Hà Nội nhân rộng văn hóa đọc trong thời dịch Covid-19

11/09/2021 08:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội vốn là nơi được đánh giá coi trọng văn hóa đọc, khi sở hữu hệ thống thư viện, nhà sách, nhà xuất bản, các không gian đọc sách, các hoạt động liên quan đến sách... rất phong phú.

Ban hành kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025

Ban hành kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành kế hoạch 3042/KH-BTTTT về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021- 2025.

Bởi thực tế, vai trò của văn hóa đọc trong việc góp phần hình thành trí tuệ, nhân cách là không thể phủ nhận. Nhất là trong thời điểm dịch COVID-19, thành phố hạn chế người dân ra đường, vì vậy văn hóa đọc càng được mọi người quan tâm hơn bao giờ hết.

Đưa tri thức đến gần với người dân

Trước kia, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, người dân thôn Bùng, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa thường xuyên đến thư viện thôn mượn sách về đọc. Nhưng trong đợt dịch lần thứ 4 này, thành phố yêu cầu giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết, vì vậy việc mượn sách ở thư viện thôn cũng không thể thực hiện.

Nắm bắt được nhu cầu đọc sách của người dân trong những ngày giãn cách, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Minh Đức đã phối hợp cùng Ban Công tác Mặt trận thôn Bùng, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tủ sách thôn xây dựng và triển khai mô hình điểm "Tủ sách di động" tại thôn Bùng. Sách không nằm im trên giá trong tủ sách của thư viện thôn, mà được các cán bộ cơ sở chuyển đến tận nhà người có nhu cầu mượn. Để được mượn sách, đổi hay trả sách, người đọc chỉ cần liên hệ với Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Tủ sách thôn, sẽ được phục vụ tại nhà. Các cán bộ thực hiện việc cho mượn, nhận, đổi sách cũng thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Chú thích ảnh
Xã Minh Đức đã phối hợp cùng Ban Công tác Mặt trận thôn Bùng, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tủ sách thôn xây dựng và triển khai mô hình điểm "Tủ sách di động" tại thôn Bùng. Ảnh: Phùng Lương

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, mô hình "Tủ sách di động" của thôn Bùng là một cách làm sáng tạo giúp người dân có nhu cầu được tiếp cận với sách báo một cách an toàn. Không chỉ cung cấp tri thức, mô hình này còn kết nối các thành viên trong gia đình khi cùng ở nhà để phòng, chống dịch.

Hiện nay, tủ sách có hơn 500 cuốn sách về khoa học, kỹ thuật, lịch sử, sách thiếu nhi… Bên cạnh đó, để lan tỏa văn hóa đọc, cùng với việc bổ sung thêm đầu sách, các cán bộ mặt trận, thư viện thôn kêu gọi sự ủng hộ, trao tặng sách trong nhân dân, nhất là những cuốn sách hay để có thêm nhiều người được tiếp cận với sách.

Câu chuyện văn hóa đọc trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội ít nhiều cũng được nhiều gia đình coi trọng. Bởi thực tế, ngoài việc nhà và các công việc cơ quan theo hình thức trực tuyến, quỹ thời gian của người lớn còn lại cũng dồi dào hơn trước; còn trẻ nhỏ, bên cạnh thời gian học tập, việc vui chơi không thể dồn hết vào vô tuyến và các thiết bị điện tử khác. Đọc sách là hình thức được nhiều gia đình lựa chọn để hướng con khám phá những điều tốt đẹp trong cuộc sống, làm phong phú tâm hồn trẻ.

Thời gian này, các thành viên gia đình chị Hoàng Thu Lan, ở Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai chỉ quanh quẩn trong nhà, không ra ngoài như mọi khi. Hiểu được tác động của vô tuyến và các thiết bị thông minh đến sự tập trung cũng như nhận thức của trẻ, chị đã có những quy định rõ ràng trong việc này, đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị thông minh của các con. Chị thường khuyến khích các con đọc sách với những quyển chưa đọc tới còn nằm trên giá sách hay đặt thêm sách trên các trang bán hàng trực tuyến. Bọn trẻ nhà chị cũng hiểu chuyện và nghe lời người lớn nên hàng ngày chăm chỉ đọc sách, bàn luận về nội dung có trong sách.

Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, trong thời gian giãn cách nên trẻ ở nhà, vì vậy dễ lạm dụng thiết bị điện tử và internet. Phụ huynh cần tranh thủ cơ hội này để hướng dẫn trẻ vào hoạt động đọc sách. Muốn trẻ đọc sách, phụ huynh phải hạn chế cơ hội và thời gian sử dụng các thiết bị điện tử; đặc biệt, cần tạo ra môi trường tích cực khuyến khích đọc sách. Cha mẹ cũng nên đọc sách cho con nếu con dưới 6 tuổi theo thời gian cố định để tập cho trẻ thói quen đọc sách. Đối với trẻ đã tự đọc được, cha mẹ trao đổi, nói chuyện với con về những cuốn sách con đang đọc...

Chú thích ảnh

Phát triển văn hóa đọc

Nhằm xây dựng, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thành phố Hà Nội có nhiều chủ trương, kế hoạch để đáp ứng nhu cầu và nhân rộng văn hóa đọc.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, phát triển văn hóa đọc là một vấn đề mang ý nghĩa rất lớn, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng một Thủ đô văn minh hiện đại. Thông qua các hoạt động văn hóa đọc, người dân sẽ được tiếp nhận các giá trị tri thức và văn hóa của Thủ đô Hà Nội, của Việt Nam, đồng thời, tiếp thu những tinh hoa tri thức và văn hóa nhân loại. Bởi vậy, Hà Nội cần quan tâm đến văn hóa đọc với những hành động thiết thực, cụ thể.

Trong năm 2021, Hà Nội tập trung tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng và phương pháp đọc cho người dân thông qua việc tổ chức: Ngày Sách Việt Nam; hội thi Thiếu nhi Thủ đô tuyên truyền giới thiệu sách năm 2021; giao lưu tác giả, tác phẩm; trưng bày, triển lãm sách kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước tại thư viện thành phố, thư viện cấp huyện, thư viện trường học, thư viện cộng đồng… nhằm khuyến khích và phát triển hoạt động đọc sách trong cộng đồng; tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc tại các thư viện, trường học.

Bên cạnh đó, thành phố xây dựng, kiện toàn và củng cố hệ thống thư viện công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập, duy trì thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tại địa phương; duy trì và phát triển mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn Hà Nội.

Tại các cấp cơ sở, huyện Ứng Hòa đặt ra các mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt 80% học sinh tại các cơ sở giáo dục sử dụng hệ thống thư viện trường, tủ sách cơ sở thường xuyên; mỗi thôn, tổ dân phố có 1 tủ sách cơ sở; 50% người dân sử dụng thư viện, tủ sách cơ sở có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, lao động, nghiên cứu và giải trí…

Đến năm 2025, huyện Thạch Thất tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, nâng cao văn hóa đọc tại các thư viện công cộng, nhà học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã; phấn đấu 20 - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15 - 20% người dân ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn được tiếp cận sách, báo, tài liệu... nhằm nâng cao dân trí, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Khi cuộc sống hiện đại mang lại rất nhiều hình thức truyền tải thông tin, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức và giải trí của người dân thì văn hóa đọc phần nào cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngành văn hóa cũng như các cấp ngành liên quan đang đẩy mạnh việc phát triển văn hóa đọc, không chỉ chuyển tải tri thức đến người dân theo một hình thức chính thống mà còn giữ gìn nét văn hóa đẹp từ bao đời nay của cha ông để lại.

Đinh Thuận

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm