Ca khúc 'Stayin’ Alive': Liệu pháp cứu rỗi sự sống

13/01/2018 10:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thông thường khi nói một ca khúc có khả năng “cứu rỗi trái tim”, ta hay hiểu theo nghĩa bóng. Nhưng riêng với Stayin’ Alive, các nhà khoa học từ lâu đã cho rằng bản hit của Bee Gees có thể được sử dụng như một liệu pháp phục hồi tạm thời một trái tim đã suy yếu.

Stayin’ Alive là một trong ba sáng tác “để đời” của Bee Gees cho bộ phim The Saturday Night Fever, bên cạnh How Deep Is Your LoveNight Fever.

Trong nhiều năm trời, ba anh em nhà Gibb vẫn mang trong mình cảm xúc lẫn lộn về Stayin’ Alive. Một mặt, nó đem đến cho họ thành công vượt trội. Song mặt khác, cũng chính từ Stayin’ Alive cùng 4 bài hát khác trong album The Saturday Night Fever, Bee Gees được nhìn nhận như là những ca sĩ hát nhạc disco, bất chấp nhóm sở hữu sự nghiệp âm nhạc với đa dạng thể loại trước và sau đó.

Tác dụng ngược ngoài ý muốn này khiến Bee Gees phải từng thốt lên trong buổi phỏng vấn với Rolling Stone vào năm 1988 rằng: “Chúng tôi ước có thể mặc vest trắng cho nó rồi đem đi thiêu rụi”.

Chú thích ảnh
Bìa đĩa đơn “Stayin’ Alive”

Khởi đầu từ phòng thu ma ám…

Có một thói quen phổ biến của những nghệ sĩ nước Anh vào khoảng những năm giữa thế kỷ trước. Đó là “chạy” sang Pháp thu âm để tối ưu hóa vấn đề thuế. Trong số đó có một địa điểm khá đặc biệt mà những tin đồn về chuyện ma ám không ngăn cản nổi bước chân của những huyền thoại như Elton John, David Bowie và cả Bee Gees.

Trở lại câu chuyện về Bee Gees. Một ngày cuối năm 1976, quản lý lâu năm của nhóm là Robert Stigwood tập hợp ba anh em lại tại phòng thu Honky Chateau và ra “chỉ thị” họ phải sáng tác vài bản nhạc phim cho bộ phim ông hợp tác với Paramount -The Saturday Night Fever.

Yêu cầu được Robert đưa ra cụ thể thế này: “Tôi cần 8 phút và 3 cung bậc cảm xúc. Tôi muốn mở đầu bằng sự điên cuồng, kế đến là đam mê, và tiếp tục kết thúc bằng sự điên cuồng hoang dại”.

The Saturday Night Fever vốn được Robert Stigwood lấy ý tưởng từ một bài báo trên tạp chí New York năm 1976 của nhà văn người Anh Nik Cohn - Tribal Rites Of The New Saturday Night. Bộ phim giới thiệu các khía cạnh của âm nhạc và văn hóa Mỹ xung quanh “kỷ nguyên” của disco kéo dài trong khoảng những năm 70 thế kỷ trước.

Khả năng sáng tác của Bee Gees đặc biệt xuất chúng và có một, không hai, dù một khoảng thời gian dài họ đã từng bị “bỏ quên” trong danh sách các nhạc sĩ xuất sắc. Đến nỗi Robin Gibb từng “than thở” trên tạp chí Rolling Stone rằng: “Chưa từng ai hỏi chúng tôi về việc sáng tác. Tôi thậm chí còn không nghĩ rằng người ta nhận ra chúng tôi đang sáng tác nhạc!”.

Bee Gees sáng tác nhạc “thần sầu” và dễ dàng như thể viết bưu thiếp. Họ viết theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi và bằng mọi cách. Stayin’ Alive được ba anh em nhà Gibb sáng tác trong vòng hai tiếng đồng hồ, theo cái cách mà họ vẫn thường làm: Ngồi xuống cạnh nhau, không ghi chép gì hết, chỉ đơn thuần bàn bạc và để ý tưởng tự do phát triển, bén rễ trong đầu cho đến khi bản năng mách bảo họ rằng đã đến lúc thu âm.

“Rõ ràng là dễ dàng. Chúng tôi có cùng một kiểu sóng não” - Robin Gibb giải thích vô tư.

Robert Stigwood cũng phải đồng tình khi chứng kiến 5 bản nhạc phim được hoàn thiện trong chưa đầy một tuần và nhóm thậm chí còn không được cung cấp đầy đủ thông tin về bộ phim. Và có vẻ Robert Stigwood cũng sở hữu thứ “sóng não” như ba anh em nhà Gibb, dù ông có đòi hỏi cao hơn một chút.

Khi nghe Stayin’ Alive bản demo, ông gợi ý thay đổi khúc giữa trở nên mềm mại và chậm rãi hơn, như một thứ cầu nối nằm giữa những khoảng điên cuồng hoang dại. “Robert thường thích một đoạn chuyển giữa nhẹ nhàng chậm rãi” - Robin Gibb nói - “Ông ấy cũng từng yêu cầu như vậy với Nights On Broadway”.

Bài hát được Robert và ê-kíp sản xuất phim yêu cầu đặt tên là Saturday Night, nhưng Bee Gees từ chối bởi đã có rất nhiều ca khúc có tên như vậy rồi. Họ còn cứng rắn tuyên bố nếu không để tên như cũ, họ sẽ đưa nó vào album riêng.

Chú thích ảnh
Thành viên Maurice Gibb của Bee Gees

Sức mạnh cứu rỗi của những điệu nhảy

Stayin’ Alive thuộc kiểu ca khúc nhạc disco điển hình mà người nghe khó có thể ngồi yên. Nhưng khác với một sản phẩm khác của Bee Gees là You Should Be Dancing chỉ mang tính chất khuấy động, Stayin’ Alive tồn tại lâu dài nhờ ý nghĩa của nó.

Robin Gibb nhớ lại: “Vấn đề đưa ra trong Stayin’ Alive khá trọng đại. Nó nói về việc sống sót trên những con phố ở New York”. Barry Gibb cũng bổ sung: “Mọi người mong mỏi được giúp đỡ.Stayin’ Alive là bức tranh thu nhỏ của một thế giới như thế. Tất cả vật lộn, chiến đấu lại những thứ nhảm nhí cố tình dìm bạn xuống. Sinh tồn là một chiến thắng vinh quang”.

Phiên bản trong phim vang lên ở đoạn mở đầu, trên nền cảnh nhân vật chính bước dọc con phố với dáng điệu khệnh khạng, Stayin’ Alive là khúc ca về sự sống còn.

Người đàn ông ấy đang chiến đấu với “con quỷ” của tuổi thơ thiếu tình thương, với ma túy giữa một thành phố đang “vỡ tan”, cố tỏ ra mạnh mẽ với dáng điệu khệnh khạng. Trong cuộc sinh tồn vô nghĩa ấy, sàn nhảy đóng vai trò như sự cứu rỗi một cách chủ động.

Nhưng rồi, lời kêu cứu vẫn vang lên giọng hát giả thanh độc đáo và đầy ám ảnh của Bee Gees.

Liệu pháp hồi phục tim phổi hữu hiệu?

Các nhà khoa học tại Mỹ đã chứng minh rằng, Stayin’ Alive với tốc độ 103 nhịp/phút có thể được sử dụng để hỗ trợ cho phương pháp sơ cứu hồi phục tim phổi (CPR). Bởi lồng ngực con người nén trung bình 100 lần/phút và người sơ cứu có thể dựa vào Stayin’ Alvie để thực hiện phương pháp CPR chuẩn xác nhất đối với bệnh nhân lên cơn suy tim bất ngờ.

Thậm chí, vào năm 2008 CNN còn từng đưa tin về một trường hợp bà vợ đã cứu được chồng mình khi ông bất ngờ lên cơn đau tim lúc cả hai đang đi dạo giữa rừng nhờ việc thực hiện CPR và nghe Stayin’ Alive.

Chính Bee Gees cũng đã xác nhận rằng nhịp điệu trong Stayin’ Alive được họ mô phỏng theo nhịp tim người, bằng cách nhờ một người nằm xuống, dùng công cụ hỗ trợ khuếch đại âm thanh nhịp tim và chơi trống mô phỏng theo đó. Họ là những người đầu tiên làm điều này.

Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Anh đã chỉ ra rằng phương pháp CPR dựa vào Stayin’ Alive là không hiệu quả như cách thức truyền thống. Nhưng dù sao, phương pháp hồi phục tim phổi truyền thống là khá khó thực hiện đối với người không có chuyên môn.

Cùng nghe lại ca khúc "Stayin’ Alive":

Tưởng niệm ngày mất của Maurice Gibb

Maurice Ernest Gibb (22/12/1949 - 12/1/2003) là nhạc sĩ, ca sĩ, người viết nhạc, và nhà sản xuất ghi âm đồng thời cũng là tay trống, tay chơi guitar và đàn organ trong ban nhạc Bee Gees. Ông sinh ra ở đảo Man thuộc Anh trong gia đình cha mẹ là người Anh. Là anh trai sinh đôi của Robin Gibb và là em trai của Barry Gibb, hai thành viên còn lại của Bee Gees.

Ba anh em nhà Gibb tạo dựng thương hiệu với cách hát giọng gió, tạo hiệu ứng mềm mại, cảm xúc và có những đoạn gần như lẫn vào nhạc nền, chỉ thỉnh thoảng mới dùng giọng thật. Cách hát này đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong một khoảng thời gian dài.

Maurice Gibb qua đời đột ngột khi chỉ mới 53 tuổi tại bang Florida, Mỹ do biến chứng của bệnh xoắn ruột. Đám tang của ông có sự hiện diện của “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson, Harry Wayne Casey, Jennifer Valoppi, and Nat Kipner.

Hiện tại chỉ có Barry Gibb là thành viên duy nhất của Bee Gees vẫn còn sống và tiếp tục hoạt động âm nhạc tại Mỹ.

‘How Deep Is Your Love’- cuộc chiến 'đạo nhái'

‘How Deep Is Your Love’- cuộc chiến 'đạo nhái'

Những vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề đạo nhạc gần như là chuyện cơm bữa trong làng nhạc thế giới.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm