Hành trình lặng lẽ của Huỳnh Ly - cô gái 'Sài Gòn'

03/08/2021 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Huỳnh Ly vẫn là một cái tên chưa quen thuộc trong giới giải trí của Việt Nam, dù cô là một trong số ít diễn viên được nữ đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn của đoàn kịch Les Hommes Approximatifs và La Comédie de Valence (Pháp) mời tham gia vở kịch nổi tiếng có tựa đề Sài Gòn.

Thành phố Hồ Chí Minh: Cần đổi mới cách thức tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu

Thành phố Hồ Chí Minh: Cần đổi mới cách thức tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu

Một thực trạng buồn, đó là hiếm có tác giả nào chịu đi xem kịch để đúc kết, mà chỉ nói một cách chủ quan, chưa đặt mình vào vị trí khán giả để hiểu và viết sao cho tinh tế.

Sau gần 3 năm lưu diễn khắp châu Âu và châu Á từ 2017 đến 2019, Huỳnh Ly mới trở về Việt Nam để bắt đầu hành trình nghệ thuật của bản thân.

Huỳnh Ly năm nay 26 tuổi, sinh ra trong gia đình lao động nghèo, có cha làm bảo vệ và mẹ làm tạp vụ tại TP.HCM. Dù gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng cô gái bé bỏng này rất đam mê diễn xuất, vì vậy mà quyết định thi vào khoa diễn viên của Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Năm đầu, Huỳnh Ly thi trượt, nên thi vào lớp đào tạo diễn xuất của NSƯT Trịnh Kim Chi. Năm sau, khi đã biết diễn xuất cơ bản, Huỳnh Ly đi thi lại và đậu điểm khá cao.

Chú thích ảnh
Diễn viên Huỳnh Ly

Cơ hội bất ngờ

Lúc Huỳnh Ly học năm thứ 2 tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đạo diễn Caroline Guiela Nguyễn vào trường tuyển chọn diễn viên cho vở kịch Sài Gòn, có nội dung và bối cảnh liên quan đến 2 nước Việt Nam và Pháp. Sau 3 vòng, vượt qua hàng trăm diễn viên, Ly được chọn vào vai Mai thời trẻ. Năm 2018, Sài Gòn ra mắt rất ấn tượng tại TP.HCM, sau đó lại thành công đặc biệt tại Pháp và khoảng hơn 20 quốc gia khác nhau. Vai Mai của Huỳnh Ly được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao.

Chú thích ảnh

Cơ hội đến nhanh và bất ngờ, mở ra động lực lớn cho Huỳnh Ly. Điều cô học được trong thời gian này là phong cách làm việc chuyên nghiệp và hiện đại của đoàn kịch nước ngoài. Theo đó, diễn viên không cần quan tâm đến điều gì khác, ngoài việc học thoại thật nhuyễn, hiểu được tâm lý nhân vật, tập trung 100% nguồn năng lượng cho việc diễn xuất. Nó khác hẳn với môi trường nghệ thuật ở Việt Nam, nơi đa phần diễn viên phải tự hóa trang, lo phục trang và làm vài việc không tên khác, để rồi khi có cơ hội lại cùng lúc nhận nhiều vai diễn cho nhiều dự án khác nhau.

Tuy nhiên, do xa Việt Nam khi chưa nổi tiếng nên lúc trở về Huỳnh Ly phải làm lại từ đầu. Có một thời gian cô thất nghiệp. Đó là một hành trình tâm lý đầy khó khăn giữa việc chọn lựa tiếp tục hoặc dừng lại, làm việc khác.

Ly chia sẻ: “Gần 3 năm được diễn kịch tại Pháp và các nước là một cơ hội quá lớn với tôi. Dẫu vậy, suốt thời gian ấy, tôi chỉ diễn một vai duy nhất, thế nên kinh nghiệm diễn xuất vẫn chưa đa dạng. Hơn nữa, hồi ở Việt Nam tôi chỉ mới được một lượng khán giả rất nhỏ biết đến, nên lúc trở về các đạo diễn chưa có kế hoạch nào dành cho tôi”.

Chú thích ảnh
Huỳnh Ly vào vai Mai trong vở “Sài Gòn”

Nỗ lực thích ứng

Ly trở về Việt Nam trong lặng lẽ. Cô vẫn khiêm tốn và nhẹ nhàng như hồi chưa từng xuất ngoại. Cô tự tìm kiếm cơ hội cho mình như bao diễn viên trẻ chưa từng được biết đến.

Rồi nỗ lực này đã dần được đền đáp. Tháng 9/2020, một sân khấu kịch chất lượng cao là Hoàng Thái Thanh đã mời Huỳnh Ly vào vai Hạnh trong vở Bàn tay của trời (đạo diễn: Ái Như). Ngoại hình mảnh mai và lối diễn xuất nhẹ nhàng của Huỳnh Ly đã lột tả tốt cốt cách của một cô gái con nhà gia giáo.

Chú thích ảnh
Huỳnh Ly (mép phải hình) trong vở “Bàn tay của trời”

Gần như cùng lúc, Huỳnh Ly được mời vào vai cô gái trong vở Những cuộc phiêu lưu của tâm hồn (đạo diễn: Tuyết Vân), vào vai Regina Engstrand trong vở Hồn ma bóng quỷ (đạo diễn: Trần Minh Đức), vào vai chính Sơn Ca trong vở Sơn ca (đạo diễn: Lê An), vào vai nhóc Đạt trong vở Người thứ 13 (đạo diễn: Huy Thục)... Tất cả các vở diễn kể trên đều thuộc thể loại kịch tâm lý, được đầu tư nghiêm túc, đòi hỏi cao về diễn xuất.

Huỳnh Ly đã làm hài lòng được các đạo diễn nhưng cô cũng gặp trở ngại. Huỳnh Ly chia sẻ: “Lúc diễn kịch tại Pháp, tất cả các diễn viên trong đoàn đều chỉ diễn 1 vai trong suốt 3 năm. Tôi cũng thế, tất cả chỉ tập trung cho 1 vai diễn. Khi về Việt Nam, tôi có cơ hội diễn nhiều vai ở nhiều sân khấu khác nhau nhưng không thể làm tốt như mong muốn. Khi tập vở thứ 2 tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi tính cách nhân vật của vở thứ nhất, vì 2 vở gần như diễn ra song song. Tôi phải nỗ lực để thích ứng thôi”.

Ngay lúc Huỳnh Ly bắt đầu mở lối được với hành trình nghệ thuật tại quê nhà, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Các vai diễn của cô vì thế cũng xếp lại, chưa biết đến khi nào mới tái ngộ khán giả. Trong thời gian đó, Huỳnh Ly dự thi vào dự án phim tài liệu ngắn do Doc Cicada và Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. Cô là 1 trong số không nhiều người đã được chọn sau khi đã qua 3 vòng sơ tuyển. Huỳnh Ly hy vọng rằng chương trình học này sẽ giúp cô có thêm hành trang kiến thức cho con đường nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Huỳnh Ly với “phục trang” đi giao cơm đến các khu cách ly vì Covid-19

Hiện tại, khi TP.HCM đang oằn mình trong cơn đại dịch, Huỳnh Ly hằng ngày đạp xe đến các khu cách ly để trao cho bệnh nhân các phần ăn. Công việc này khởi đầu từ một người bạn ở tỉnh Bình Thuận có người thân bị cách ly, muốn nhờ Huỳnh Ly giúp. Từ đây, cô mở rộng ra việc tiếp tế lương thực cho người nghèo trong xóm, trong quận và cả nghệ sĩ già neo đơn. Ly làm việc thiện nguyện một cách khiêm tốn, theo khả năng của mình, nhưng rồi một vài bạn bè đã biết và cùng góp sức.

Điều đáng nói là gia đình Huỳnh Ly cũng thuộc diện nghèo. Cha mẹ cô đều thất nghiệp vì các nơi họ làm việc phải đóng cửa. Số tiền mà cô cùng gia đình sống trong mùa dịch, làm thiện nguyện là từ tích lũy suốt 3 năm diễn kịch ở Pháp và các nước.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm