20/02/2017 13:57 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Góc nhìn và cách dàn dựng đặc biệt của đạo diễn Trần Lực đã đem lại cho vở diễn Quẫn một thông điệp gần như hoàn toàn mới so với bản diễn cách đây hơn nửa thế kỷ.
Thậm chí, nhiều người đã cho rằng đây là một vở hài kịch – chứ không còn là bi kịch như nguyên gốc. Cho dù, trong quá khứ, hài kịch Quẫn từng là một cột mốc đặc biệt trong đời sống sân khấu Việt Nam, với hơn 2000 đêm diễn.Được Lộng Chương viết năm 1960,Quẫn là một trong những kịch bản chính giúp tác giả này nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000). Câu chuyện lấy bối cảnh Hà Nội, trong thời điểm chiến dịch “đánh tư sản” và chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước được triển khai sau ngày Giải phóng Thủ đô.
Đối mặt với chính sách ấy, gia đình ông bà Đại Cát, một tư sản lâu đời ở Hà thành, run sợ và tìm mọi cách để tẩu tán khối tài sản được tích góp từ nhiều đời của mình.
Một cảnh trong vở diễn
Với một kịch bản mang tính “thời sự” khi ra đời như thế, khán giả không khó đoán được cái kết của câu chuyện. Vòng vo suốt vở diễn là những câu chuyện trớ trêu và oái oăm trong hành trình tìm hướng tẩu tán tài sản của cụ bà Đại Lợi, ông bà Đại Cát, cô em gái Đại Hưng …, với những tính toán loay hoay, tủn mủn và nực cười. Để rồi, cuối câu chuyện, cả gia đình cũng tới lúc được… giác ngộ và hiến tặng toàn bộ gia tài của mình cho Nhà nước.
Nhưng, với cách dàn dựng của đạo diễn Trần Lực, Quẫn không còn đơn giản là câu chuyện một chiều như vậy. Thay vào đó, những nhân vật tư sản của Quẫn bỗng trở nên… đáng thương dưới con mắt khán giả, với những toan tính vừa ngây ngô, vừa ích kỉ mà cũng rất con người.
Làm nền cho những mẩu chuyện của gia đình Đại Lợi là ca khúc Đánh giặc tăng gia của nhạc sĩ Văn Cận, là tiếng dậm chân rầm rầm của những bóng người trong trang phục đen. Sân khấu của vở diễn cũng được tối giản hết mức, gần như không sử dụng trang trí mà chỉ có gam màu đen xám. Tất cả ít nhiều gợi cho người xem về sự hoang mang, u ám đang phủ lên gia đình Đại Lợi, trước bầu không khí của chiến dịch “đánh tư sản” cách đây hơn nửa thế kỷ.
***
NSND Lê Khanh chia sẻ rằng xem cha mình (NSND Trần Tiến) đóng Quẫn từ nhỏ, cô luôn mơ ước tới ngày vở diễn này được một lần nữa dựng lại cho khán giả hôm nay. Ý tưởng ấy ít nhất đã được Lê Khanh chia sẻ với 3 vị đạo diễn là NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng và NSƯT Chí Trung – để rồi cả 3 đều trả lời rằng… khó. Câu chuyện của Quẫn đã quá cũ, và ít nhiều mang tính minh họa cho một chủ trương đã lùi vào dĩ vãng từ lâu.
Vở Quẫn được đạo diễn Trần Lực dàn dựng cho các sinh viên trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội và chính thức công diễn từ 18/2 theo một dự án phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ. |
“Tôi muốn khán giả đồng cảm hơn với những nhà tư sản trong giai đoạn ấy. Họ cũng là con người, cũng có những lo lắng và phản ứng rất tự nhiên” – đạo diễn Trần Lực chia sẻ.
“Và, khán giả trẻ cũng nên biết rằng chúng ta đã có một giai đoạn lịch sử với những câu chuyện như vậy. Bây giờ, có độ lùi thời gian, chúng ta hãy nhìn lại mọi thứ bằng một nụ cười, thay vì trách móc. Bởi, có những ấu trĩ cũ như thế, chúng ta mới trưởng thành để có được tư duy mới như hôm nay”.
Vẫn còn những điểm chưa hoàn thiện trong Quẫn mà người xem đã chỉ ra trong đêm công diễn 18/2 vừa rồi – nhất là khi, cả ê kíp diễn viên và đạo diễn của vở vẫn là những gương mặt mới “bén duyên” cùng sân khấu. Nhưng, ít nhất, việc nhìn lại quá khứ một cách sòng phẳng, để rồi từ giã nó bằng một nụ cười, sẽ là điều mang lại thêm cho Quẫn một giá trị mới, so với những gì từng có trước đây…
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất