'Giấc mơ người coi chim' - kịch đương đại mùa Noel

24/12/2020 06:06 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vở Giấc mơ người coi chim (nguyên tác: Le Gardien Des Oiseaux, tác giả: Francois Amant-Jean) vừa ra mắt khán giả Sài Gòn tại Kịch Hồng Hạc cũ trong khuôn viên Trường múa TP.HCM, bằng ngôn ngữ đương đại kết hợp giữa múa và thoại kịch.

Lưu giữ nghệ thuật đương đại Việt Nam cho tương lai

Lưu giữ nghệ thuật đương đại Việt Nam cho tương lai

Nằm trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 (do Đại học quốc tế RMIT Việt Nam phối hợp vớiUNESCO, Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức), Triển lãm nghệ thuật No Rain Without Clouds (Không mây không mưa) trưng bày 32 tác phẩm nghệ thuật đương đại của 22 nghệ sỹtại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ 07-15/11 và trên nền tảng online Kunstmatrix từ 20/10-27/12/2020.

1. Tây Phong là một đạo diễn trẻ và đầy cá tính. Những tác phẩm do anh hợp tác cùng đạo diễn Việt Linh tại Kịch Hồng Hạc như Ngộ nhận (Albert Camus), Đời sống Paris (Jacques Offenbach), Euguenie Grandet (Honoré de Balzac)… đều ít nhiều mang màu sắc thể nghiệm táo bạo và đương đại. Vở Người coi chim từng rất thành công tại Nhà hát Noctambules Paris năm 1953, nay Tây Phong tiếp tục thử sức. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Tây Phong độc lập thực hiện dưới danh nghĩa Công ty TNHH Nghệ thuật Nhà chung do anh lập nên.

Chuyện kịch xoay quanh người đàn ông đứng tuổi Cesar làm công việc trông coi khu vực loài chim trong một viện bảo tàng. Cuộc sống của ông gắn liền với những tiêu bản chim nhồi bông được trưng bày tại đây. Ông chăm sóc chúng, trò chuyện với chúng, tưởng chừng chúng cũng sinh động như thật và có cả những tính cách của con người. 30 năm gắn bó với bảo tàng chim tự đóng khung mình trong thế giới của niềm đam mê từ thuở nhỏ, của những kỷ niệm đẹp được chăm sóc bởi người vú nuôi.

Chú thích ảnh
Cesar và người bạn gái (do Quỳnh Thư thủ vai) trong vở “Giấc mơ người coi chim”. Ảnh: H.K.

Xa rời cuộc sống bên ngoài quá lâu, đến nỗi không ai có thể hiểu được Cesar và người ta bảo ông điên rồi. Nhưng là do ông không thể thay đổi hay thế giới đang thay đổi quá nhanh? Những cô đơn, khao khát, những vỡ òa vui sướng, những thất vọng điên cuồng rồi chợt tỉnh… đều đại diện cho một phần của tâm hồn ông. Nó không hoàn hảo nhưng chân thật, trong trẻo như cái cách của những con chim yêu nhau tha thiết và không hời hợt, như những rung động của trái tim của người đàn ông trước cái đẹp thánh thiện và tinh khiết, như sự cố chấp của người làm nghệ thuật đi tìm một khung hình đẹp…

Để rồi khi sự chân thật đó bị cô lập, bị thế giới ruồng bỏ, trong một ngày với bao nhiêu thay đổi ập đến như cơn hồng thủy, Cesar sẽ chết? Không, cái ranh giới mông lung đan xen giữa mơ và thực, người coi chim đã đứng dậy mở toang chiếc lồng cho những chú chim bay đi, cũng như cho chính mình một sự giải thoát để trở về với với cuộc đời. Ông tìm thấy một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, chấp nhận thực tại không hoàn mỹ, đầy hỗn loạn rối bời, lẫn lộn tốt xấu, thật giả, nhưng lại tự nhiên như bản chất vốn có trong vạn vật.

Chú thích ảnh
Huỳnh Đỗ (vai người quay phim) và Cesar. Ảnh: H.K

2. Kịch bản gốc không dài và ít tình tiết, đạo diễn Tây Phong phải tô điểm thêm da thịt cho tác phẩm thêm phần đầy đặn. Với cái tên mới là Giấc mơ người coi chim, vở diễn cũng mang lại màu sắc mới mẻ trong cách sắp đặt không gian, ánh sáng đầy tính trừu tượng. Đồng thời, sự kết hợp ngôn ngữ thoại kịch với múa đương đại, nơi các diễn viên có thể thoải mái giải phóng cơ thể bằng những tạo hình ẩn dụ, giúp mang lại thông điệp nhẹ nhàng không cần quá nhiều lời thoại lên gân. Đây cũng có thể xem là một thành công của sự kết hợp ăn ý giữa đạo diễn Tây Phong và biên đạo múa Quỳnh Nhi.

Lê Hoàng Giang là diễn viên khá quen thuộc với khán giả qua hàng loạt vai diễn tại Kịch IDECAF và Kịch Thế giới trẻ, nhưng vai Cesar trong Giấc mơ người coi chim thực sự là một thử thách dành cho anh.

Chú thích ảnh
Lê Hoàng Giang (vai Cesar) và Cao Hùng Sơn (vai người lang thang). Ảnh: H.K

Anh xuất hiện trong hầu hết thời lượng của vở diễn, là nhân vật trung tâm gần như đảm đương hết phần lời thoại cũng như các cung bậc cảm xúc. Người xem mơ cùng Cesar, tỉnh cùng Cesar, nếu người diễn viên không có đủ nội lực sẽ khiến khán giả khó đồng cảm, thông điệp của vở diễn cũng trở nên nhạt nhòa, khó hiểu. Và khi cánh màn nhung khép lại, chắc hẳn Lê Hoàng Giang đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi những nỗ lực đã được đền đáp. Ngoại hình tốt, chất giọng đẹp và lối diễn chân thật của anh đã làm nên hình ảnh Cesar sinh động, là điểm tựa cho các em diễn viên trẻ như Quỳnh Thư, Phan Hiếu, Cao Hùng Sơn, Hoài Thương, Phương Kat, Ngọc Khoa, Huỳnh Đỗ, Phạm Minh Tiến, Kenta Huỳnh, Nhật Quang được thử sức trong một vở kịch khó.

Giấc mơ người coi chim không phải là vở diễn đầu tiên mang màu sắc đương đại, nhưng nó tươi mới như cái cách mà người trẻ chơi nghệ thuật, là món ăn lạ mùa Noel cho khán giả yêu kịch và yêu những thể nghiệm.

TẠ ANH VŨ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm