15/12/2017 20:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngôn ngữ nói chung và ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Để có được một bộ Luật ngôn ngữ, chúng ta phải xem xét đến một loạt khái niệm liên quan đến ngôn ngữ như: Kế hoạch hóa ngôn ngữ, Chính sách ngôn ngữ và Lập pháp ngôn ngữ.
Đó là ý kiến của PGS-TS Phạm Tất Thắng (Viện Ngôn ngữ học) trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa.
PGS-TS Phạm Tất Thắng cho biết, năm 2011- 2012, ông được làm Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ: "Nghiên cứu khảo sát ngôn ngữ báo viết và báo điện tử phục vụ cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam" (cộng tác cùng 4 thành viên khác gồm: TS Phạm Văn Lam, TS Nguyễn Tài Thái, ThS Nguyễn Thị Thùy, ThS Đỗ Anh Vũ).
Mục tiêu của đề tài là tiến hành nghiên cứu các phương tiện biểu hiện của ngôn ngữ được sử dụng trên báo viết và báo điện tử tiếng Việt hiện nay để góp phần tiến tới việc xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam.
* Kết quả thu được là gì, thưa ông?
- Việc nghiên cứu ngôn ngữ báo chí không phải là vấn đề mới, nhưng đề tài này chú trọng đến việc nghiên cứu, khảo sát những thành công cũng như các lỗi sử dụng tiếng Việt trên báo viết và báo mạng ở các lĩnh vực: Sử dụng từ địa phương, từ vay mượn, dấu câu và cách đặt tên bài báo ( còn gọi là "tít báo").
Ngoài ra, dựa vào những kết quả nghiên cứu đó, đề tài còn đưa ra những kiến nghị đối với việc sử dụng tiếng Việt thống nhất trên báo viết truyền thống và báo mạng điện tử để phù hợp với các quy tắc tiếng Việt hiện đại.
Đề tài này mặc dù đã được nghiệm thu, nhưng nội dung của đề tài chưa được công bố chính thức trong đời sống xã hội. Vì thế, kết quả nghiên cứu của đề tài chưa thể có sự tác động trực tiếp đến thực tiễn sử dụng ngôn ngữ trên báo chí.
* Ngôn ngữ trên báo chí thời gian qua đúng là cũng "có vấn đề". Ông có thể chỉ ra một vài nguyên nhân chính?
- Theo quan sát của cá nhân tôi, trên các phương tiện truyền thông hiện nay, cách sử dụng tiếng Việt tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn không tránh khỏi một vài lỗi sai sót khi sử dụng tiếng Việt, đặc biệt là đối với báo điện tử.
Những lỗi sai sót như vậy tuy không nhiều, nhưng cũng rất khó khắc phục bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài nguyên nhân chủ quan của người viết, còn có một nguyên nhân cơ bản và quan trọng hơn cả là: Chúng ta chưa có được một bản quy tắc sử dụng tiếng Việt thống nhất và có giá trị pháp lý. Nói cách khác là chúng ta chưa có được một bộ Luật ngôn ngữ để quy định về cách sử dụng tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong đời sống xã hội Việt Nam.
Tóm lại, ngôn ngữ trên báo chí hiện nay của nước ta vẫn còn nhiều điều bất cập trong việc sử dụng ngôn ngữ. Để tiến tới việc sử dụng thống nhất, chúng ta cần phải xây dựng được Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam để có những điều khoản quy định cụ thể về cách sử dụng trong báo chí cũng như trong các lĩnh vực hoạt động khác của cộng đồng.
Nhà nước cần phải đưa ra những quy định cụ thể mang tính pháp lý đối với những quy tắc sử dụng ngôn ngữ thông qua bộ Luật Ngôn ngữ để những người làm báo coi đó là chỗ dựa pháp lý cần thiết để hoạt động một cách có hiệu quả.
* Điều ông quan tâm nhất đến việc xây dựng Luật Ngôn ngữ là gì?
- Để có được một bộ Luật Ngôn ngữ, chúng ta phải xem xét đến một loạt khái niệm liên quan đến ngôn ngữ như: Kế hoạch hóa ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ và lập pháp ngôn ngữ.
* Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm" Kế hoạch hóa ngôn ngữ"?
- Theo cách hiểu chung nhất, "kế hoạch" là toàn bộ những điều vạch ra một cách có hệ thống để thực hiện những công việc nào đó trong một thời gian nhất định. Còn "kế hoạch hóa" là làm phát triển một cách có kế hoạch công việc nào đó (thường sử dụng ở quy mô lớn trong phạm vi quốc gia).
Dựa vào những định nghĩa trên, có thể hiểu khái niệm "Kế hoạch hóa ngôn ngữ" là công việc quản lý ngôn ngữ hay sự tác động của con người vào sự phát triển ngôn ngữ của một quốc gia. Khác với các hiện tượng xã hội khác, "Kế hoạch hóa ngôn ngữ" thường phải do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đề ra. Công việc quan trọng này phải trở thành một bộ phận của công cuộc xây dựng đất nước. Bởi vì nó đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với việc ổn định về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... của cả một quốc gia.
* Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi này.
Nội dung Kế hoạch hóa ngôn ngữ Nội dung của kế hoạch hóa ngôn ngữ rất rộng đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến cấu trúc bên trong của bản thân ngôn ngữ cho đến những yếu bên ngoài tác động đến sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ. Trên đại thể, nội dung của kế hoạch hóa ngôn ngữ, đề cập đến các vấn đề chủ yếu sau đây: - Kế hoạch hóa bản thể ngôn ngữ đề cập đến cấu trúc bên trong của ngôn ngữ bao gồm các vấn đề về chính tả, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, chữ viết, vấn đề chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ... - Kế hoạch hóa địa vị ngôn ngữ hay Kế hoạch hóa vị thế ngôn ngữ nhằm giải quyết về địa vị của ngôn ngữ trong phạm vi quốc gia như: Ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ hành chính, ngôn ngữ giáo dục... Giữa các nội dung cụ thể của Kế hoạch hóa ngôn ngữ thường có mối liên quan chặt chẽ và có tác động qua lại với nhau để tạo ra một kế hoạch duy trì và phát triển ngôn ngữ quốc gia có hệ thống phục vụ đắc lực cho sự phát triển của một cộng đồng ngôn ngữ nhất định. (Phát biểu của PGS-TS Phạm Tất Thắng) |
Kỳ 9: Cần hiện thực hóa chính sách cho ngôn ngữ
Huy Thông - Hà My (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất