Đạo diễn Ái Như: Cánh chuồn chuồn trong gió bão

04/03/2020 10:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu Hoàng Thái Thanh có một người phụ nữ đã chèo chống suốt 10 năm, dù mỏi mệt vẫn không chịu buông tay. Người phụ nữ vóc dáng bé nhỏ nhưng sức chịu đựng đến gan lì. Đó lá đạo diễn Ái Như - người suốt nửa đời người ngơ ngác đi tìm bóng thiên nga cho sân khấu…

Vở kịch 'Bên kia nửa đời ngơ ngác': Chuyển từ xung đột tình yêu sang sâu lắng tình người

Vở kịch 'Bên kia nửa đời ngơ ngác': Chuyển từ xung đột tình yêu sang sâu lắng tình người

Cảm xúc của "Nửa đời ngơ ngác" đã thôi thúc nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như muốn kể tiếp câu chuyện còn dang dở này, và "Bên kia nửa đời ngơ ngác" (kịch bản: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như) đã ra đời...

Tôi mê Ái Như từ lúc chị xuất hiện tại sân khấu 5B cách đây gần 30 năm, lúc nơi này còn gọi là Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm với sàn diễn nhỏ xíu, không máy lạnh. Khán giả đi xem cầm theo cây quạt, và những băng ghế gỗ ngồi đau cả mông, nhưng họ dường như quên hết, chỉ để trái tim mình thăng hoa cùng nghệ sĩ.

Từng bán thuốc lá để tồn tại

Ái Như đóng trong vở Cô Ê-lê-na thân yêu, tôi còn nhớ chị và Khánh Hoàng vào vai những cô cậu học trò tinh nghịch, hai người đấu nhau trên cái bàn gỗ và khán giả thì cười bò lăn bò càng. Câu chuyện học đường thấm thía nhân văn, vượt cả biên giới ngoại quốc để sang Việt Nam đồng cảm cùng xã hội Việt Nam. Ái Như lúc ấy vóc dáng nhỏ bé, lại có gương mặt tròn vo mũm mĩm, trông hồn nhiên đáng yêu lắm. Và chị đã cùng một thế hệ Thành Lộc, Thanh Hoàng, Hồng Vân, Hồng Đào, Quốc Thảo, Minh Phượng, Minh Trang, Hữu Châu, Việt Anh… làm nên một 5B lẫy lừng.

Nhưng con đường của Ái Như không hẳn suôn sẻ. Chị tình cờ rẽ vào sân khấu như một nợ duyên tiền kiếp, rồi chia xa, rồi tái hợp, rồi chèo chống, vinh quang. Trong một đêm mưa trú dưới mái hiên Trường Sân khấu Điện ảnh, có cô bé đang luyện thi đại học tình cờ trông thấy tờ giấy A4 tuyển sinh dán trên bảng thông báo bị mưa tạt ướt nhẹp, thế là cô bé đi “thi đại”. Ai ngờ lại đậu. Nhưng mới học vài tháng thì mẹ bắt Ái Như về làm hồ sơ chuẩn bị xuất cảnh theo gia đình. Ái Như đau đớn giã từ ngôi trường mà dù mới bén duyên đã thấy yêu thương đến lạ lùng…

Ái Như kể: “Tôi khóc rất nhiều, không dám cho mẹ biết. Tôi linh cảm đời mình không thể sống thiếu sân khấu, nhưng lúc đó cảm giác ấy cứ lờ mờ thôi. Rồi cũng nghe theo lời mẹ, nghỉ học. Rốt cuộc không đi xuất cảnh mà lại… đi lấy chồng. Sau đó là những năm tháng chạy chợ nuôi con kinh khủng trong thời bao cấp. Nói thiệt, có lúc tôi đã phải bán thuốc lá. Mà cái chất của mình hình như không buôn bán được, cứ khờ khờ thế nào. Bán mà chẳng thấy lời lãi bao nhiêu, chỉ vất vả lẫn hồi hộp, cho nên chồng tôi kêu nghỉ luôn đi, để anh ấy xoay sở. May sao, có người nhờ tôi dàn dựng tiết mục cho văn nghệ quần chúng, vậy là trở lại sàn diễn”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Ái Như

Hồi sinh

Thập niên 1980, phong trào văn nghệ quần chúng rất sôi nổi, nghệ sĩ Thanh Hoàng là bạn học sân khấu với Ái Như, đã tốt nghiệp ra trường, nổi lên là một người viết lẫn dựng rất mát tay. Ái Như cũng lọt vào mắt xanh của các đơn vị, chị say mê làm, như được hồi sinh.

Chị cũng hơi ngạc nhiên về bản thân mình: “Hồi tôi mới vô trường học vài tháng mà mấy bạn sinh viên cứ nhờ dựng tiểu phẩm hoài tưởng như mình là “đạo diễn thứ thiệt” vậy. Rồi lúc làm văn nghệ quần chúng, thiệt tình tôi chưa có cái bằng cấp nào hết, nhưng không hiểu sao cứ được tin cậy giao việc, và đoạt nhiều giải thưởng. Chắc cái số tôi là làm đạo diễn thật rồi”.

Và chị biết ơn một người đã động viên chị đi học trở lại để lấy bằng chính quy đàng hoàng. Đó là anh Hai Thanh, cán bộ Sở Văn hóa Thông tin. Anh tiếc cho một tài năng, cứ bảo Ái Như đi học lại, và chính tay anh mua bộ hồ sơ cho chị đăng ký. Chồng chị cũng động viên vợ đi học, chuyện gia đình để anh lo.

Vậy là 1987, Ái Như thi lại, và đậu ngay. Khi ra trường, chị về sân khấu nhỏ 5B luôn, và cho mãi đến bây giờ vẫn tri ân anh Hai Thanh cùng người chồng đã nâng bước cho mình. Chị còn cảm ơn một “đàn anh” nữa chính là Thành Hội, vì anh đã thẳng thắn chỉnh sửa cho chị về chất giọng. Ái Như gốc người Huế nên chị lên sân khấu với giọng nói khiến Thành Hội phải góp ý: “Em ơi, giọng em Nam không ra Nam, Bắc không ra Bắc, Huế cũng không ra Huế, khó chịu quá đi. Em phải sửa mới mong thành công”. Thế là Ái Như phải tập giọng Nam đến vất vả, thậm chí về nhà cũng bảo các con: “Mẹ tập giọng Nam, các con đừng ngạc nhiên nha”. Nhưng chồng và lũ trẻ cứ ôm mặt cười khúc khích. Nhưng riết rồi quen, cả nhà bỗng nói được cả tiếng Huế và tiếng Nam luôn.

Ái Như còn được Thành Hội chỉ dẫn thêm nhiều chuyện nghề sân khấu, và chị trưởng thành thật nhanh.

Chú thích ảnh
Ái Như vai cô y tá vui tính và Trí Quang vai bác sĩ Kobasi trong vở “Mùa đông cuối cùng”. Ảnh: H.K

Làm cánh chuồn chuồn

Sau nhiều năm đi diễn và dựng cho sân khấu 5B, IDECAF, thì NSƯT Thành Hội và Ái Như tách ra xây dựng sân khấu cho riêng mình tên là Hoàng Thái Thanh, lấy biểu tượng là con chuồn chuồn. Hình ảnh con chuồn chuồn mỏng manh rất đẹp, và còn mang ý nghĩa là dù hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào đi nữa nhưng nếu còn đôi cánh thì nó vẫn còn bay. Đôi cánh ấy là mặt bằng biểu diễn và khán giả.

Ái Như nói: “Tôi cảm ơn Trung tâm văn hoá Q.10 đã ưu ái về mặt bằng, và cảm ơn khán giả đã kiên trì mua vé. Có người mua vé xem vở Nửa đời ngơ ngác Hãy khóc đi em đến mấy chục lần. Họ thuộc lòng lời thoại luôn. Thương vậy làm sao mà chúng tôi bỏ được”.

Quả thật suốt 10 năm, Ái Như đã làm một cánh chuồn chuồn bay không mỏi mệt. Viết kịch bản, diễn, dựng, quản lý, đối ngoại đối nội gì chị đều gánh vác với Thành Hội, thậm chí còn tỉ mỉ hơn nữa. Chị bảo mình là phụ nữ nên tỉ mỉ vậy thôi. Và cũng chính chất phụ nữ ấy đã giúp các vở diễn của Hoàng Thái Thanh chính xác và tinh tế từng chi tiết, nhất là những chi tiết tâm lý phức tạp.

Công bằng mà nói, tất cả vở diễn của Hoàng Thái Thanh đều nằm trong chuẩn mực, dù khán giả khó tính cách mấy cũng không thể bắt bẻ. Sự chuẩn mực rất đáng quý giữa thời buổi thị trường lên ngôi, người ta dễ chao đảo, dễ đi tìm những thứ thời thượng, tào lao, miễn sao hốt bạc là được, mau nổi danh là được.

Ái Như nói: “Hồi đi học, thầy cô đã dạy chúng tôi câu: Hãy để đôi giày bẩn của bạn bên ngoài thánh đường sân khấu. Tôi lấy câu đó làm phương châm suốt đời, luôn cố gắng xây dựng một sân khấu tử tế”.

Hai chữ tử tế 10 năm nay vẫn không sai lệch.

Nhưng không hiểu sao dù đã tử tế như vậy mà vẫn còn nhiều đêm vắng khách, nhiều suất phải bù lỗ? Ái Như thở dài: “Đôi khi tôi tự hỏi hay là mình đã lạc hậu, không theo kịp thời đại? Nhưng thôi, nghiệp dĩ cứ mang, mình không làm khác được”.

Và Ái Như tiếp tục giữ cho sân khấu tử tế của chị còn sáng đèn. Cánh chuồn chuồn dù mỏi mệt nhưng chưa phải đã đầu hàng, vẫn còn chấp chới giữa bầu trời xanh thẳm. Màu xanh của hy vọng. Hy vọng qua cơn khát của những thứ giải trí thời thượng thì người ta bình tĩnh quay về với những thánh đường nghiêm túc.

Hỏi đáp quá khứ - hiện tại - tương lai

“Thời nào thì cái máu sân khấu vẫn chảy trong người”

* Bây giờ cuộc sống chị ra sao? Chị có hài lòng không?

- Chồng con tôi đều ủng hộ cho sân khấu của tôi từ vật chất đến tinh thần. Đây là hậu phương vững chắc cho tôi tìm về nương tựa mỗi khi mệt mỏi. Hài lòng thì không hẳn, vì sân khấu còn khó khăn, nhưng lại hạnh phúc bởi mình có gia đình êm ấm và mình được làm nghề như lòng mình ao ước.

* Nếu bây giờ cho thời gian quay lại 10 năm trước, chị có dám thành lập sân khấu không?

- Dám chứ. Thời nào thì cái máu sân khấu vẫn chảy trong người, cũng sẽ nhào ra làm thôi. Mà nói thiệt, giờ tôi không làm sân khấu thì tôi cũng không biết làm nghề gì. Đã từng buôn bán rồi, thất bại hoàn toàn. Thôi, cứ vậy mà đi, chông gai cũng đi.

* Chị mong ước gì cho sân khấu hôm nay và tương lai?

- Tôi mong truyền thông tỉnh táo hơn trong lĩnh vực giải trí, đừng chạy theo những thứ dễ dãi. Thị hiếu cũng là thứ cần được rèn luyện, mình cho nó ăn món ngon hay dở thì nó sẽ quen với khẩu vị ấy. Thế hệ trẻ dễ bị lôi cuốn nhất, cho nên chúng ta nên cẩn thận.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm