ánh, triển lãm Nam Bang! (Tiếng nổ ở Việt Nam) diễn ra từ ngày 4/4 và kéo dài đến 21/6/2009 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Casula Powerhouse (Australia). Là một nghệ sĩ khách mời đến từ Pháp, họa sĩ Trần Trọng Vũ dường như có cái nhìn khác về cuộc triển lãm đang thu hút khá nhiều dư luận trái chiều từ quốc tế.

* Trong khi triển lãm Nam Bang! diễn ra với rất nhiều dư luận trái chiều nhau, là một nghệ sĩ tham gia trong đó, anh nhìn về những dư luận này như thế nào?

- Đây là một triển lãm lớn, về không gian trưng bày cũng như về số lượng, chất lượng tác phẩm và tác giả. Những ý tưởng đóng góp của các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ, đến từ nhiều quốc gia, cũng rất đa dạng xung quanh đề tài: “34 năm sau nhìn lại chiến tranh Việt Nam”. Phản ứng của tôi khi lắng nghe dư luận là xếp chúng vào bảng phân loại của riêng tôi: Sẽ có một loại dư luận mở và một loại khác sẽ đóng cửa vĩnh viễn cho mọi đối thoại.
 
Họa sĩ Trần Trọng Vũ

Tôi có đọc nhiều ý kiến phản đối triển lãm, từ những nguồn thông tin dành riêng cho người Việt hải ngoại, nhưng cũng chỉ để khẳng định thêm kết luận của tôi về những thái độ cực đoan mà tôi đã quen thuộc từ nhiều năm qua. Thái độ hẹp hòi thế nào cũng phải tìm đến một hình thức hẹp hòi là kết án và vu cáo, mà bị cáo cụ thể lần này là một triển lãm nghệ thuật. Kết án bởi vì họ không chấp nhận đối thoại. Vu cáo bởi vì đại đa phần người phản đối không đến xem triển lãm, hoặc tự giam mình trong quá nhiều định kiến chính trị cũng như nghệ thuật. Chính vì vậy, trong những thông tin này, cuộc trưng bày nghệ thuật đã bị soi xét dưới những góc độ chẳng hề liên quan tới nghệ thuật, và đã bị sử dụng để xác nhận nghệ sĩ này thuộc về “bên ta”, còn nghệ sĩ kia là của “bên họ”.

* Và điều anh suy ngẫm qua việc này là gì?

- Tôi cũng được biết rằng khá nhiều người Việt hải ngoại đã tham gia biểu tình chống lại các triển lãm về đề tài Việt Nam ở Mỹ hoặc ở Australia - bất cứ đề tài nào, nội dung nào - lại chính là những người hăng hái đi du lịch Việt Nam nhất, để thỏa mãn nhu cầu tiêu xài của họ, vốn khó lòng mà thực hiện tốt được như vậy nơi họ đang sinh sống. Những bài viết mà tôi quan tâm hơn là của những nhà báo chuyên nghiệp của Australia, trên những tờ báo uy tín. Nam Bang! đã được nhiều tờ báo lớn và uy tín đón nhận với nhiều thiện cảm. Những thông tin như thế này không thấy người Việt ở Australia nhắc đến, nên không thể về được tới Việt Nam.
 

Tranh của họa sĩ Ray Beattie (cựu chiến binh Australia) - Một tác
phẩm đáng chú ý trong triển lãm

* Những tác phẩm gần đầy của anh dường như theo một phong cách khác Trần Trọng Vũ trước đây, tự anh có thể gọi tên phong cách này?

- Bản thân tôi cũng không biết gọi tên phong cách này là gì. Và Trần Trọng Vũ trước đây là kể từ 50 ngày về trước, hay của 5 năm đã qua? Chỉ biết rằng tôi vẫn theo đuổi cuộc phiêu lưu mà chất liệu là ni-lon...

* Thời gian ở Australia của anh lần này là 3 tháng, theo thư mời của BTC triển lãm, sau Nam Bang! anh còn làm những công việc gì tại đây?

- Triển lãm kéo dài 3 tháng, nhưng tôi chỉ có thể thu xếp được một chút thời gian rất ngắn để có mặt tại Australia. Tôi không có đủ thời gian đi thăm thành phố. Ngay lập tức tôi phải về Hà Nội, cũng rất nhanh, rồi sau cùng là Paris, để cho những công việc khác. Tôi đã quen với kiểu di chuyển như vậy và rất hài lòng vì đã được làm việc với vận tốc khác hẳn trong xưởng họa.

Triển lãm Nam Bang! thu hút các nghệ sĩ tên tuổi đến từ Australia, Việt Nam, Mỹ, Pháp... Trong đó, họa sĩ Lê Trí Dũng từ Việt Nam đã mang đến 2 bức tranh.

* Một quá trình làm việc dài ngày như vậy, nếu diễn ra tại quê nhà Việt Nam, mà anh là một nghệ sĩ tham dự, anh sẽ nghĩ thế nào?

- Tôi đã tham gia nhiều chương trình làm việc dài ngày: 1 tháng, 3 tháng, hoặc 1 năm, với các nghệ sĩ nhiều màu da. Nhưng rất tiếc là chưa bao giờ ở tại quê nhà. Quá trình làm việc như vậy bao giờ cũng diễn ra trong sự cởi mở, bình đẳng và văn hóa, không một phân biệt, định kiến. Các nghệ sĩ bao giờ cũng dễ chia sẻ với nhau hơn những vấn đề cá nhân và xã hội. Những cuộc trao đổi như vậy ở Việt Nam sẽ là một hoạt động văn hóa tích cực.

* Nói như vậy, chứng tỏ anh có quan tâm nhiều về nghệ thuật mới và hội họa mới của Việt Nam trong những năm gần đây?

- Tôi chỉ quan tâm đến nghệ thuật thị giác ở Việt Nam, mà tôi cho rằng luôn luôn là bộ môn nghệ thuật đi trước. Có một số cá nhân rất trẻ, không nhiều, nhưng xử sự rất hay với những gì mà họ đang trải nghiệm. Họ không được công chúng công nhận. Họ khác hẳn thế hệ chúng tôi ít nhiều bị ám ảnh bởi quá khứ. Tôi tin vào con đường của họ.

* Anh đã từng thực hiện nhiều triển lãm tại Việt Nam, vậy anh có dự định gì khác về hoạt động nghệ thuật, lưu trú, làm việc... tại quê nhà trong thời gian tới?

- Trong hiện tại tôi không có chương trình làm việc ở Việt Nam. Còn ngày mai, hoặc một ngày nào đó chưa tới thì có thể lắm, song tôi không lên lịch cho mình sớm đến như vậy.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm