Cho trẻ vui chơi, giải trí thế nào giữa dịch Covid-19?

17/02/2020 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mục "Xem nghe thấy đọc" tuần này tiếp tục vắng bóng những sự kiện bởi dịch Covid-19 (nCoV). Thiếu nhiều hoạt động văn hoá, giải trí cho trẻ em, trong khi thời gian mà học sinh được nghỉ học cũng khá dài, làm dấy lên nhiều lo ngại…

Diễn biến thú vị của văn hóa đọc 2019

Diễn biến thú vị của văn hóa đọc 2019

Nếu muốn nhìn lại văn hóa đọc cả năm 2019 sẽ là điều bất khả, vì câu chuyện này quá rộng lớn. Nhưng nếu chỉ nhìn một hai mảng nhỏ, ví dụ ở đây là sách tư tưởng - triết lý - nghệ thuật sống, ta sẽ thấy những điều rất mới mẻ và thú vị.

Lo ngại bởi các em, các cháu ở nhà, trong lúc nhiều bậc phụ huynh vẫn phải đi làm việc, không ai quản lý, nhiều thời gian rảnh rỗi đó rất dễ để các cháu “sa đà” vào game online hoặc những clip vô bổ trên Youtube... Tuy rằng, một số trường học vẫn gửi đề cương hướng dẫn ôn tập hoặc tổ chức các buổi học trực tuyến cho học sinh, nhưng về cơ bản, thời gian rảnh rỗi của các em ở nhà vẫn rất nhiều, không dễ gì lấp đầy "khoảng trống" ấy!

Hiện nay, các rạp chiếu phim vẫn hoạt động, nhưng vì dịch Covid-19 (nCoV) cần phải hạn chế “tụ tập đông người”, nên cũng ít học sinh chọn rạp phim để tiêu khiển trong những ngày rảnh rỗi. Xem các chương trình trên tivi, có lẽ là an toàn về sức khỏe hơn cả. Nhưng hiện nay cũng chỉ có kênh VTV7 là có những chương trình dành cho lứa tuổi mầm non. Còn thiếu nhi thì có kênh HTV3. Tuy nhiên, xem tivi cũng là một trong nhiều giải pháp, trẻ không thể xem tivi suốt ngày.

Vì vậy mà cần có nhiều hoạt động có thể tiến hành tại gia đình dành cho các em học sinh trong thời gian khá dài được nghỉ học này?

Nhà thơ Huy Hoàng, tác giả tập thơ kỹ năng sống Quà cho con chia sẻ: “Tôi có 2 cháu gái, 1 học cấp 2 và 1 học cấp 1. Từ khi biết các cháu được nghỉ học kéo dài, tôi đã “lên lịch” cho các cháu để, thứ nhất là tránh các cháu “ngủ nướng”, sau đó là để các cháu có những sinh hoạt hàng ngày như đọc sách - cháu lớn thì đọc sách kỹ năng sống, lịch sử; cháu nhỏ thì đọc truyện tranh là chủ yếu rồi đọc thơ, luyện viết chữ đẹp. Ngoài ra còn có những giờ hướng dẫn tập thể dục, chơi trò chơi, làm bài tập… Nói chung là hoạt động cả về thể chất lẫn tinh thần.

Chú thích ảnh
Đọc sách giúp trẻ em phát triển một cách toàn diện

Đặc biệt, tôi khống chế thời gian sử dụng smartphone, iPad mỗi ngày chỉ độ 30 phút, đồng thời hướng dẫn cho các cháu xem Youtube với những nội dung hữu ích, tránh các cháu sa đà vào chơi game”.

Nhạc sĩ Minh Châu, người từng làm giám đốc âm nhạc cho nhiều chương trình, trong đó có Vietnam Idol, anh cho rằng: “Thời gian các cháu học sinh nghỉ học, chủ yếu là ở nhà, hiếm khi đi ra ngoài. Các phụ huynh nên động viên các cháu thực hiện việc rèn luyện những kỹ năng như: tập đàn, tập hát, tập vẽ, nếu có điều kiện thì trồng cây, bơi lội… những hoạt động mà bình thường chỉ diễn ra vào mùa Hè và những hoạt động này sẽ giúp cho các cháu không buồn chán trong những ngày nghỉ học, cũng là điều kiện giúp các cháu có thể không cần đến smartphone, mạng xã hội”.

TS Nguyễn Thị Hậu nói rằng: “Con cái tôi đã trưởng thành, nên bình luận về điều này e không được sát thực tế bằng các đồng nghiệp đang trực tiếp nuôi con nhỏ. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh xã hội, đây là một cơ hội để nhiều cha mẹ được gần gũi con cái bằng việc hướng dẫn chơi, đọc, xem, nghe… Tuy không chiếm đa số, nhưng thực tế cuộc sống cho thấy nhiều cha mẹ chưa thật gần gũi con cái của mình, vẫn nghĩ việc giáo dục là của nhà trường, nên chỉ cần đưa con đến trường là xong. Dịch xảy ra, mới thấy rằng nhiều gia đình không quá bận rộn như họ vẫn tưởng, họ vẫn đủ thời giờ cho con, sống cùng con cả buổi, cả ngày. Trước dịch, nếu có rảnh thì cũng đâu có dịp đi chơi với con, vì chúng phải đi học”.

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Thị Hậu

Nhà thơ Hạnh Ngộ chia sẻ: “Cha mẹ đi làm công chức ngày 8 tiếng thì có lẽ vất vả hơn do phải tìm người trông con, hoặc nếu con đủ lớn thì đưa đến chỗ làm luôn. Đến cơ quan, muốn để chúng ngồi yên thì vẫn phải cần đến iPad hoặc điện thoại thông minh, tìm vật thay thế không hề dễ. Đôi khi cha mẹ phải “dụ” con đọc hết quyển sách bằng cách thưởng cho đôi giày, hoặc món quà phù hợp.

Nói chung việc xem tivi hoặc điện thoại là khó tránh được hoàn toàn trong một ngày dài, nên mình cần chủ động đưa ra nhiều hoạt động và cả quy định giờ xem nữa. Tôi cũng phải cùng con xếp lego, đọc truyện tranh, xem hoạt hình, làm việc nhà lặt vặt, tối thì kể chuyện…

Chú thích ảnh
Nhà thơ Hạnh Ngộ

Tránh cho một đứa trẻ khỏi sự nhàm chán không hề đơn giản, cũng nên cho trẻ ra khỏi nhà, tìm nơi thoáng mát, an toàn, có nhiều trò chơi. Cũng có thể hướng bé chơi với con em hàng xóm. Những vùng an toàn cũng không nên quá lo lắng vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe chung. Tôi ở chung cư, những ngày này bọn trẻ hàng xóm thân với nhau nhiều hơn, phụ huynh thì chia nhau ra giữ, chỉ cần một người là đủ theo dõi các bé chơi, còn lại lo việc riêng”.

Bình Minh - Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm