Góc nhìn 365: Sách và đồng phục - cũ và mới

30/08/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Tuần mới này, nghỉ lễ 2/9 là dịp cho mọi người đi chơi, nhóm họp bạn bè, đoàn tụ gia đình... Nhưng với các em học sinh cũng như các trường học thì đó là những ngày cuối cùng để hoàn tất công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023.

Góc nhìn 365: Ngày khai giảng khó quên và không thể quên

Góc nhìn 365: Ngày khai giảng khó quên và không thể quên

Một bức ảnh đặc biệt đang được liên tục chia sẻ trên mặt báo và không gian mạng kể từ hôm qua 5/9 - thời điểm mà học sinh cả nước bước vào lễ khai giảng năm học mới.

Trong bối cảnh đó, tôi rất chú ý tới một công văn mới của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc khai giảng và triển khai một số hoạt động đầu năm học mới, trong đó nêu rõ các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.

Ngày khai giảng bước vào năm học mới là những ngày hội của các em học sinh. Với các gia đình, ngoài việc phải mua sắm đồ dùng học tập, rồi sách giáo khoa...thì nhiều năm nay, vấn đề khiến cho nhiều bậc phụ huynh bức xúc, tranh luận gay gắt chính là đồng phục học sinh.

Đúng là ngày khai giảng năm học mới bây giờ khác rất nhiều so với những năm tháng chúng tôi còn cắp sách đến trường. Khi ấy, học sinh thường được các thầy cô yêu cầu chuẩn bị rất đơn giản. Quần áo mới hoặc cũ không quan trọng, kể cả là áo vá, quần tích kê nhưng phải gọn gàng, sạch sẽ.

Chú thích ảnh
Học sinh chuẩn bị đồng phục cho năm học mới. Ảnh minh hoạ: Internet

Sách vở thì được bọc bìa đầy đủ, có dán nhãn vở, bút viết và mực đủ. Sách giáo khoa không có mới thì dùng sách cũ, sách mượn. Lớp 1 thì phải làm hoặc mua một cái bảng con bằng gỗ, có kẻ ô vuông để viết phấn. Tôi nhớ là trước ngày khai giảng, những chiếc bàn, chiếc ghế bị hư hỏng sẽ được các bác phụ huynh có tay nghề đến sửa chữa đóng lại. Những chân ghế bị gãy, mục hay là những mặt bàn vỡ, thủng đều được thay thế, làm mới.

Thời thế cũng đã thay đổi. Giờ đây không phải chỉ có các cơ quan, công ty hay một số ngành nghề trong xã hội buộc phải mặc đồng phục để nhận diện, mà đồng phục đã “tràn vào” các trường học, các cấp học. Cứ đến năm học mới là học sinh phải chuẩn bị mua mới từ 2 đến 3 bộ đồng phục.

Việc mặc đồng phục cho đẹp trường lớp, để nhận diện thương hiệu của trường không phải là không tốt. Khách quan mà nói thì bộ đồng phục tạo được hiệu ứng thẩm mỹ khá tốt, tuy nhiên nó cũng phải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, từng vùng miền.

Riêng với năm học này, tình hình dịch bệnh Covid-19 tuy đã thuyên giảm nhưng tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế vẫn còn ghê gớm. Vì vậy yêu cầu phải mua đồng phục theo đúng quy định của các trường sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình học sinh có hoàn cảnh kinh tế không dư dả. Nhiều học sinh sẽ không có đồng phục mới đến trường. Cũng chính vì từ thực tế này mới có công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội vừa được nói tới ở trên.

Để đảm bảo cho tất cả các em học sinh đều được tham gia lễ khai giảng, bên cạnh việc yêu cầu các em học sinh ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn, các trường cũng có thể kêu gọi vận động học sinh trong trường quyên góp, ủng hộ những bộ đồng phục đã mặc nhưng giờ không còn vừa nữa, đồng thời khuyến khích các em học sinh sử dụng lại những bộ đồng phục của các anh chị lớp trên. Nhà trường cũng có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua sắmtùy theo hoàn cảnh kinh tế mỗi gia đình, phù hợp với sở thích, số đo của mỗi em.

Một năm học mới lại sắp bắt đầu. Cũng như sách giáo khoa, bộ đồng phục học sinh cũ hay mới, đẹp hay xấu không quan trọng. Làm sao để tất cả các em đều được đến trường, điều ấy quan trọng hơn, thiết thực hơn.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm