Bộ sưu tập triệu đô về nhà điêu khắc Giacometti là đồ ăn cắp?

05/07/2016 05:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ sưu tập nghệ thuật phong phú gồm nhiều bức vẽ và ảnh chụp nghệ sĩ Thụy Sĩ nổi tiếng Alberto Giacometti hiện đang bị gắn xi niêm phong trong một bảo tàng ở Thụy Sĩ suốt 2 năm qua do tranh chấp pháp lý về chủ sở hữu.

Các công tố viên Thụy Sĩ cho biết họ đã ra lệnh thu giữ bộ sưu tập này trong thời gian chờ quyết định của một tòa án Pháp, sau khi Tổ chức Alberto & Annette Giacometti cáo buộc rằng những tác phẩm nghệ thuật đó đã bị đánh cắp từ cách đây nhiều thập kỷ.


Nghệ sĩ Thụy Sĩ Alberto Giacometti do nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson chụp

Giacometti (1901-1966) là một trong những nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Tác phẩm Pointing Man của ông đã đạt giá 141 triệu USD tại cuộc đấu giá do hãng Christie's tổ chức hồi năm ngoái. Đây là số tiền cao nhất được trả cho một tác phẩm điêu khắc.

Tuy nhiên, vụ tranh chấp pháp lý bộ sưu tập này đã diễn ra trầm lặng trong văn phòng của nhiều luật sư.

Tổ chức Alberto & Annette Giacometti ở Paris, nơi lưu giữ bộ sưu tập lớn nhất gồm khoảng 5.000 tác phẩm của Giacometti, không tuyên bố họ buộc tội ai đánh cắp, song khẳng định họ sẽ công khai nói về chuyện này khi cuộc chiến quyền sở hữu được giải quyết.


"Pointing Man", tác phẩm đạt giá kỷ lục đối với một tác phẩm điêu khắc, được mua với giá 141 triệu USD

Bộ sưu tập gồm 16 bức phác họa của Giacometti và 101 bức ảnh nghệ sĩ từ thập kỷ 1920 đến những năm 1960, do các nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp, trong đó có Man Ray, Henri Cartier-Bresson và Robert Doisneau.

Bộ sưu tập này vẫn nằm trong sự sở hữu của Giacometti cho đến khi nghệ sĩ qua đời ở Chur hồi năm 1966, tuy nhiên nó có thể qua tay nhiều thành viên trong gia đình ông trước khi đến với một người yêu nghệ thuật ở Thụy Sĩ hồi năm 1998.

Sau khi biết được về bộ sưu tập này hồi năm 2009, Bảo tàng Nghệ thuật Grisons ở Chur đã mời Remo Stoffel, một ông trùm bất động sản đồng thời là một nhà bảo trợ nghệ thuật địa phương, mua bộ sưu tập này với giá hơn 1 triệu USD. Sau đó, Stoffel đã cho bảo tàng mượn bộ sưu tập trong suốt 15 năm.

Khi bộ sưu tập lần đầu được trưng bày hồi năm 2011, Tổ chức Alberto & Annette Giacometti ở Paris đã đâm đơn kiện với cáo buộc các tác phẩm đã bị đánh cắp. Tháng 2/2014, cảnh sát Thụy Sĩ vào cuộc và bộ sưu tập này bị đưa vào nhà kho của bảo tàng.


Bức ảnh Henri Cartier-Bresson chụp Giacometti khi đang làm tượng

Theo các sử gia nghệ thuật, bộ sưu tập này mang đến một cái nhìn thoáng qua vào cuộc đời của Giacometti và các nghệ sĩ cùng thời. Chẳng hạn, trong bức ảnh chụp hồi năm 1946, Bresson chớp hình ảnh Giacometti và vợ ông xuống cầu thang trong một studio của ông ở Paris. Hay bức ảnh khác cho thấy ông đang nặn tượng tại ngôi làng Stampa ở Thụy Sĩ hồi năm 1964, hai năm trước khi ông qua đời do bệnh tim và phổi.

Giacometti tham gia nhiều lĩnh vực mỹ thuật, cả hội họa và họa hình, nhưng được biết đến nhiều nhất nhờ các tác phẩm điêu khắc. Grande Femme Debout II, một tác phẩm chất liệu đồng của Giacometti, đã được Phòng trưng bày nghệ thuật Gagosian mua với giá 27,4 triệu USD đấu giá của Christie's hồi tháng 5/2008 tại New York.


Hình ảnh Giacometti và tác phẩm "Three Men Walking" trên tờ bạc 100 franc của Thụy Sĩ hiện nay

Hay tác phẩm Grande Femme Debout I, từng được bán với giá 14,3 triệu USD hồi tháng 11/2000. Chưa kể, hình ảnh Giacometti và tác phẩm Three Men Walking còn xuất hiện trên tờ bạc 100 franc của Thụy Sĩ hiện nay.

Tuấn Vĩ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm