Em có về tinh khôi?

11/03/2011 09:56 GMT+7 | Văn hoá

Một thời, Thanh Loan BB là “nàng thơ” của nhiều ca khúc của Quốc Bảo. Ca khúc “Em về tinh khôi” ra đời khi họ còn yêu nhau, trước khi bước vào hôn nhân...

Ngày còn “tinh khôi”, Loan BB mang một diện mạo hoàn toàn khác với hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ vác máy ảnh dọc ngang đất nước như bây giờ.

Bằng chính những trải nghiệm yêu đương và hôn nhân, Thanh Loan BB chia sẻ câu chuyện về sự thay đổi khái niệm về nữ tính của riêng mình.

* Hãy nói về chị thời thiếu nữ - “Em về tinh khôi”, bởi trong mắ́t chàng si tình lúc đó, Thanh Loan là cô nàng mắ́t to nhu mì, thanh khiết và… nữ tí́nh?



- Tôi sẽ nói sơ qua về hoàn cảnh ra đời của bài hát “Em về tinh khôi”, là tôi nói về phía tôi, với những gì tôi còn nhớ rõ. Còn các “tầng lớp” ý nghĩa sâu xa của tác giả Quốc Bảo, người đã từng nhiều năm là người yêu, chồng, người đang là cha tốt của con trai tôi, tôi nghĩ rằng anh ấy mới là người sẽ nói đầy đủ hơn tôi!

Tôi chỉ nhớ là hồi đó tôi nuôi giữ tình yêu theo kiểu “pha lê”, và hễ có trầy xước bẩn là tôi đau khổ bỏ chạy! Anh hơn tôi vài tuổi nhưng nhìn già dặn, mực thước kiểu “ông giáo già” lúc đó đang đi dạy học. Tôi cứ mặc định trong đầu, đã “mực thước” thì nếp ăn nết ở không được làm gì sai.

Anh là con trai một, mồ côi cha, sống với mẹ và bà ngoại. Hai người đàn bà đó thương tôi như con cháu trong nhà nên tôi “mặc sức” ra vào nhà cửa xem xét, thậm chí... xét nét, tìm hiểu người yêu. Nên có lần, tôi tò mò lục lọi tủ sách của anh ấy, tình cờ thấy vài cuốn tạp chí Playboy, thế là tôi tá hỏa, hoảng hốt như... cháy nhà. Tôi “tan nát cõi lòng” bỏ chạy, đạp xe về nhà mình, và xin bố mẹ tôi cho... đi xa! Lúc đó may mắn là đám bạn sinh viên rủ tôi đi Nha Trang chơi, đang buồn, tôi đi luôn vài ngày, có em gái út theo kè̀m. (Bố mẹ tôi hồi đó không cho con gái đi xa mà không có ai kè̀m cặp!). Đó là lần đầu tôi xa anh ấy, khiến anh buồn, không biết có hối hận gì không, nghe bảo là buồn lắm. Rồi khi tôi về nhà thì nhận được bài hát. Hồi đó mỗi ngày anh đều viết ít nhất là 1 bài rồi đưa tôi tập hát. Lúc đó chưa có ai hát nhạc của anh cả. Cũng chẳng có ban nhạc, phòng thu. Mối tình của chúng tôi đầy ắp mơ mộng của những thư tay, nhạc chép tay, đàn guitar gỗ... Lúc đó anh đặt tên tạm cho bài hát là “Nếp xinh áo lụa” về sau mới đổi thành “Em về tinh khôi”, tôi nghĩ là cho nó theo chuỗi với bài “Em về tóc xanh” mà hồi đó tôi có đi hát ở Nhà văn hóa Thanh Niên do ban nhạc Hải Âu của Nguyễn Hà đệm.

Sự thật thì tôi chẳng phải con nhà gia giáo kiểu yểu điệu “nếp xinh áo lụa” gì đâu. Nhưng rõ ràng chúng tôi nâng niu tình yêu theo kiểu tuyệt đối hoàn hảo. Lúc đó ở cái tuổi mới lớn, mình nhìn cái gì cũng trong trẻo, chỉ cần hơi gợn tí là đã thấy bẩn. Có thể nói khái niệm “tinh khôi” được hiểu là: trẻ, chưa va chạm. Và như thế, ai cũng có một giai đoạn “tinh khôi” trong đời, không chỉ riêng tôi, mà cả anh người yêu ấy của tôi, và cả bạn nữa đấy thôi! Còn “nữ tính” hay không, tôi nghĩ cũng giống như “tinh khôi”, là thứ người ta nghĩ về bạn chứ không phải bạn tự “vơ vào”! Người đàn bà một khi tự xưng mình là tinh khôi, là nữ tính, thì có lẽ chỉ còn đúng trong mắt cô ta mà thôi!

* Nữ tính kiểu tinh khôi dịu dàng, có phải là những khuôn phép, lễ nghi, là khuôn vàng thước ngọc và là đí́ch ngắ́m của đàn ông?

- Tôi có nhiều kỷ niệm gắn với khái niệm nữ tính mà hồi thiếu nữ từng được “phê chuẩn”. Hồi đó tôi cứ như là tắc kè̀, thay đổi xoành xoạch. Có lúc thì áo dài trắng tha thướt, lúc thì quần shorts, leo trè̀o phá phách như con trai. Hồi đại học có một anh bộ đội xuất ngũ học chung, nhìn thấy tôi nghịch ngợm ồn ào quá, anh thì thầm cho tôi đủ nghe, là “Nếu em mà nữ tính một tí thì em tuyệt vời lắm Loan ạ!”. Tôi cho rằng, đàn ông muốn tôi “nữ tính” thì họ vì tôi thì ít, mà vì họ thì nhiều. Ông nào cũng muốn vợ/ người yêu của mình thật dịu dàng, dễ bảo, thật “nữ tính”, trong khi bây giờ là đàn bà tôi hiểu rằng, đàn ông càng “nam tính” bao nhiêu thì tự nhiên sẽ khiến cho đối tượng yêu mình càng “nữ tính” bấy nhiêu.

Khái niệm nữ tính, theo tôi, trời cho sẵn là khoảng 50%, còn lại là điều chỉnh, thêm bớt tùy “hoàn cảnh”. Trong âm có dương, trong dương có âm. Hồi trẻ, chưa hiểu nhiều về khái niệm này, thì nếu gặp một đối tượng nam thiếu “nam tính”, tôi cũng khó chịu không kém họ khi họ nhìn phụ nữ mạnh mẽ. Theo thời gian, tôi bớt khe khắt hơn, thì cũng là lúc mình đã trưởng thành thật sự rồi. Bây giờ nếu tôi nhẹ nhàng hơn, hành xử đúng tinh thần “nữ tính” thông thường hơn, thì không phải vì tôi đã bắt đầu tinh khôi kiểu thiếu nữ, mà là vì tôi đã “minh triết” theo kiểu người từng trải thôi! Và ngược lại, người đàn ông vị tha hơn, do vốn sống tạo ra, cũng khiến anh ta trở nên “đàn ông” hơn. Cho nên tôi cũng không ngạc nhiên nếu tôi hấp dẫn các bạn thanh niên trẻ, và người bạn đời xưa kia của tôi thu hút được nhiều thiếu nữ.

* Sự nhu mì, hiền dịu, theo chị có giá trị đầu đời thế nào với những thiếu nữ mới lớn? Chị có lần tâm sự, để bước ra khỏi cuộc hôn nhân, chí́nh chị chứ không phải ai khác đã đạp vỡ khuôn vàng thước ngọc để… làm người ta chán mình. Chị có tiếc mình đã tự bóp sự nữ tí́nh của mình một thời là quý́ giá và khó người có được không?

- Thật tình, hồi thiếu nữ, tôi lại ít bạn trai hơn sau này khi đã ly hôn và sống tự do. Trong quá trình yêu đương rồi hôn nhân, tôi không phải đấu tranh tư tưởng để giữ sự chung thủy, mà tự dưng thấy sao quá ít người theo đuổi mình. Hay là vì tôi không ngó nghiêng ngoài luồng? Cho nên hỏi tôi thời tinh khôi có là đích ngắm của nhiều đàn ông không thì tôi cho là không phải. Chỉ có rất ít người đàn ông nhắm đến tôi lúc đó. Ngay cả bây giờ nhìn lại mình, tôi vẫn thích tôi của hiện tại hơn, và nếu là đàn ông, tôi vẫn thích chọn một người đàn bà sống đời sống “đời” hơn, từng trải, chứ không phải là mẫu thiếu nữ cái gì cũng lo sợ, rụt rè̀...

Cho nên hồi ly thân rồi ly hôn, được hoàn cảnh cho phép sống tự do, đôi lúc phóng túng, tôi hiểu được nhiều bạn trai hơn, tôi thấy có nhiều người bảo rằng đàn bà tầm 30-40, thậm chí càng từng trải, thì có khả năng chinh phục đàn ông cao hơn các cô còn “trẻ người non dạ”. Tất nhiên đó cũng chỉ là nhận xét của tôi, và của một số mẫu đàn ông, chứ không phải ai cũng nghĩ thế. Bằng chứng là các cô gái trẻ bây giờ, chỉ cần đọc sách tâm lý đàn ông một tí, cộng với trải nghiệm một tí, thì tôi cho rằng họ tuyệt vời! Theo cách nghĩ thế, thì tôi cho rằng “nữ tính, tinh khôi” có thể... tạo ra được. Kiểu như, anh thích thế nào thì em cũng chiều được, miễn sao chúng ta hạnh phúc! Nếu tôi có con gái, tôi cũng dạy con gái biết sống sao cho con gái mình vui, mà chàng rể cũng hài lòng. Không nhất thiết phải ép con gái không được làm những việc to, việc nặng, không cười to nói lớn,... để được gọi là “nữ tính”. Không nhất thiết phải nhốt con gái trong nhà không cho va chạm, để được “tinh khôi”. Trời cho mình làm đàn bà là một ân sủng, là “được”, chứ không phải “bị” làm đàn bà! Thoải mái với giới tính trời cho của mình, theo tôi đó là nguồn gốc của hạnh phúc, cho dù số phận có đẩy mình đi đến đâu đi chăng nữa.

Mục đích sống của tôi là sống hạnh phúc với chính tôi, chứ không phải là sống theo hình mẫu của ai xây dựng. Hôm nay tôi thích mạnh mẽ, ngày mai tôi lại thích mềm yếu, dựa dẫm... Tôi không cho rằng mục đích sống của một cô gái là phải tìm cho được một tấm chồng! Cho nên nếu tôi vẫn đơn độc đến già, tôi cũng không áy náy là giá mình nữ tính hơn cho dễ lấy chồng!

* Chị đã bước vào hôn nhân, vào cuộc sống vợ chồng và làm dâu với tính nữ thế nào? Sự “quy hoạch” tính cách của người phụ nữ có làm ẩn đi thân phận của họ trong vai trò làm mẹ, làm dâu và làm vợ?

- Quay lại thời kỳ yêu đương rồi làm vợ, làm dâu, làm mẹ, tôi nghĩ để có được mái ấm yên ổn, thì đòi hỏi sự cố gắng của người phụ nữ rất nhiều. Đa số các trường hợp ly hôn là do phía vợ yêu cầu, chứ hiếm có đàn ông muốn mất vợ. Đó là tôi nói ngày nay, khi mà áp lực đời sống, công việc lên vai người phụ nữ không hề nhẹ hơn thế hệ trước, lại có phần nặng nề và phức tạp hơn. Tỷ lệ người vợ không hài lòng về hôn nhân cao hơn. Tỷ lệ ly hôn theo đó cũng tăng cao hơn. Đến lúc đó người ta quy kết trách nhiệm phần lớn do phụ nữ thiếu “nữ tính”.

Nhiều người thích tôi bây giờ hơn thì bảo hồi đó tôi là người đàn bà thụ động, không giữ nổi chồng là phải! Nhiều người lại bảo cô này hồi xưa là mẫu người vợ lý tưởng của nhiều đàn ông, sao anh chồng “dại” thế, lại để mất vợ? Như vậy không thể bảo cứ sống đúng hình mẫu thế nào thì sẽ có được hạnh phúc! Điều đó sai! Tích cực mà nói, trải nghiệm cuộc sống hôn nhân, sau đó được sống độc lập theo ý mình, tuy hơi lẻ loi và tùy tiện, nhưng tôi không tiếc nuối thời thiếu nữ tuổi trẻ. Tôi thấy thích đời sống trải nghiệm, biến đổi, rồi trưởng thành.

Nhìn ra thế giới, tôi cũng thích một người đàn bà “đời” như Angelina Jolie hơn là một mẫu “bất biến” như Aniston. Người đàn bà Angelina từng leo xuống nhà bằng đường ống khói, từng đi lệch khỏi khuôn mẫu “giới tính” về mọi nghĩa, sự nghiệp thì toàn vào vai bắn giết máu me, va đập luyện tập tay chân gân guốc, mặt mũi lúc nào cũng như thách thức đàn ông về sức mạnh, quyền lực, chinh phục... Sau từng ấy trải nghiệm, cô ta vẫn là mẫu đàn bà tuyệt vời. Tôi không có ý so sánh mình, nhưng tôi thực sự yêu thích sự va chạm, trầy xước của đời sống, cho nên tôi không hề muốn quay lại làm “em về tinh khôi” đâu!

* Xét cho cùng, đàn bà là phái yếu, đàn ông là phái mạnh. Đàn ông thí́ch tỏ ra mạnh dù lòng họ yếu. Đàn bà dù mạnh cũng phải cố làm cho mình nhỏ bé, thụ động và… đáng yêu… Chị nằm trong sự đa số hay thiểu số?

- Tôi có “khoe” là tôi từng có nhiều bạn trai theo đuổi. Nhưng xét đi xét lại, giờ tôi vẫn một mình, thì “thành tích” đó cũng không còn đúng nữa. Sau nhiều lần chia tay, có lần một ông bạn trai bảo tôi là “em làm cho đàn ông e ngại vì em quá độc lập!”. Tôi cũng tập thay đổi, để rồi sau đó có người bảo tôi là, đàn ông thích phụ nữ độc lập chứ không thích mẫu cứ dồn hết gánh nặng lên vai đàn ông! Tôi thấy thật là mất thời giờ để “truy lùng” hạnh phúc theo nghĩa của người khác áp đặt. Tôi bây giờ thấy yêu đời sống độc thân của mình.

Thật là dễ chịu khi bạn ở nhà một mình, thích mặc váy vắt chân khép nép thì mặc, thích mặc shorts gác chân lên thành ghế thì tùy thích... thậm chí tôi được quyền uống rượu, hút thuốc, ngay cả được quyền yêu đàn ông hay không yêu đàn ông mà chuyển sang yêu đàn bà tùy ý. Tiếc là tôi cũng chỉ yêu được đàn ông, và tôi chưa hề hút hết một điếu thuốc hay nốc hết một ly rượu mạnh. Tôi đi chụp hình xông pha không thua bạn nam đồng nghiệp là mấy, về nhà quẳng máy móc ba lô qua một bên, tôi vẫn biết nấu bếp dọn dẹp, hàng tháng dù không muốn thì cũng cố mà tự hào vì mình vẫn còn đều đặn “là con gái thật tuyệt !”...

Tôi vẫn thích có một người đàn ông bên cạnh, với điều kiện, anh ta ngoài việc kiếm tiền, còn biết nấu ăn ngon, rửa bát sạch, biết mang “bát cháo hành”, cạo gió đấm lưng cho vợ khi vợ ốm chứ không phải mẫu bắt vợ hầu hạ việc nội trợ! Một cặp đôi có âm có dương theo đúng cả nghĩa đen nghĩa bóng theo tôi, đó là hình mẫu tuyệt vời, chứ không phải là mô hình phân chia lao động nam-nữ-nặng-nhẹ như trước đây nữa!

Theo Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm