"Cơm áo không đùa với khách thơ!"

17/09/2008 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Giữa thời buổi mà thơ hầu hết được in ra với số lượng khiêm tốn, chủ yếu là các tác giả tự bỏ tiền túi, thì việc được in thơ, có nhuận bút thơ và thơ được quảng bá tới công chúng thì đó là quả là mơ ước của người làm thơ. Thế nhưng, trong thời buổi kinh tế khó khăn, bài học từ giải thưởng thơ Lá Trầu không phải là một bài học vô nghĩa.

1. Khai mở cho xu hướng xã hội hóa các giải thưởng thơ, cần phải kể đến giải Lá Trầu. Đây có thể coi là giải thưởng văn học tư nhân đầu tiên dành cho các nhà thơ nữ do Quỹ Lời vàng Eva (Công ty phát triển truyền thông EVA) thành lập năm 2007. Năm đầu tiên, được sự tài trợ của công ty Nam Dược, Quỹ hỗ trợ xuất bản thành công 6 tập thơ và trao giải lần thứ nhất cho tập Bay lặng im của Trang Thanh. Giải thưởng trị giá 25 triệu đồng - một số tiền khá gây “sốc” cho giới sáng tác, khi mà giải thưởng của Báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt nam) cũng chỉ mới dừng ở mức trên dưới chục triệu đồng cho văn xuôi, và chỉ khiêm tốn ở mức chừng 5 triệu đồng cho thơ.
 
Giải thưởng Lá Trầu từng thổi một luồng gió mới vào đời sống văn học

Giải thưởng thơ Lá Trầu ra đời được coi như đã “đánh trúng” tâm lý của công chúng về các giải thưởng thơ chính thống đã và đang tồn tại – nhưng giải thưởng vừa ít tiền lại có phần ít tiếng vang. Công chúng cần có thêm những “thang chuẩn mực khác”, những cách đánh giá khác về các sáng tác xuất hiện rất đa dạng trong đời sống văn học sôi động hiện nay. Sự ra đời của một giải thưởng tư nhân, ít nhiều thực hiện được kì vọng đó.

Tuy nhiên, do gặp phải những khó khăn về tài chính, đặc biệt là nguồn tài trợ, sau một năm hoạt động khá rình rang, thu hút được sự quan tâm của báo giới và công chúng yêu thơ, Quỹ Lời vàng Eva buộc phải tạm thời ngưng trao giải thưởng Lá trầu (tuy vẫn tiếp tục hỗ trợ xuất bản các tập thơ nữ). Thông báo đột ngột này khiến không ít người cảm thấy bất ngờ và hẫng hụt bởi những hiệu quả/dư âm mà nó đã để lại trong đời sống văn học là rất đáng khích lệ. Chuyện “cơm – áo - gạo tiền” – rõ ràng không thể đùa.

Những ngọn triều nhục cảm của tác giả Đỗ Doãn Phương là tập thơ đầu tiên được chọn vào chung khảo giải thưởng thơ Bách Việt.
2. Tuy nhiên sự hẫng hụt của công chúng yêu thơ và của các nhà thơ – đã chót kì vọng vào sự tươi mới của các giải thưởng văn học phi chính thống đã lập tức được bù đắp. Tháng 4- 2008, Công ty cổ phần văn hoá Bách Việt chính thức công bố giải thưởng thơ mới mang tên Giải thưởng thơ Bách Việt. Khác với Lá Trầu - chỉ dành cho các nhà thơ nữ, giải thưởng thơ Bách Việt mở rộng biên độ cho mọi đối tượng, chỉ với điều kiện tác phẩm chưa từng được công bố. Sẽ có tác phẩm dành cho 5 tác giả có bản thảo đạt yêu cầu được in ấn và giới thiệu trước công chúng. Một yếu tố cũng khiến giới làm thơ phấn chấn đó là trị giá giải thưởng này lên tới 30 triệu đồng.

Giữa thời buổi mà thơ hầu hết được in ra với số lượng khiêm tốn, chủ yếu là các tác giả tự bỏ tiền túi, thì việc được in thơ, có nhuận bút thơ và thơ được quảng bá tới công chúng thì đó là quả là mơ ước của người làm thơ. Trong buổi họp báo ra mắt tập thơ đầu tiên vào Chung khảo mới đây, tiết lộ của Ban tổ chức giải thưởng thơ Bách Việt khiến người ta phải “thót tim”. Đó là việc kiếm nguồn tài trợ để nuôi giải thưởng. Trước khi giải thưởng được chính thức công bố với báo giới, đã không ít nhà tài trợ hứa hẹn. Thế nhưng do ảnh hưởng của lạm phát, chi tiêu của các doanh nghiệp bị điều chỉnh theo hướng cắt giảm thì khoản hứa hẹn cho thơ – cũng dễ hiểu - lập tức bị xoá sổ . May sao, nhờ có mối quan hệ cộng với sự nhiệt tình giúp đỡ của một cộng tác viên, sau đó giải thưởng thơ Bách Việt cũng kiếm được tài trợ để duy trì cho hoạt động chấm và trao giải của năm 2008. Thế nhưng câu hỏi vẫn treo lơ lửng trên đầu nhà tổ chức và những ai quan tâm, đó là: nếu năm 2009 lạm phát vẫn còn, tài trợ cho thơ không có, giải thưởng sẽ “đi đâu về đâu?” Rồi những năm sau đó? Việc dừng lại của Lá Trầu là một thực tế nhỡn tiền.

Rõ ràng nhiệt huyết của nhà tổ chức thì luôn tràn đầy, thế nhưng bài toán về kinh tế là điều mà họ không thể không tính đến. Bởi vậy, trong lời phát biểu của mình, ông giám đốc công ty Bách Việt đã khá dè dặt khi tuyên bố: không có tài trợ, giải thưởng thơ Bách Việt vẫn sẽ cố gắng duy trì bằng chính nguồn lực của công ty trong việc trao giải và chi phí cho BTC, HĐGK để giải thưởng thơ Bách Việt trở thành giải thường niên trong đời sống văn học.

Rõ ràng “cơm áo không đùa với thơ ca”. Khi thơ ca phải buộc ngồi lên “bàn cân” để suy tính với các nhu cầu khác thì nó lập tức bị/được cắt giảm.

Hồ Điệp

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm