Bê bối cổ vật ở Bảo tàng Cố cung

10/08/2011 14:47 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bảo tàng Cố cung trong Tử Cấm Thành của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của công luận trong thời gian gần đây sau khi nhiều vụ việc thiếu minh bạch ở Bảo tàng bị phát lộ.

Hồi tháng 5, một cư dân mạng là Xiangjiang Yuyin “tố” rằng, Bảo tàng Cố cung đã mua 5 bức thư đời Tống (960-1279) trong một cuộc đấu giá hồi năm 1997 rồi năm 2005 họ đem đấu giá, được lãi cao gấp 3 lần.

Vụ bê bối quanh 5 bức thư đời Tống

Nhưng hôm 7/8, Sở Di sản văn hóa Bắc Kinh tuyên bố Bảo tàng Cố cung không làm như vậy. Một quan chức của Sở cho biết, cơ quan này đã thẩm định và phê chuẩn tất cả các món đồ được đấu giá trong cả 2 cuộc đấu giá năm 1997 và 2005.

Trước đó, hôm 6/8, Feng Nai’en, người phát ngôn của Bảo tàng Cố cung cũng khẳng định với tờ China Daily rằng: “Năm 1997, Bảo tàng Cố cung không hề mua 5 bức thư đời Tống. Nhưng sau khi nhận được thông tin phản hồi, các nhà chức trách của Bảo tàng đã xúc tiến điều tra để có được câu trả lời sớm nhất tới công chúng”.

1 trong 5 bức thư đời Tống (960-1279) bị cho là nằm trong vụ
“mua đi bán lại” của Bảo tàng Cố cung để kiếm lời

Thế nhưng, lời khẳng định của người phát ngôn lại “tréo ngoe” với những gì đã được ghi rõ trong cuốn sách 80 năm Bảo tàng Cố cung do chính Bảo tàng biên soạn: “Bảo tàng Cố cung đã mua 5 bức thư đời Tống từ Công ty Ltd Đấu giá Hanhai Bắc Kinh được tổ chức vào ngày 18/6/1997”.

Thông tin tương tự cũng được tìm thấy trên website của Bảo tàng và website của công ty đấu giá. Khi được hỏi về vụ việc này, công ty đấu giá miễn cưỡng trả lời: “Chúng tôi không thể tiết lộ danh tính của các khách hàng vì theo luật pháp những thông tin đó phải được bảo mật”.

Nếu đúng là Bảo tàng Cố cung đã làm như vậy thì tức là họ đã vi phạm Luật Bảo vệ Di sản văn hóa của Trung Quốc, trong đó quy định rõ: Các bảo tàng không được phép bán bất cứ đồ vật gì trong các bộ sưu tập của mình. Các bảo tàng phải báo cáo với các nhà quản lý di sản bất cứ di sản quý (cấp một) nào bị hư hại.

Vụ việc này cũng được ghi lại trong cuốn nhật ký của Pei Guanghui, một người am hiểu về di sản văn hóa. Trong cuốn nhật ký, ông Pei viết rằng Bảo tàng Cố cung đã mua 5 bức thư với giá 6,62 triệu NDT (1,06 triệu USD) hồi năm 1997 và năm 2005 đã bán chúng với giá gần 22,9 triệu NDT. Ông Pei cho biết, ông có được những thông tin này từ những người bạn làm việc tại Bảo tàng và từ cả sự tìm hiểu của riêng ông.

“Làm sao Bảo tàng Cố cung lại có thể bán lại những bộ sưu tập quý giá của mình sau khi họ đã mua chúng cách đó 8 năm?” - ông Pei ghi trong cuốn nhật ký và còn liệt kê chi tiết 5 bức thư đó.

Làm hỏng cổ vật

Đây là vụ bê bối bị phát giác gần đây nhất tại Bảo tàng Cố cung. Trước đó, Bảo tàng này cũng đã trở thành tâm điểm của báo giới khi có thông tin nói rằng họ đang cố gắng biến Cung Jianfu thành một câu lạc bộ dành cho các tỷ phú và từng bị chỉ trích vì cố gắng che đậy vụ làm vỡ một chiếc đĩa bằng sứ đời Tống rất quý giá và 4 vụ làm hỏng các di sản quan trọng khác.

Hôm 31/7, Bảo tàng Cố cung thừa nhận, chiếc đĩa 1.000 năm tuổi trong bộ sưu tập đồ sứ vô giá của Bảo tàng đã vô tình bị vỡ trong một cuộc nghiên cứu khoa học. Chiếc đĩa này là một kiệt tác từ đời Tống.

Tuy nhiên, Bảo tàng Cố cung chỉ “thú nhận” vụ việc này sau khi một cư dân mạng tên là “Longcan” đã “tung” sự kiện này trên trang blog cá nhân vào ngày 30/7. Sau đó, người này lại tiếp tục “khơi” ra 4 vụ làm hỏng các di sản quan trọng khác sau khi biết được thông tin này từ một người làm việc trong bảo tàng. Anh viết: “Năm 2006, họ đã làm hỏng chiếc bùa có niên đại từ đời Minh (1368-1644) và năm 2008 là một bức tượng Phật”.

Nhân viên thiếu nghiệp vụ

Giáo sư Pan Shouyong thuộc trường ĐHTH Minzu, cho rằng các vụ việc xảy ra tại Bảo tàng Cố cung là do bảo tàng thiếu các nhân viên có nghề. Theo kết quả điều tra của giáo sư Pan, năm 2008 và 2009, gần 90% nhân viên bảo tàng ở Trung Quốc không có bằng đại học và rất ít trong số họ đã được đào tạo qua các khóa học liên quan đến bảo tàng. Theo ông, các nhân viên bảo tàng phải có kiến thức chuyên ngành về trưng bày và bảo quản các di sản văn hóa, do đó những người không được đào tạo về nghiệp vụ thì không thể làm công việc này một cách hiệu quả.

Có lẽ vì lý do đó mà năm 2010 Cục Di sản văn hóa Trung Quốc đã kêu gọi thiết lập hệ thống đào tạo chất lượng nghề nghiệp cho nhân viên trong các bảo tàng ở nước này. Các bảo tàng Trung Quốc hiện có 59.900 nhân viên, nhưng chỉ có 4,5% trong số họ là có nghiệp vụ và 13% có bằng trung cấp.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm