Phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội

24/11/2021 11:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Hội nghị Văn hóa 2021: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam

Hội nghị Văn hóa 2021: Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày tóm tắt Báo cáo và đưa ra những giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị Văn hóa 2021, sáng 24/11, phát biểu tham luận với chủ đề "Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

* Tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa

Ôn lại tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, cách đây 75 năm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, tại Phòng họp Diên Hồng - nơi đại diện cho tinh thần dân chủ, ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Việt Nam - trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ động phòng chống dịch COVID-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, Hội nghị văn hóa toàn quốc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, dù còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực, quyết tâm, ngành Văn hóa đã tập trung đổi mới tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, xác định quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp luật, cơ chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để “khơi thông nguồn lực” và “thúc đẩy sáng tạo”; tăng cường “củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa” nhằm tháo gỡ các rào cản chính sách, chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ, tự hạch toán có sự tài trợ một phần của Nhà nước, xây dựng cơ chế đặc thù với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa để giải phóng sức sáng tạo, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa. 

Trên tinh thần “tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ”, quá trình đổi mới thể chế theo hướng hội nhập quốc tế đã từng bước hình thành khung chính sách. Quốc hội đã ban hành các bộ Luật, Chính phủ ban hành các Nghị định để quản lý, phát triển văn hóa nhằm chuyển hóa các trụ cột tài nguyên văn hóa vốn vô cùng giàu có, phong phú như: Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, loại hình nghệ thuật đặc sắc, lễ hội mới và sự kiện, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, các danh nhân văn hóa, các cơ sở vật chất và không gian văn hóa thành sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam.

Sau 35 năm đổi mới, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống-lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm; tổ chức tốt hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Văn hóa đã có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập với nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”; “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”. Đại hội đã chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

"Đây là những quan điểm, nội dung quan trọng, xuyên suốt, có tính thế thừa và có nhiều điểm mới về phát triển văn hóa. Để Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải nâng cao nhận thức, xây dựng các Kế hoạch hành động cụ thể theo hướng xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người-xây dựng con người để phát triển văn hóa. Những quốc gia chuyển hóa tốt nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm trong mối liên kết với các trụ cột phát triển khác luôn là các quốc gia có nền tảng vững chắc để phát triển và hội nhập quốc tế, đồng thời có khả năng ứng phó linh hoạt, hiệu quả trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Theo đó, trong quá trình xây dựng và tiếp biến văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Với văn hóa, không có sự cao thấp, chỉ có sự đa dạng. Sức mạnh mềm của Việt Nam được thể hiện trước hết ở sức hấp dẫn, tỏa ra từ các giá trị văn hóa bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Chúng ta phải phát huy được những giá trị đó để tạo nên “thương hiệu” cho quốc gia, có sức thu hút thế giới bên ngoài, góp phần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới”.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức của ngày hôm nay chính là động lực thúc đẩy tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao, lựa chọn các giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. 

* Xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong tình hình mới

Ý thức sâu sắc được trách nhiệm về phát triển văn hóa mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó, thời gian tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để toàn ngành tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn. Giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 tập trung tham mưu, đề xuất xây dựng các dự án Luật, Nghị định thuộc lĩnh vực văn hóa. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Định hình hệ sinh thái văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc tham mưu, đề xuất xây dựng thể chế theo hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội chính là giải pháp căn cốt để hình thành hệ sinh thái có khả năng thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, tạo sự chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam ra thế giới nhằm gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, định vị “thương hiệu quốc gia”, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. 

Ngành Văn hóa tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm cộng đồng được phát triển năng lực sáng tạo; tập trung ưu tiên xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp và mỗi gia đình là những đơn vị văn hóa thực chất; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ. 

Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa; do đó, cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và hội nhập; xây dựng và phát huy lối sống "mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người", bởi, thước đo của sự phát triển văn hóa chính là sự phát triển con người. 

Cùng với đó, phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau. 

Đề xuất cần quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cho văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa của cộng đồng; đồng thời định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất. Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Bộ trưởng đề nghị, Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Mối quan tâm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước dành cho văn hóa, cùng sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn khắc sâu hơn ý thức trách nhiệm của mỗi trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà quản lý, những người thực hành văn hóa. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng, sau Hội nghị, văn hóa Việt Nam sẽ được đầu tư đúng mức, được phát triển trọng tâm, có những đột phá mạnh mẽ trong việc thúc đẩy năng lực sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, hình thành những giá trị tốt đẹp, có khả năng kết nối mạnh mẽ với các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và khoa học công nghệ để trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững.

TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.

Diệp Trương - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm