Ra mắt sách 'Tập tục đời người': Một lịch sử riêng sau lũy tre làng

09/01/2018 19:33 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ròng rã 20 năm khảo cứu và điền dã, cuốn sách của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng xoay quanh một lĩnh vực tưởng cũ, nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng: vai trò của tập tục làng, xã trong đối với nông dân Việt.

Như khẳng định của ông, trong lịch sử, mọi sinh hoạt của người nông dân được quyết định bởi tập tục trước tiên, rồi mới tới tư tưởng Tam đạo (Nho – Lão – Phật).

Lưu giữ lịch sử cuộc sống người Việt Nam

Tập tục đời người (Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ 19-20) chủ yếu xoay quanh những tập tục, những sinh hoạt văn hóa đời thường trong cấu trúc làng xã của người nông dân Việt Nam vào khoảng 30 năm cuối thế kỉ 19 đến khoảng những năm 60, 70 của thế kỉ 20.

Chú thích ảnh
Từ trái qua: Các nhà nghiên cứu TS Mai Anh Tuấn, Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Hữu Sử trong buổi tọa đàm về cuốn sách

Trước Phan Cẩm Thượng, đã có nhiều nhà nghiên cứu về phong tục đào sâu vào khoảng thời gian nói trên. Như tác giả chia sẻ, giai đoạn 30 năm cuối thế kỉ 19 là giai đoạn Đoàn Chiển, Phan Kế Bính nghiên cứu. Rồi Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu tiếp đến khoảng những năm 1940. Sau đấy là đến học giả Nguyễn Thanh, Toan Ánh. "Còn thế hệ chúng tôi quan sát câu chuyện từ những năm 1960”, tác giả chia sẻ trong buổi tọa đàm về cuốn sách vào cuối tuần qua.

Và cũng theo tác giả: “Công trình của tôi không phải khảo cứu về tập tục theo nghĩa đúng nhất. Tôi muốn nói về vấn đề chính là con người Việt Nam sinh ra và phát triển trong những tập tục như thế nào”. Bởi thế, thay vì đơn thuần “liệt kê” phong tục tập quán, tác giả Phan Cẩm Thượng còn đưa ra những kiến giải mang tính cá nhân về nguồn gốc hình thành tập tục, sự tồn tại và phát triển của tập tục trong đời sống làng xã.

“Có những nền văn minh từng rất vĩ đại, rực rỡ, như văn minh Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, nhưng rồi cũng lụi tàn chỉ còn lại các di tích”, tác giả Phan Cẩm Thượng chia sẻ, “Rất có thể dân tộc vẫn tồn tại, nhưng không phải là nguyên gốc nữa và cũng không liên quan đến cái gốc ấy nữa, Không ai có thể đưa ra cái gì gọi là giải pháp cho một vấn đề lịch sử lớn như vậy. Chỉ có điều, càng gắn bó với bản sắc dân tộc, kế thừa nó, thì càng tốt”.

Đánh giá về cách tiếp cận của ông, nhà nghiên cứu, TS Mai Anh Tuấn nhận xét: “Xu hướng nghiên cứu vi sử giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ và chân thực hơn về lịch sử đất nước. Có thời gian rất dài chúng ta quan tâm đến lịch sử chống giặc ngoại xâm, lịch sử của những triểu đại thì bây giờ là lịch sử của cái thường ngày, của cá nhân, của đời sống. Điều quan trọng nhất, thông qua nghiên cứu có tính chất nhỏ lẻ như vậy, người nghiên cứu có cơ hội đào sâu đến tận cùng vấn đề thay vì những nghiên cứu có tính chất cao đàm khoát luận".

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Tập tục đời người"

Tập tục đi trước, "Tam đạo" đặt sau

Đáng chú ý,trong khuôn khổ buổi tọa đàm ra mắt sách Tập tục đời người, tác giả Phan Cẩm Thượng đã cùng hai diễn giả là TS Mai Anh Tuấn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử đã có những bàn luận về sự tiếp nhận các luồng tư tưởng ngoại lai, trên cơ sở văn hóa tập tục của người dân Việt Nam. Cả ba diễn giả đều đồng quan điểm rằng, người nông dân Việt Nam chỉ tiếp thu những gì dễ hiểu, có thể áp dụng được ngay nhưng rốt cuộc vẫn lấy tập tục làm trọng.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Tam đạo (Nho-Lão-Phật) không có tác động chi phối đến toàn bộ đời sống của người nông dân Việt Nam, vì họ biết về Tam đạo rất lờ mờ. Đối với họ, đạo Nho chỉ là quan hệ vợ chồng, anh em làng xóm, “tam cương ngũ thường”. Phật là một vị thần nhiều tay nhiều mắt cứu vớt chúng sinh. Người nông dân Việt Nam sử dụng yếu tố có thể áp dụng ngay đó chứ không phải triết lý của Tam đạo”.

Ủng hộ quan điểm nói trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử nói:“Trong quá khứ, sự học hành của người ta về đạo Nho hay Lão rất có hạn, không có sự đào sâu về tư tưởng ấy. Trí thức còn như thế huống hồ là người nông dân”.

Và cũng theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng “Người nông dân gắn sinh hoạt văn hóa vớicác di tích kiến trúc, với các hội lễ, ứng xử văn hóa hằng ngày trong tập tục của làng trước tiên rồi mới đến Nho – Lão - Phật”. Ông nêu ra ví dụ về tục chém lợn và điểm ngực ở làng Ném Thượng, dù không được Nho giáo hay Phật giáo ủng hộ nhưng vẫn được dân làng duy trì.

Gồm 6 chương, Tập tục đời người là sự tiếp nối của cuốn Văn minh vật chất của người Việt, được tác giả Phan Cẩm Thượng ra mắt vào năm 2011, là cuốn thứ hai trong bộ sách về văn minh Việt Nam gồm 4 cuốn. Theo tác giả dự kiến, hai cuốn cuối cùng của bộ sách sẽ mang tên Mày là kẻ nào (dự kiến ra mắt năm 2020) và Thế kỷ 19 - Việt Nam (năm 2022). Bộ sách trên được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ lịch sử đời sống thường nhật của người Việt, điều mà các bộ chính sử còn bỏ ngỏ.

Truyền thống là động lực phát triển hiện tại

"Quá khứ, truyền thống phải là động lực giúp cho hiện tại phát triển. Nếu điều ấy không thực hiện được, lớp trẻ sẽ không mặn mà gì với văn hóa truyền thống, và họ sẽ hướng sang các mô hình văn hóa khác, ví dụ hiện nay là một thứ văn hóa toàn cầu. Họ không thấy lợi ích gì khi học tập văn hóa dân tộc. Đó là thực tế đáng buồn” (nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng).

Phan Cẩm Thượng: Người Việt thường không muốn ai hơn mình

Phan Cẩm Thượng: Người Việt thường không muốn ai hơn mình

“Đặc điểm nổi bật của tính cách này là không muốn ai hơn mình, nên tìm mọi cách cào bằng tất cả, và ghét bỏ những người xuất sắc” - Nhà nghiên cứu và phê bình Phan Cẩm Thượng nói về thói tọc mạch của người Việt.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm