Tiểu thuyết 'thô tục' Phế đô: Lần đầu có bản tiếng Anh

14/08/2013 13:58 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1993, nhà văn đương đại nổi tiếng Trung Quốc Giả Bình Ao đã phát hành cuốn Phế đô, tiểu thuyết đầu tiên của ông mô tả cuộc sống đô thị. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết này đã lập tức bị cấm lưu hành ở Trung Quốc vì nội dung quá nhục dục và “phong cách thô tục”.

Phải tới năm 2009, Phế đô mới được lưu hành trở lại. Giờ đây, Hu Zongfeng, GS Trường Đại học Tây Bắc ở Tây An, lại gây chú ý khi vừa cùng với cộng sự người Anh Robin Gilbank dịch tác phẩm sang tiếng Anh. Ông cũng đang liên hệ với các nhà xuất bản hải ngoại để quảng bá tác phẩm này.

Đây là tiểu thuyết thứ 2 của Giả Bình Ao được dịch sang tiếng Anh. Các thư viện trên khắp thế giới đang đặt nhiều kỳ vọng vào bản dịch này. Nguyên nhân bởi bản tiếng Pháp (do Genevieve Imbot - Bichet chuyển ngữ) đã đoạt giải thưởng văn học Pháp, Prix Femina Etranger hồi năm 1997.

Cuốn truyện gây tranh cãi

Câu chuyện xảy ra ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, nơi nhà văn Giả Bình Ao từng sống hơn 20 năm khi còn học đại học. Tây An đã từng là kinh đô của 13 triều đại nhà Chu, Tần, Hán và Đường, nhưng sau đó đã dần bị quên lãng.


Cuốn Phế đô được xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Hoa.

Cuốn truyện kể về một nhà văn tên Trang Chi Điệp, người đánh mất bản thân trong cuộc sống quá ư nhàn rỗi và dần trở nên suy đồi trong bối cảnh Trung Quốc đang bắt đầu quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa hồi những năm 80 của thế kỷ trước.

Trong cuộc đời mình, Trang Chi Điệp duy trì mối quan hệ tình ái với 4 người phụ nữ. Sự mô tả sinh động về cuộc sống của những người trí thức và cách mô tả quá chi tiết những cuộc mây mưa của họ đã nhận được cả sự ca ngợi lẫn sự chỉ trích của giới phê bình và độc giả. Nhiều người coi đây là một phiên bản hiện đại của Kim Bình Mai, tiểu thuyết “người lớn” có niên đại từ đời Minh (1368-1644).

Được biết, Giả Bình Ao viết Phế đô năm ông ngoài 40 tuổi, sau khi ông phải trải qua một loạt những sự cố hết sức đau đớn. Ông gọi đây là “tác phẩm của sự đau đớn”.

Phế đô là tiểu thuyết đầy sức cuốn hút trong mô tả tâm lý của người Trung Quốc đương đại khi xã hội trải qua sự phát triển quá nhanh. Thậm chí giờ đây đọc Phế đô, chúng ta vẫn cảm thấy tiểu thuyết này thật sâu sắc và thẳng thắn. Mặc dù từng bị cấm lưu hành ở Trung Quốc đại lục, song nó vẫn gây chú ý ở hải ngoại” – GS Hu Zongfeng nói.

Năm 2003, nhà văn Giả Bình Ao đã được Bộ Văn hóa và Thông tin Pháp trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật.

Khó khăn trong dịch thuật

Phế đô đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, trong đó có Nga, Pháp, Nhật và tiếng Việt.

Trước đó, nhà Hán học người Mỹ Howard Goldblatt đã dịch cuốn Phù táo (Nôn nóng) của Giả Bình Ao sang tiếng Anh và nó đã đoạt giải Pegasus Văn học ở Mỹ hồi năm 1991.

Goldblatt cho biết, ông từng cố gắng dịch cuốn tiểu thuyết Tần xoang của Giả Bình Ao, nhưng cuối cùng đã phải từ bỏ vì trong cuốn truyện này nhà văn đã dùng thổ ngữ và cả các thành ngữ khó hiểu của tỉnh Thiểm Tây.

Nhiều người coi Phế đô là một phiên bản hiện đại của Kim Bình Mai, tiểu thuyết “người lớn” có niên đại từ đời Minh.

GS Hu Zongfeng cũng đề cập đến những khó khăn khi dịch Phế đô sang tiếng Anh và ông đã chọn cách hợp tác với nhà Hán học người Anh Robin Gilbank.

“Nếu Gilbank không hiểu những gì mà tôi dịch, tôi sẽ giải thích và cuối cùng ông đưa ra cách diễn đạt tốt nhất bằng tiếng Anh. Một số thành ngữ trong truyện sẽ khiến độc giả tiếng Anh khó hiểu nên chúng tôi phải giải thích. Chúng tôi còn mời cả Giả Bình Ao bàn luận đến những khó khăn trong việc chuyển ngữ” – GS Hu Zongfeng cho biết. Cá nhân Giả Bình Ao chỉ đề nghị GS Hu Zongfeng làm sao để giữ được từng câu trong tiểu thuyết.

Nhiều người nói rằng, bản dịch là một sự tái sáng tạo của dịch giả và đưa những yêu cầu khắt khe như giữ nguyên bản gốc sẽ làm cho việc chuyển ngữ khó khăn hơn. Khi được hỏi về điều này, GS Hu Zongfeng nói: “Tôi không nghĩ yêu cầu của nhà văn Giả Bình Ao lại hạn chế mình và tôi tin bản dịch sẽ giữ được hồn cốt của tiểu thuyết gốc”.

Văn học đương đại thiếu ảnh hưởng

Được biết khó khăn trong dịch thuật luôn là rào cản lớn trên con đường thúc đẩy văn chương Trung Quốc ra thế giới. Độc giả Trung Quốc không bao giờ nghĩ rằng đất nước này thiếu các nhà văn lớn, song nhiều người phải thừa nhận, văn học đương đại Trung Hoa chưa tạo được sự ảnh hưởng tới văn đàn thế giới. Mặc dù nhà văn Mạc Ngôn đã đoạt giải Nobel Văn học năm 2012, song làn sóng văn học Trung Quốc ở hải ngoại thực sự chưa được như kỳ vọng của các nhà xuất bản nội địa.

GS Hu Zongfeng cho biết, trong chuyến thăm Mỹ hồi năm 2003, ông đã đọc cuốn The Reader's Companion to World Literature (tạm dịch: Sổ tay của độc giả đến với nền văn học thế giới) do New American xuất bản hồi năm 2002. Trong cuốn sách dày 800 trang này, chỉ có 5 nhà văn Trung Quốc được đề cập tới, gồm tới 4 triết gia cổ đại, như Khổng Tử, Trang Tử… và chỉ có một nhà văn đương đại được nói tới, nhưng lại đang sống ở Pháp là Cao Hành Kiện, “chủ nhân” giải Nobel Văn học năm 2000.

“Tôi đã đọc một số bài báo viết về thị trường hải ngoại của những nhà văn Trung Quốc nổi tiếng. Một số nhà văn cho rằng, cách duy nhất để giữ được thị trường của họ là khảo sát khía cạnh đen tối của Trung Quốc nhằm chiều theo thị hiếu ưa chuộng những điều mới lạ của độc giả nước ngoài. Tuy nhiên, với sự mở cửa ngày càng sâu hơn của Trung Quốc, tôi tin mọi thứ sẽ thay đổi. Nhà văn Trung Quốc trước hết phải hiểu rõ được đất nước mình, nếu muốn người phương Tây thấu hiểu hơn về cuộc sống hiện đại của mình” – GS Hu Zongfeng nói.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm