31/05/2018 10:53 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Vì việc riêng mà ảnh hưởng đến, không chỉ uy tín – danh dự bản thân, lại còn liên đới đến tổ chức, cơ quan là VFF, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ, đã đệ đơn từ chức. Tất nhiên, ông Nguyễn Xuân Gụ sẽ không ra tranh cử chức danh này ở Đại hội VFF khóa VIII.
1. Trước ông Xuân Gụ, người đồng cấp ở VFF là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức cũng đã từ chức, sau khi đội tuyển U22 Việt Nam không thể giành HCV SEA Games 2017. Tuy nhiên, ông bầu của đội bóng phố Núi được thuyết phục ở lại, cho đến trước khi VFF bầu người mới.
Trong một diễn biến có liên quan khác, nguyên Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi đã xin thôi chức khi đến tuổi về hưu. Năm 2008, sau sự cố loạn đả dẫn đến một CĐV SLNA bị chết trên đường xe bus chở CĐV Hải Phòng tháo chạy khỏi thành Vinh, ông Khôi từng từ chức Trưởng giải V-League.
Dài dòng như thế để thấy rằng, ngay cả VFF vẫn được ví là “tổ hưu trí”, thì văn hóa từ chức, kiểu “nói là làm” không phải không được bảo lưu. Ngoài trách nhiệm, thì đó còn là lòng tự trọng của đàn ông. Các đời HLV trưởng các ĐTQG như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Hữu Thắng cũng thế.
Trong cuốn tự truyện “Vì một ngôi sao”, ông Dương Nghiệp Khôi thuật lại rất thật chuyện ông từ bỏ ghế Trưởng giải V-League năm 2008, sau 4 năm liên tục giữ chiếc ghế này, không phải là trốn tránh trách nhiệm từ sự cố, mà làm sai, làm chưa hết trách nhiệm, gây hậu quả thì phải nhận lỗi.
“Nếu tôi không chủ động gửi đơn xin từ nhiệm, thì tổ chức là Thường trực VFF và cao hơn là Tổng cục, Ủy ban TDTT cũng sẽ ra quyết định. Suy cho cùng, bạn không thể chối bỏ hành vi và những việc làm thiếu trách nhiệm của mình, làm ảnh hưởng đến hình ảnh nền bóng đá và giải đấu”, ông Khôi nói.
Không lâu sau đó, các mùa giải 2010-2011, ông Dương Nghiệp Khôi được phục chức trưởng giải, trước khi VPF được thành lập.
2. Bóng đá Việt Nam là một miếng bánh đầy hấp lực, thậm chí màu mỡ, với rất nhiều nguồn lực xã hội tập trung vào. Theo chu kỳ, nền bóng đá cũng thường xuyên nhận được các gói hỗ trợ của FIFA, cũng như các quốc gia thành viên, mà chúng ta vẫn gọi nôm na là các gói “ODA bóng đá”.
Người đông việc khó, hay dân dã hơn thì bảo “ghế ít, người nhiều”, rất nhiều các nhân vật cỡ bự có, trung có và nhỏ cũng có…, nhăm nhe một trong những chiếc ghế của ngôi nhà bóng đá Việt Nam, từ VFF đến VPF, các phòng ban chức năng… Vì đây cũng là một dạng đầu tư, nên rất khó bỏ, nếu đã dấn thân.
Cho đến thời điểm này, đã 2 tuần sau sự cố lộ băng ghi âm từ một cuộc họp nội bộ với mục tiêu dàn xếp “người trong nhà” do Ban Kiểm tra VFF làm chủ, ông Trần Mạnh Hùng cũng đã rời nhiệm sở ở VPF. Song tuyệt nhiên, nhân vật còn lại là Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền vẫn tại vị.
VFF không đủ bằng chứng thuyết phục để xử chính người của mình?! Xin thưa, ngay cả khi ông Dương Văn Hiền không tuồn đoạn băng ghi âm sặc mùi xã hội đen và thuyết âm mưu ra ngoài, thì việc ông phá vỡ quy tắc ứng xử (ghi âm) trong một cuộc họp kín, đủ để luận tội chưa? Tình ngay thì lý vẫn gian.
Giới “vua áo đen” luôn bảo lưu một quy tắc bất di bất dịch, gần giống với Luật im lặng. Theo đó, thành viên không đủ thẩm quyền sẽ không được phát ngôn chính thức ra ngoài, với các thông tin nội bộ. Ông Hiền trước đó bị cho là đã xì tin với một vài đầu báo về những bất cập trong phân công trọng tài.
Một lá đơn với một ông thầy giáo ở trường Đại học khó viết thế sao hay còn vì nguyên nhân nào khác?! Phim hay đoạn kết!
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất