Văn hóa “vươn mình” trong kỷ nguyên mới (Bài 9): Phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng sở hữu trí tuệ

01/02/2025 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Từ âm nhạc, điện ảnh, văn học, nghệ thuật đến thiết kế, trò chơi điện tử, du lịch và các sản phẩm truyền thông, công nghiệp văn hóa là nơi hội tụ của sự sáng tạo, đổi mới và nâng cao giá trị tinh thần. Để phát triển, học hỏi, sáng tạo mà vẫn giữ bản sắc; để truyền bá được rộng rãi mà vẫn kiểm soát được chặt chẽ thì chỉ có thể nhờ vào công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo PGS-TS Lê Ngọc Tòng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tác giả Giáo trình Kinh tế học Văn hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là công cụ pháp lý quan trọng nhất giúp cho các chủ thể thu được các lợi ích kinh tế và bảo vệ các sản phẩm của mình khỏi việc sử dụng trái phép.

Công cụ pháp lý quan trọng nhất

"Mỗi khi một tác phẩm ra đời, pháp luật cho phép các tác giả và chủ sở hữu các tác phẩm ngay lập tức bảo vệ quyền lợi của họ, giúp họ có toàn quyền kiểm soát sản phẩm từ hoạt động sáng tạo mà không phải thông qua bất kỳ thủ tục nào, bao gồm quyền quyết định cách thức, thời điểm và nơi mà tác phẩm có thể được công bố và sử dụng, khai thác giá trị thương mại và đồng thời ngăn chặn bất kỳ bên thứ ba nào khai thác mà không được phép" - PGS-TS Lê Ngọc Tòng phân tích.

Báo Xuân - Văn hóa “vươn mình” trong kỷ nguyên mới (Bài 9): Phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng sở hữu trí tuệ - Ảnh 1.

Micheal Jackson đã kiếm được 2,7 tỷ USD kể từ năm 2009 thông qua tiền bản quyền. Michael Jackson đã đứng đầu danh sách thường niên này 11 lần trong 15 năm kể từ khi ông qua đời (2009)

Bằng cách trao cho các chủ thể các quyền nhân thân ghi nhận sự liên kết cá nhân tác giả với tác phẩm sáng tạo và quyền khai thác kinh tế từ chính các sản phẩm do mình sáng tạo nên, pháp luật đã khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo để tạo ra những tác phẩm độc đáo, mới mẻ.

Công cụ sở hữu trí tuệ không chỉ bảo vệ các chủ thể sáng tạo ra chính các sản phẩm, mà những người sử dụng sản phẩm hợp pháp để khai thác kinh tế cũng được khuyến khích phát triển.

Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng minh bạch và công bằng, ngành công nghiệp văn hóa càng phát triển do tất cả các sản phẩm được sáng tạo ra đều được bù đắp các chi phí đầu tư để tạo nên nó, đồng thời các chủ thể sáng tạo cũng có thể làm giàu được từ chính các sản phẩm đó.

Luật sư Trần Thị Tám, Công ty IPCom Việt Nam, cho hay, quyền sở hữu trí tuệ không những đảm bảo cho các nghệ sĩ sinh thời có thu nhập từ các sáng tạo của mình mà cũng ghi nhận doanh thu cho những người thừa kế của họ dựa trên tài sản trí tuệ mà họ để lại.

Bà Tám minh chứng bằng thông tin: "Forbes có báo cáo hàng năm về doanh thu từ việc khai thác các quyền sở hữu trí tuệ của các nghệ sĩ quá cố. Theo báo cáo này Micheal Jackson đứng đầu trong nhiều năm. Năm 2023, thu nhập từ di sản là tài sản trí tuệ của nghệ sĩ này là 115 triệu USD, những cái tên tiếp theo cũng là nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc như: Elvis Presley (100 triệu USD), Zay Mandarek (45 triệu USD), Whitney Houston (30 triệu USD), John Lennon (22 triệu USD)…"

Báo Xuân - Văn hóa “vươn mình” trong kỷ nguyên mới (Bài 9): Phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng sở hữu trí tuệ - Ảnh 2.

"Vua Pop" Micheal Jackson và huyền thoại Elvis Presley là 2 nghệ sĩ quá cố có thu nhập từ di sản là tài sản trí tuệ hàng năm ở mức rất cao…

Cũng theo bà Tám, sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng nhất giúp làm giàu và phổ biến di sản quốc gia. Nhờ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các sản phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử và văn hóa có cơ hội được bảo tồn, tôn vinh, và ngăn chặn hành vi lạm dụng. Từ đó các tác phẩm cổ điển, truyền thống có giá trị sẽ không bị biến mất hay bị sao chép một cách không kiểm soát, thậm chí còn được bồi đắp giá trị hơn qua thời gian giúp các thế hệ tương lai có thể tiếp tục thưởng thức và nghiên cứu di sản của các nền văn hóa khác nhau, đồng thời tạo điều kiện cho các bản phục dựng và các phiên bản hiện đại hóa được thực hiện hợp pháp. Điều này giúp các sản phẩm văn hóa vẫn giữ được tính nguyên bản nhưng cũng có thể tiếp cận với công chúng theo cách hiện đại hơn, phù hợp xu hướng hơn.

"Các giá trị văn hóa truyền thống, như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, hay các làn điệu dân ca, quan họ, hát xoan, xẩm,… nhờ vào công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn tạo ra cơ hội để phát triển du lịch và các ngành công nghiệp liên quan. Với chất liệu văn hóa dân gian phong phú, sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể và các sản phẩm đặc trưng sẽ giúp Việt Nam nâng cao giá trị và sức hấp dẫn của các sản phẩm văn hóa.

Thêm vào đó, các điều ước quốc tế đã tạo điều kiện cho việc phát hành và khai thác sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa trên phạm vi toàn cầu, giúp mở rộng khả năng thương mại hóa tác phẩm và thúc đẩy việc phát triển sản phẩm đến với cộng đồng quốc tế. Nhờ vào cơ chế bảo hộ tự động đối với các quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, các nhà sáng tạo có thể yên tâm phân phối và phát hành sản phẩm của mình ở các thị trường nước ngoài mà không phải lo lắng về việc bị vi phạm bản quyền" - bà Tám phân tích.

Báo Xuân - Văn hóa “vươn mình” trong kỷ nguyên mới (Bài 9): Phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng sở hữu trí tuệ - Ảnh 3.

Các giá trị văn hóa truyền thống nhờ vào công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra cơ hội để phát triển du lịch và các ngành công nghiệp liên quan

Nhiệm vụ cấp bách cần hoàn thiện

Theo PGS-TS Lê Ngọc Tòng, Việt Nam, với những giá trị văn hóa độc đáo và phong phú, hoàn toàn có thể thương mại hóa các sản phẩm văn hóa, ví dụ như nhạc dân gian, phim ảnh, và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

"Tuy nhiên, để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa một cách đồng bộ dựa vào cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chiến lược phát triển ngoài việc xác định các mục tiêu dài hạn, cần phải xây dựng các chính sách bao gồm các chính sách về khung pháp luật, các chính sách hỗ trợ như quỹ phát triển công nghiệp văn hóa, chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế, hợp tác công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các ngành liên quan đến nghệ thuật, công nghệ và sở hữu trí tuệ sẽ giúp Việt Nam xây dựng một lực lượng lao động mới và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế" - ông Tòng đưa ra quan điểm.

Luật sư Trần Thị Tám thì cho rằng, mặc dù Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, khung pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được ban hành tương đối đầy đủ và tiệm cận dần so với pháp luật về sở hữu trí tuệ các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển nhưng việc thực thi pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến các sản phẩm công nghiệp văn hóa thường xuyên bị sao chép, phát tán trái phép trên các nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ làm giảm giá trị của các sản phẩm văn hóa mà còn khiến các nhà sáng tạo và doanh nghiệp e ngại đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, theo bà Tám, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự thay đổi trong cách người dùng tiếp cận các sản phẩm văn hóa, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, như sự phát triển của công nghệ blockchain và NFT (Non-Fungible Tokens) và đối phó với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo. Trong khi Công nghệ blockchain và NFT mở ra một phương thức mới để quản lý và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, giảm bớt vai trò của các bên trung gian và tạo ra thu nhập bền vững cho các nghệ sĩ, rút ngắn khoảng cách đưa sản phẩm đến công chúng, tạo cho những nhà sáng tạo, đầu tư sáng tạo có thể kết nối trực tiếp với khách hàng của họ, thì sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi hoàn toàn quá trình sáng tạo. Nhiều công cụ AI có thể tự tạo ra các sản phẩm gần giống hoặc thậm chí vượt trội so với những sản phẩm của con người.

"Do vậy, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, tạo ra một công cụ kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ cấp bách cần hoàn thiện, một mặt để khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa phát triển, giúp cho những người sáng tạo, những người đầu tư cho sáng tạo có thể làm giàu trên chính các sản phẩm của mình, mặt khác cũng giúp cho bên liên quan kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này như một trong 14 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ: "Xây dựng hệ thống phần mềm tìm kiếm, đối chiếu, so sánh giúp phát hiện, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số" - bà Tám nhấn mạnh.

Cần phải thích ứng nhanh chóng

"Tương lai của hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp văn hóa có thể mang đến nhiều cơ hội cho sự sáng tạo và phát triển, nhưng cũng đồng thời đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng trước các thách thức về công nghệ và pháp lý. Việc xây dựng một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ linh hoạt và công bằng sẽ là yếu tố then chốt giúp duy trì sự bền vững của ngành công nghiệp văn hóa, bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ, các nhà sáng tạo, nhà sản xuất, nhà đầu tư và các bên liên quan trong dài hạn" - PGS-GS Lê Ngọc Tòng.

Xây dựng công nghiệp văn hóa từ nền tảng sở hữu trí tuệ: bài học từ Hàn Quốc

Hàn Quốc là một ví dụ điển hình về việc sử dụng các công cụ sở hữu trí tuệ để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển như âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, du lịch đến các sản phẩm sáng tạo khác. Từ việc bảo vệ bản quyền, hỗ trợ tài chính, đến hợp tác quốc tế, Hàn Quốc đã xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo mạnh mẽ, giúp các sản phẩm văn hóa không chỉ thành công trong nước mà còn chinh phục thị trường toàn cầu.

Các hoạt động Hàn Quốc đã xây dựng để thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa có thể kể đến như Đạo luật Khung về Sở hữu Trí tuệ (Framework Act on Intellectual Property) và thành lập Hội đồng Quốc gia về Sở hữu Trí tuệ (Presidential Council on Intellectual Property). Các cơ quan này chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, bao gồm việc thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm văn hóa.

Theo thống kê ước tính BTS đóng góp khoảng 5 tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế Hàn Quốc, bao gồm doanh thu từ âm nhạc, du lịch, hàng hóa và các hoạt động liên quan

Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai các kế hoạch 5 năm về sở hữu trí tuệ, trong đó có mục tiêu thúc đẩy nội dung văn hóa (K-Content) như phim, âm nhạc, và trò chơi điện tử. Một trong những chiến lược quan trọng là bảo vệ bản quyền và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành sáng tạo.

Chính phủ Hàn Quốc cũng hỗ trợ các công ty sáng tạo thông qua các quỹ đầu tư, giảm thuế và các chương trình bảo vệ bản quyền quốc tế, giúp các sản phẩm này tiếp cận thị trường toàn cầu một cách hiệu quả. Thêm vào đó, hợp tác với khu vực tư nhân để xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cũng được chú trọng, trong đó các công ty giải trí, công nghệ và truyền thông được hỗ trợ tài chính và pháp lý để phát triển các sản phẩm văn hóa.

Hàn Quốc đã thành lập Quỹ Sản xuất Nội dung Văn hóa (Cultural Content Production Fund) với ngân sách hàng tỷ won để hỗ trợ các dự án sáng tạo, từ nghiên cứu và phát triển (R&D) đến sản xuất và phân phối. Ngoài ra, các công cụ như chứng nhận giá trị nội dung (content assessment certificate) giúp các công ty dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và đầu tư.

Nhờ các chính sách này mà làn sóng Hallyu đã bao trùm khắp châu Á, vươn rộng tầm ảnh hưởng đến các quốc gia phương tây, các sản phẩm như phim Parasite, loạt phim Squid Game và âm nhạc K-pop đã trở thành biểu tượng toàn cầu. Các công ty giải trí lớn như SM Entertainment, YG Entertainment và HYBE đã tạo ra các nhóm nhạc như BTS, BLACKPINK. Theo thống kê ước tính BTS đóng góp khoảng 5 tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế Hàn Quốc, bao gồm doanh thu từ âm nhạc, du lịch, hàng hóa và các hoạt động liên quan. Ngoài doanh thu trực tiếp, BTS còn tạo ra tác động kinh tế gián tiếp thông qua du lịch và xuất khẩu văn hóa. Ví dụ, vào năm 2018, khoảng 7% khách du lịch quốc tế đến Hàn Quốc là nhờ BTS, tương đương khoảng 800.000 người.

Bên cạnh việc ban hành chính sách, Hàn Quốc còn đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực sáng tạo và sở hữu trí tuệ. Nhờ việc sử dụng hiệu quả các công cụ sở hữu trí tuệ, ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã trở thành một trong những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp hàng tỷ USD vào GDP quốc gia. Đồng thời, các sản phẩm văn hóa như K-pop, K-drama và ẩm thực Hàn Quốc đã nâng cao vị thế của Hàn Quốc trên trường quốc tế, trở thành biểu tượng của sức mạnh mềm.

Huy Thông - Nguyên Trong Sáng - Quỳnh Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm