Bộ ấn phẩm 'Về' của nhà văn Đỗ Bích Thúy: 'Rừng ở đâu thì nhà Thúy ở đó'

16/04/2021 18:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy càng ngày càng nhận ra thứ mà chị có thể viết say mê nhất, da diết nhất, buồn bã và sung sướng nhất chính là đề tài miền núi. 20 năm, 21 cuốn sách chủ yếu viết về miền núi, mỗi cuốn sách ra đời như một hành trình Đỗ Bích Thúy được trở về với ngôi nhà thân yêu của mình nơi rẻo cao Hà Giang.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Khi miền rẻo cao 'hóa tâm hồn' lấp lánh trên trang viết

Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Khi miền rẻo cao 'hóa tâm hồn' lấp lánh trên trang viết

Đề tài miền núi là mảnh đất màu mỡ, neo người nhưng không phải cây bút nào cũng dám lựa chọn. Nhưng với Đỗ Bích Thúy thì khác, chị là “người con của núi”.

1. Vừa qua, tại Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy ra mắt bộ ấn phẩm Về gồm 4 cuốn sách (cả viết mới và tái bản): Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (tập truyện ngắn), Bóng của cây sồi (tiểu thuyết), Người yêu ơi (tiểu thuyết), Thương nhau như người thân (tản văn). 4 cuốn sách được xuất bản và phát hành bởi NXB Văn học và Công ty Văn hóa & Truyền thông Liên Việt.

Tại buổi ra mắt sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng, những câu chuyện trong sáng tác của nhà văn Đỗ Bích Thúy dường như “bị thống trị, bị quyến rũ” bởi đời sống văn hóa miền núi. “Những nhà văn thế hệ trước như Nam Cao, Kim Lân, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng… và sau này là Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư… tại sao họ lại viết về nông thôn, viết về miền núi hay đến như thế? Liệu những nhà văn trẻ thế hệ 8X, 9X có thể viết hay đến như thế không? Những nhà văn thế hệ trước họ sống trong một đời sống ở nông thôn ngay cả ở trong thành thị. Và những nhà văn thế hệ sau như Đỗ Bích Thúy lại khác. Họ chứa đầy ký ức về nông thôn, về miền núi cho dù đã trở về với đô thị để sống”.

Chú thích ảnh
Bộ sách “Về” gồm 4 cuốn sách “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Bóng của cây sồi”, “Người yêu ơi”, “Thương nhau như người thân”. Ảnh: NVCC

“Ngọn gió từ miền núi phía Bắc thổi về trong văn chương của Đỗ Bích Thúy làm cho đời sống bề bộn, nóng bức, nhộn nhạo của thành phố này một lúc nào đó sẽ dừng lại; và trong khoảnh khắc nhìn lên bầu trời, mọi người sẽ sống khác hơn” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều ví von.

Là một bạn văn đồng hành với nhà văn Đỗ Bích Thúy trong nhiều cuộc ra mắt sách, nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: “Tôi nhớ có một lần trò chuyện với Đỗ Bích Thúy, tôi đã lấy một câu trên Facebook của Đỗ Bích Thúy: “Rừng ở đâu thì nhà Thúy ở đó” để mở đầu. Trong hình dung của tôi, mỗi một lần viết về miền núi có lẽ Thúy cảm thấy như được trở về với ngôi nhà của mình, được uống nước trong những ấm đun ám khói, được sống một cuộc sống thực sự của mình.

Mỗi người vì những lý do khác nhau đến với nghệ thuật. Ban đầu có thể đến bằng niềm say mê, bằng sự mong muốn được mọi người biết đến, thậm chí đến để kiếm tiền cho cuộc sống. Nhưng để gắn bó lâu dài với một bộ môn nghệ thuật nào đó, dứt khoát phải có một niềm say mê lớn. Và niềm say mê lớn đó ai cũng dễ thấy trong Đỗ Bích Thúy. 20 năm 21 cuốn sách, một người phụ nữ từ vùng đất rất xa xôi đến với Thủ đô hoa lệ. Đỗ Bích Thúy đã sống đến tận cùng với từng phút giây, tất cả để phục vụ cho trang viết”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Đỗ Bích Thúy ký tặng sách. Ảnh: NVCC

2. Đỗ Bích Thúy thích sự giản dị và trong sáng của câu chữ tiếng Việt. Bởi thế, trong cuộc sống hay văn chương, tác giả Tiếng đàn môi sau bờ rào đá đều thích sự giản dị.Nhưng chị cũng nói rõ rằng, đó là sự cầu kỳ một cách giản dị. Để đạt được điều này cần sự tinh tế. “Cầu kỳ ở chỗ chọn chữ. Viết một câu văn cũng cần phải chọn một cách viết thật cẩn trọng. Không tùy tiện. Không ngẫu hứng”.

Đỗ Bích Thúy quan niệm: “Nhà văn càng cẩn trọng với câu chữ, càng hết sức với tác phẩm của mình, thì đó là cách tôn trọng chính bản thân và tôn trọng độc giả”. Chính bởi sự “hết mình với tác phẩm” mà dịp này, 4 tác phẩm của chị đã được làm đồng bộ, chỉn chu về mặt hình thức. Cả 4 cuốn đều được họa sĩ Lê Thiết Cương chăm sóc về mỹ thuật theo một tinh thần thống nhất với cuốn in trước đó - tập tản văn Tôi đã trở về trên núi cao, in năm 2019.

Chú thích ảnh
Ấn bản đặc biệt “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Ảnh: NVCC

Cũng trong lần xuất bản này, tập truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, ngoài 2.000 bản in thường còn có 100 bản đặc biệt được đánh số từ 1 đến100. Bản đặc biệt có các minh họa trên giấy dó của họa sĩ Lê Thiết Cương, các bản viết tay của tác giả.

Thay vì in, phần tranh bìa và tên tác giả, tác phẩm được thêu trên vải lanh, bọc bìa cứng. Bìa áo được in bằng giấy mỹ thuật chất lượng cao. Đây là một món quà đặc biệt được họa sĩ và nhà văn dành cho những bạn đọc có nhu cầu sưu tầm sách đẹp. Một phần tiền bán sách sẽ được chuyển thành quà tặng cho trẻ em miền núi, trong những dự án mà cả họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà văn Đỗ Bích Thúy đều đã dành nhiều tâm huyết trong những năm qua.

Chia sẻ dự án hợp tác với nhà văn Đỗ Bích Thúy, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Tôi đã làm bìa cho rất nhiều nhà thơ, nhà văn nhưng đây là lần đầu tiên làm một bộ sách 4 cuốn. Cái khó là phải có một ý tưởng chung. Tôi đã vẽ 4 bức tranh làm bìa cùng 1 khổ, cùng 1 chất liệu và mỗi bức tranh cũng chỉ có 2 màu. Màu đầu tiên là màu ghi đá gắn với nơi Đỗ Bích Thúy được sinh ra ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Mặt khác, tôi đã đọc rất kỹ 4 cuốn sách của Thúy, tôi cảm nhận được một “sinh quyển” của tấm lòng, của tình yêu thương bao trùm lên bộ sách nên tôi đã chọn màu thứ hai là màu trắng ngà, đó là một màu sắc đầy tình cảm bên trong”.

3. Theo tác giả Bóng của cây sồi, nhiều người quan niệm văn chương là một lao động quá nhọc nhằn và khổ sở. Nhưng lại không biết rằng, hạnh phúc nhất đối với người viết văn là sự hưng phấn. Đó là sự hưng phấn khi viết xong một tác phẩm. Một sự lao động hạnh phúc.

Nhưng đôi khi sự hưng phấn đó để lại những cảm giác mang màu sắc tiêu cực. Thật vậy, nhà văn Đỗ Bích Thúy nhớ lại: “Có lần viết, tôi đã để nhân vật của mình chết bằng cách nhảy xuống vực sâu tự tử, trong khi ở phim trước đó, nhân vật không chết. Viết xong trong đêm đến 2h sáng, tôi đã phải bỏ máy tính sang một bên và ngồi trong trạng thái nước mắt chảy ra không ngừng. Tôi có cảm giác như vừa tước đoạt một sinh mạng. Sau đó tôi đã phải dừng cuốn sách mất vài ngày mới có thể viết tiếp”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Đỗ Bích Thúy tại buổi giao lưu ra mắt sách. Ảnh: V.T.S

Hơn thế, “có những cuốn sách khi viết xong, tôi rơi vào trạng thái mất hết mọi cảm xúc, người như nặn từ sáp. Không thấy vui. Không thấy buồn. Cũng không ngủ được. Không có cảm giác ăn uống. Những trạng thái đó kéo dài khoảng 3 - 5 ngày, thậm chí là 1 tuần. Viết xong 1 cuốn sách bao giờ tôi cũng lăn ra ốm một trận. Có lần tôi kể chuyện này với họa sĩ Lê Thiết Cương anh bảo: Chuyện đương nhiên, nghệ sĩ nào cũng như thế, làm việc kiệt sức sẽ lăn ra ốm, có sức lực bao nhiêu dồn hết vào tác phẩm kiểu gì cũng ốm”.

Sau 20 năm “cày xới trên thửa ruộng ít người đi qua”, cuộc ra mắt sách vừa qua đối với nhà văn Đỗ Bích Thúy như một cách để “nhìn lại một quãng đường không ngắn cũng chưa quá dài đối với một người “lao động tỉnh lẻ”, khá vất vả nhưng đầy những háo hức, hứng khởi ở chốn kinh kỳ”.

“Chuyển thể” tiểu thuyết từ kịch bản điện ảnh

Tiểu thuyết Người yêu ơi được viết sau khi tác giả đã hoàn thành kịch bản điện ảnh cùng tên, đang chờ được đưa vào sản xuất. Việc viết tiểu thuyết sau khi viết kịch bản dường như là một việc làm “ngược” so với thông lệ.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng, viết cái gì trước cái gì sau không quan trọng. Quan trọng là ở mỗi thể loại chị có thể thực hiện những ý đồ khác nhau. Có những điều chỉ kịch bản làm được, có những điều chỉ văn học làm được. Và đó là lý do mà đã có kịch bản điện ảnh rồi chị vẫn muốn viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết mới có thể thỏa mãn nhiều ý đồ khác của nhà văn mà kịch bản thì không thể.

“Thương nhau như người thân”

Thương nhau như người thân là tập tản văn, tùy bút - thể loại mà Đỗ Bích Thúy rất đắm đuối. Tập sách gồm nhiều bài viết được tác giả ghi lại sau những chuyến đi, sau những cuộc gặp gỡ, hoặc chỉ là sự cảm nhận giản dị trong trạng thái điềm tĩnh về cuộc sống. Cuốn sách này không chỉ có các bài viết mà còn in kèm rất nhiều những bức ảnh do tác giả chụp.

Thái Gia Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm