(TT&VH) - Mona Lisa là cái tên ấn tượng cho triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Bùi Thanh Tâm đang diễn ra tại Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Tràn ngập trong không gian nhà triển lãm là những khóe miệng cười hóm hỉnh. Dưới “góc nhìn bình thản” của Bùi Thanh Tâm, nàng Mona Lisa từ nghệ thuật Phục Hưng kinh điển lại mang nụ cười của những chú rối nước rất Việt Nam.
Họa sĩ Bùi Thanh Tâm |
1. Triển lãm Mona Lisa là kết quả của gần một năm trời sáng tác không ngừng nghỉ của Bùi Thanh Tâm. Sinh năm 1979, anh là một họa sĩ trẻ, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Mới chỉ tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009, anh đã bước những bước khá ấn tượng vào con đường nghệ thuật. Bùi Thanh Tâm tạo ra dấu ấn riêng biệt cho phong cách tạo hình bằng sự sáng tạo hóm hỉnh mà cũng rất bạo gan. Anh gán ghép gương mặt của những chú rối, chú tễu - vốn là những chàng hề của nghệ thuật dân gian cho mọi nhân vật trong tranh của mình. Từ những chân dung đời thường của một anh chàng hiện đại lái ô tô, của gia đình trẻ với vợ chồng và đứa con nhỏ... cho đến nhiều con người thuộc tầng lớp cao hơn của xã hội. Và đỉnh điểm là ở những hình tượng kinh điển của nghệ thuật hàn lâm. Nàng Mona Lisa bí ẩn của Tâm mang gương mặt hài hước. Đức Mẹ Maria của Tâm là bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên tay bế đứa trẻ đội mũ gắn sao vàng. Người ta bất ngờ khi xem tranh anh, bật cười khi thấy gì đó kỳ lạ và ngô nghê, nhưng cũng cảm thán trước suy tư đầy ý nhị mà anh giấu trong tác phẩm của mình. Các tác phẩm trong triển lãm Mona Lisa là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các vấn đề nóng hổi. Bùi Thanh Tâm đã khéo léo khi thể hiện hiện thực bằng cái nhìn rất siêu thực. Xem tranh anh giống như đi dạo chơi một vòng qua cuộc sống. Những điều ta đã mắt thấy tai nghe ngoài xã hội, tưởng như gay gắt vào đến đây cũng chỉ tóm lại bằng một nụ cười. Không có sự châm biếm cay nghiệt, cũng không quá kịch tính về đề tài, Bùi Thanh Tâm hướng cho người xem tới với một góc nhìn nhẹ nhàng, thản nhiên mà lại sâu sắc hơn nhiều. 2. Cách đây cả trăm năm, người ta đã vẽ Mona Lisa ngậm tẩu, hay thêm ria mép cho nàng. Nhưng Bùi Thanh Tâm không có ý định châm biếm hay phủ nhận nghệ thuật kinh điển bằng cách tạo ra những hình ảnh quái lạ như vậy. Thực chất, anh chỉ nhìn cuộc sống, nghệ thuật dưới con mắt của một “người điên” xa lạ mà Tâm tình cờ gặp: “Anh ta không bình thường về thần kinh sau một tai nạn, nhưng lại quan tâm, hiểu biết và thích thú nói chuyện một mình về mọi vấn đề của xã hội”. Thế giới của “người điên” đó đầy đủ và thậm chí còn rộng lớn hơn của chúng ta. Và Tâm muốn làm một “người điên” như thế trong nghệ thuật. Trong khi rất nhiều triển lãm quy mô dành cho sắp đặt và trình diễn được tổ chức gần đây, Bùi Thanh Tâm vẫn chọn trưng bày những tác phẩm tranh giá vẽ của mình. Là họa sĩ được đào tạo bài bản tại trường mỹ thuật, Tâm muốn vững bước nghiệp vẽ tranh mà mình đã chọn. Tranh của Bùi Thanh Tâm không hoành tráng, nhưng chỗ đứng của các tác phẩm này chắc hẳn sẽ không hề nhỏ bé. Hy vọng Tâm sẽ không làm khán giả thất vọng với lời hứa hẹn về một triển lãm hoàn thiện hơn vào năm sau.
Trần Hoàng Ngân