07/05/2017 19:03 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Việt Phương là một hiện tượng đặc biệt của thi đàn Việt thời Ta. Đặc biệt chủ yếu vì ông thuộc về một vị thế khá cao chính quyền, nhưng tinh thần thơ lại là phản biện chính thống.
Nhưng, không có điều này, cái tên Việt Phương không thể trồi lên dưới cái bóng Phạm Văn Đồng.Nó là phản ứng của con người trí thức, con người nghệ sĩ bên trong con người chính trị Việt Phương.
Nhà thơ Việt Phương. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Vì thế Cửa mở có hiệu ứng trái chiều: một số thì cáu kỉnh, dân tình (chủ yếu là nghệ sĩ-trí thức) thì hân hoan.
Với nhân dân, nó được xem là tiếng nói tiên tri can đảm...
Trong tư cách thi sĩ, Việt Phương có một tầm cỡ riêng. Hồi ấy, đối tượng "mê tín" Việt Phương chủ yếu là trí thức trẻ, người viết trẻ. Vì sao? Vì thơ ông mang tinh thần cấp tiến. Vì thơ ông khai mở một giá trị người khác (so với cái giá trị người mà hệ thống đang muốn kiến tạo, tuyên truyền).
Và một phần rất quan trọng thuộc về một ngôn ngữ mới: ngôn ngữ của văn hoá, của trí tuệ. Trước ngày Cửa mở, sự mê tín này dường như Chế Lan Viên độc chiếm.
Sau khi Cửa mở, người ta mới ngớ ra rằng: trí tuệ sắc sảo và văn hoá thâm hậu trong thơ Chế, xét ra, cũng chỉ để minh hoạ cho chính thống, chưa chừng lại thuộc dạng thơ ngụy trí thức cũng nên. Còn đây mới là thứ trí tuệ và văn hoá phản biện chính thống, với một tinh thần trí thức thật sự (tất nhiên, phản biện không hẳn là phản đối, và không phải mọi thứ phản biện chính thống đều thuộc tinh thần trí thức).
Người đã sớm thấy "những vết bùn trên chín tầng cao", đã sớm thấy đức tin dành cho ý thức hệ là "sự thơ ngây đẹp tuyệt vời mà ngờ nghệch làm sao" và đã dám cất tiếng. Cất tiếng bằng một thứ triết luận giàu trải nghiệm (chính trường) để phản biện, chứ không phải triết luận thuần tư biện để minh họa.
Cho nên, Cửa mở một khi đã mở, dù có bị buộc phải đóng, thì tinh thần mở cũng đã kịp lùa những luồng gió tươi vào nhận thức, vào niềm tin, vào thi ca rồi.
Thi ca Việt hiện đại chắc chắn sẽ dành cho Việt Phương một niềm biết ơn, như đã dành cho những người dám mở đường, mở cửa trong lúc bịt bùng.
Xin vĩnh biệt một người thơ chân chính!
TS Chu Văn Sơn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất