Chuyện các bảo vật quốc gia nhìn từ 'ngôi đình đệ nhất Kinh Bắc'

28/03/2020 08:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bắc Ninh nổi tiếng là địa phương có mật độ di tích, danh lam thắng cảnh dày đặc, còn lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia. Vừa qua, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Quyết định số 88/QĐ-TTg công nhận 27 bảo vật quốc gia, trong đó Bắc Ninh có thêm hai bảo vật là Cửa võng đình Diềm đang được lưu giữ tại đình làng Diềm và 12 Bia Tiến sĩ được lưu giữ tại Văn Miếu Bắc Ninh (cùng ở thành phố Bắc Ninh).  Tỉnh Bắc Ninh đang tích cực bảo tồn, phát huy giá trị các bảo vật quốc gia.

Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Cửa võng đình Diềm ở Bắc Ninh

Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia Cửa võng đình Diềm ở Bắc Ninh

Bức Cửa võng đình Diềm, hiện được lưu giữ tại đình làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh được làm bởi chất liệu gỗ từ năm 1692 là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc của nền nghệ thuật tinh hoa thời Lê Trung Hưng.

Độc đáo Cửa võng đình Diềm

Đình làng Diềm hay còn gọi là đình làng Viêm Xá, được xây dựng vào năm 1692. Đây là một trong những ngôi đình thuộc hàng “đệ nhất Kinh Bắc”. Qua thời gian, ngôi đình vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có, trong đó tiêu biểu nhất là bức cửa võng mang giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa không nơi nào có được.

Bức cửa võng được làm bởi chất liệu gỗ có khung niên đại trùng với thời gian xây dựng đình là một kiệt tác nghệ thuật chạm khắc, minh chứng cho nền nghệ thuật tinh hoa thời Lê Trung Hưng. Mỗi tầng của cửa võng được chạm khắc cầu kỳ, tinh tế với nhiều hình khối biểu tượng tứ linh Long - Ly - Quy - Phượng và những đề tài mang tính chất nhân sinh cao đẹp, đề cao cuộc sống con người lao động, tinh thần dân chủ cũng như khát vọng phồn thực, mong muốn sự sinh sôi nảy nở của con người trong cuộc sống…

Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, Thủ từ tại đình làng Diềm: Bức cửa võng đình Diềm có chiều cao 7m, rộng gần 4m, chạy dài từ thượng lương (đỉnh đình) đến nền đình, được chia làm 5 tầng. Mỗi chi tiết nhỏ đều được trang trí tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Mặc dù 5 tầng cửa võng được trang trí chủ đề khác nhau, phân ra các tầng, mảng riêng nhưng tạo thành mối liên kết hài hòa, uyển chuyển.

Tầng trên cùng bức cửa võng nằm ở độ cao 6,5 - 7m tính từ dưới lên được chạm thủng với các chủ đề rồng chầu mặt trời, trên lưng rồng là cô gái đang múa rất duyên dáng. Người dân trong vùng gọi là “vũ khúc tiên”. Tầng thứ hai nằm ở độ cao từ 5,7 - 6,5m được xếp theo bố cục phía trên có 3 lớp diềm lá sồi chạm thủng, phần giữa chia 3 khoang lớn. Các cột khoang chạm lộng hình tượng rồng. Tại vị trí 3 khoang lớn tạc thành các cửa khám sâu dần để lộ hình rồng và mây. Chính giữa mỗi cửa khám là hình ảnh tượng đầu thiếu nữ. Đây là một phong cách sáng tạo dân gian đặc sắc, trong khi chế độ phong kiến luôn hà khắc và hạ thấp vai trò của nữ giới trong xã hội, các tượng đầu thiếu nữ được chạm tại đây ngoài biểu tượng cho tiên nữ, còn có thể hiểu đó chính là vẻ đẹp của người con gái làng Diềm được tôn vinh, ngự trên đỉnh cao nơi linh thiêng đình làng - ông Bích nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Tầng thứ 4 bức Cửa võng đạt đến trình độ cao của nghệ thuật sơn son thiếp vàng. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Tầng thứ ba bức cửa võng nằm ở độ cao 5 - 6,5m, tính từ dưới lên gồm có 3 lớp. Trong đó lớp 1 và lớp 3 chạm thủng mây lá cách điệu, còn lớp 2 chạm thủng mắt võng có bờ diềm hình cánh sen. Độc đáo nhất trong bảo vật này ở tầng thứ 4. Nằm ở độ cao từ 2,8 - 5m, bức cửa võng đạt được đến đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc kết hợp sơn son thiếp vàng. Các chi tiết gồm mây lá cách điệu, hình ảnh tứ quý, tứ linh và con người. Hai trụ khoang này là bức tranh hoàn chỉnh và sinh động, ghi lại chân thực những cảnh tượng ở nông thôn…

Tầng thứ năm nằm ở vị trí từ 2,8m xuống tới nền đình, tạo thành diềm của chiếc cửa cấm. Diềm cửa cấm có 3 phần, phần trên bố cục ngang, 2 phần bên bố cục dọc. Phần diềm trên, chạm 1 đầu rồng lớn nhìn chính diện trông đường bệ, nghiêm trang và chạm khắc một người trên đầu rồng. Hai bên của chiếc đầu rồng này có 4 con rồng nhỏ. Phần diềm hai bên được chạm khắc với các đề tài phong phú như người, thú đan xen.

12 bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh

12 bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh hay còn gọi là “Kim bảng lưu phương” hiện được lưu giữ tại Văn Miếu Bắc Ninh, khu 10, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Tấm bia được làm bằng chất liệu đá, mỗi tấm bia có chiều cao 110cm, rộng 75cm, dày 9 cm được làm năm 1889.

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Phòng nghiệp vụ cơ sở - Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, thuyết minh viên tại Văn Miếu Bắc Ninh, toàn bộ nội dung 12 bia Tiến sĩ Văn Miếu Bắc Ninh được ông Đỗ Trọng Vĩ (1829-1899), là quan Đốc học tỉnh Bắc Ninh sưu tầm, đối chiếu từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Tấm bia ghi thông tin 678 vị đỗ đại khoa và các danh nhân văn hóa khoa bảng nổi tiếng xứ Kinh Bắc từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến năm 1893 như: Lê Văn Thịnh, Lý Đạo Tái, Nguyễn Quán Quang, Đàm Thận Huy… cùng nhiều danh nhân khác từng giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy quyền lực của triều đình phong kiến.

Đây là nguồn tư liệu chân xác, đầy đủ, phản ánh bức tranh sinh động về chế độ đào tạo, tuyển dụng nhân tài Việt Nam và là nền tảng thúc đẩy đối với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, là cơ sở cho khuyến học, khuyến tài, phát huy truyền thống hiếu học trong các thế hệ tương lai. Điều độc đáo là bia Tiến sĩ lưu giữ một cách đầy đủ nhất những vị Tiến sĩ, danh nhân khoa bảng mà không tài liệu nào có được.

Ngoài giá trị văn hóa, 12 tấm bia còn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nội dung tấm bia khắc hoa văn rõ như rồng chầu mặt trời, thư pháp ghi lại danh sách các vị Tiến sĩ khắc trên bia đá, được viết bằng chữ Hán ghi nội dung như khoa thi, tên người, quê quán, chức tước, ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia… Nhờ vậy, mỗi tấm bia như một tác phẩm nghệ thuật thư pháp. Chữ viết trên bia, các hoa văn trang trí cùng phong cách tạo dáng bia đều mang dấu ấn của một thời kỳ lịch sử. Cho đến nay, phần lớn các hoa văn và văn tự vẫn còn rõ nét.

Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng từ thời Lê ở sườn phía Tây Bắc núi Châu Sơn thuộc địa phận phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Năm 1893, Văn Miếu được di dời về địa phận núi Phúc Đức, nay thuộc khu 10, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Công trình là nơi tôn thờ Khổng Tử, Tứ phối và các danh nhân khoa bảng của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh.

Hiện nay, Văn Miếu Bắc Ninh còn lưu giữ 15 tấm bia đá khắc ghi nội dung phản ánh về truyền thống hiếu học, trọng đạo lý của tiền nhân. Trong số này độc đáo nhất có 12 tấm bia đề danh Tiến sĩ dựng tại hai nhà tả vu, hữu vu vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.

Chú thích ảnh
Bia Tiến sĩ lưu giữ tại Văn miếu Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Bảo tồn và phát huy giá trị các bảo vật quốc

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, toàn tỉnh có 10 nhóm bảo vật quốc gia. Ngoài 10 nhóm bảo vật đã được công nhận, Bắc Ninh còn hơn 10 nhóm bảo vật quý, xứng tầm bảo vật quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Di sản văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Từ khi được công nhận nhóm bảo vật quốc gia đầu tiên năm 2012, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị bảo vật. Cụ thể, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quy chế phân cấp quản lý các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Những bảo vật quốc gia nằm trong di tích quốc gia đặc biệt do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh quản lý. Đối với những bảo vật nằm trong di tích quốc gia ở các huyện do ủy ban nhân dân huyện nơi có di tích quản lý. Đặc biệt, mỗi điểm di tích tiêu biểu của tỉnh đều bố trí cán bộ làm nhiệm vụ thuyết minh, giới thiệu di tích, trong đó có các bảo vật.

Năm 2019, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh xuất bản cuốn sách "Bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh". Cuốn sách được dựng trên cơ sở kế thừa cuốn "Hiện vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh". Cuốn sách đã khái quát nội dung cơ bản, với thành quả công tác sưu tầm, nghiên cứu của 8 nhóm bảo vật quốc gia (chưa có 12 bia Tiến sĩ va Cửa võng đình Diềm). Cuốn sách đã cung cấp cho độc giả những tư liệu quý về bảo vật tỉnh Bắc Ninh. Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh có nhiệm vụ phục dựng lại các bảo vật quốc gia trưng bày tại bảo tàng.

Đối với công tác bảo tồn, bảo vệ bảo vật quốc gia, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với ngành chức năng, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập phương án bảo vệ, đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý văn hóa, Công an và chính quyền sở tại (nơi có di tích đang được lưu giữ bảo vật quốc gia) trong việc bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia, không giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích. Mỗi điểm có bảo vật đều bố trí camera theo dõi an ninh.

Với mỗi loại chất liệu bảo vật, ngành văn hóa sẽ chỉ đạo các cơ quan thực hiện việc bảo quản đặc biệt, có báo cáo định kỳ về tình trạng kỹ thuật bảo vật quốc gia. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện số hóa các di tích, hiện vật, trong đó có các bảo vật. Việc này không chỉ giúp quá trình quản lý bảo vật mà thông qua những tư liệu đó góp phần quảng bá tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, ông Nguyễn Văn Đáp chia sẻ thêm.

Đối với 2 bảo vật vừa được công nhận, ngoài giải pháp của tỉnh, ở địa phương cũng có những cách làm riêng để phát huy giá trị các bảo vật. Những người hiểu giá trị bảo vật đều tuyên truyền cho con cháu thấy được cái hay, cái đẹp, để từ đó có phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị.

Riêng với 12 bia tiến sĩ tại Văn Miếu Bắc Ninh, những năm qua, ngành văn hóa tỉnh đã tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề, tìm hiểu truyền thống khoa bảng, tổ chức cuộc thi vẽ tranh, cuộc thi em yêu quê hương…cho đông đảo học sinh và người dân. Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá bảo vật, nhất là phối hợp các nhà trường tổ chức cuộc thi tìm hiểu thống lịch sử, văn hóa quê hương nhằm phát huy truyền thống hiếu học vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Thanh Thương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm