25/09/2012 16:45 GMT+7 | Văn hoá
Từng là một người lính xông pha trên trận địa, bản chất của một anh lính cụ Hồ: trung thực, thẳng thắng đã không cho phép họa sỹ Ngô Chính dửng dưng với những trái khoáy tồn tại trong giới mỹ thuật bấy giờ. Liên tiếp có những cuộc tranh luận, như Phan Cẩm Thượng nói thì họa sĩ Ngô Chính “Có lúc tưởng chừng quên mất mình là một họa sỹ”.
Họa sĩ Ngô Chính “có lúc tưởng chừng quên mất mình là một họa sỹ”. |
Tinh thần đó đã được tác giả gửi gắm qua tranh của mình: “Tôi đi giữa cuộc đời thăng trầm, đầy mâu thuẫn. Thời mà lịch sử của xứ sở liên tục sang trang - lúc vui, lúc buồn, lúc thương, lúc giận, có vô vàn lý lẽ tạo nên suy tưởng... Với tôi nó đọng lại, gói ghém vào nghệ thuật” - Tự bạch của họa sĩ.
Tác phẩm: Bạch đằng giang, sơn mài, 90cm x 120cm |
Phương pháp vẽ thiên về đường nét mảng miếng phù hợp với chất liệu sơn mài, phần nữa lại yêu thích những họa tiết dân gian, vì vậy họa sĩ Ngô Chính đã từ bỏ sơn dầu và đến với những sáng tạo mới là sơn mài. Thử nghiệm trên chất liệu mới cũng làm tư tưởng của họa sĩ biến chuyển. Từ khai thác những đề tài về lịch sử với lối vẽ thực sang lối biểu hiện - trừu tượng là bước chuyển quan trọng trong sự nghiệp hội họa của ông.
Từ lối vẽ thực qua tác phẩm: Trung thu, sơn mài, 120cm x 180cm |
27 bức tranh trong triển lãm được sắp xếp làm hai khu vực đánh dấu phân định về sự chuyển đổi tư tưởng ấy của họa sĩ. Một bên là những tác phẩm với chủ đề lịch sử như Giải phóng thủ đô, Bạch Đằng giang,... Hơn nửa phần còn lại, được vẽ theo phong cách biểu hiện - trừu tượng, bao gồm: Vòng xoáy, Hạnh phúc, Ngày vui,..
Đến phong cách biểu hiện - trừu tượng: Vòng xoáy, sơn mài, 120cm x 180cm |
Ở những tác phẩm theo lối biểu hiện - trừu tượng, từ những truyền thuyết dân gian như Mỵ Châu Trọng Thủy, hay tục cướp vợ của người dân tộc, họa sĩ đã phủ lên một lớp lang tâm linh huyền bí hơn. Nhưng kỳ thực nếu nhìn vào chiều sâu của những bức tranh, lại thấy tác giả đang bàn đến những vấn đề rất gần gũi với cuộc sống thường nhật của người đô thị. Đó là vòng xoáy của quyền lực, là bản chất của hạnh phúc.
Tác phẩm: Nhân gian, sơn mài, 120cm x 180cm |
2. Sự sáng tạo trong hội họa đòi hỏi ở người họa sĩ sự kiên trì cả về trí và lực. Họa sĩ Ngô Chính - ở độ tuổi 72 - vẫn tràn đầy trí lực để những tác phẩm của mình lần lượt ra đời. Trong gần 10 năm, ông đã hoàn thành trên 20 bức tranh sơn mài và khắc đồng, có những tác phẩm tác giả đã mất tới 4 tháng mới hoàn thiện.
Tác phẩm: Gánh quan hà, sơn mài, 120cm x 180cm |
Sự công phu trong những sáng tác của họa sỹ còn thể hiện ở cách phối màu. Gam màu ông sử dụng chủ yếu là màu vàng, son then và những màu tự nhiên như màu vỏ ốc, vỏ trai. Ông không bao giờ chấp nhận sử dụng màu tạp bởi ông quan niệm việc tạo ra ý nghĩa của tác phẩm phải thể hiện ở cách phối màu chứ không phải pha màu. Vì lẽ ấy, những bức sơn mài của Ngô Chính tạo được cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người xem.
Tác phẩm: Chắp cánh, sơn mài, 80cm x 110cm |
Quả thế, như lời nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nói về ông: “Ngô Chính yêu hội họa, vì nó chia sẻ với ông nhiều hơn con người, dù ông là người nồng thắm, tình tứ nhưng lại khá rủi ro, chính thế ông càng gắn bó cho niềm vui hội họa”.
Triển lãm sẽ diễn ra hết ngày 26/9, tại Trung tâm văn hóa Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.
Thanh Lê
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất