Alberto Giacometti: Nghệ sĩ thích cười có gương mặt buồn

14/08/2010 13:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Họa sĩ, nhà điêu khắc Thụy Sĩ Alberto Giacometti (10/10/1901-11/1/1966) nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc mô tả những hình người mảnh dẻ, dài như những bộ xương. Thời gian này, người yêu nghệ thuật có dịp được thưởng thức 170 tác phẩm của ông, trong đó có nhiều tác phẩm chưa hề được trưng bày trong cuộc triển lãm tổ chức tại Paris (Pháp).

Nhà điêu khắc siêu thực hàng đầu

Giacometti là một trong những nhà điêu khắc vĩ đại nhất trong trường phái siêu thực, song người ta lại rất khó phân loại được những tác phẩm của ông. Nhiều người mô tả chúng theo chủ nghĩa hình thức, nhưng nhiều người lại tranh cãi rằng chúng theo chủ nghĩa biểu hiện.

Nhưng nghệ sĩ luôn cố gắng mô tả những người mẫu theo cách nghĩ và cách nhìn của mình. Giacometti từng nói rằng ông không chỉ điêu khắc nhân vật người mà còn cả hình bóng nữa. Các nhân vật của ông thường giống với cách Giacometti nhìn về mình. Học giả William Barrett nhận định, các nhân vật điêu khắc mảnh dẻ của Giacometti phản ánh quan điểm hiện đại và thuyết sinh tồn của thế kỷ 20, rằng cuộc sống hiện đại ngày càng thiếu ý nghĩa và rỗng tuếch.
 
Giacometti sáng tác với nhiều phong cách, nhưng đáng nhớ nhất là nhân vật người thon dài, gầy hốc hác mà ông sáng tạo sau năm 1947, như Walking Man hay Standing Woman. Dường như những tác phẩm này hiện thân cho sự cô lập và bi kịch. Maeght nói rằng trong khi nhiều người thấy gương mặt của nghệ sĩ rất buồn, nhưng thực ra Giacometti là người “ thích chơi, đùa”.

Là người thích cười, đùa

Adrien Maeght, năm nay đã 89 tuổi và hiện là chủ tịch của Fondation Maeght, vẫn nhớ nhiều chi tiết trong cuộc đời của Giacometti.

Nghệ sĩ sống rất đơn giản, trong một studio nhỏ có sàn bằng đất sét, mặc dù ông có điều kiện để có một căn hộ tốt hơn. Maeght nhớ lại thời điểm khi nhà sưu tầm người Mỹ giàu có tới thăm Giacometti ở Paris và muốn mua một bức tượng mô tả một phụ nữ đứng. Ngày hôm sau ông trở lại đề nghị được xem lại bức tượng thì nó đã biến mất. Lý do gì khiến Giacometti đã phá bức tượng của mình trong đêm thì không được biết đích xác, nhưng có lẽ do bởi ông không thích cách nhà sưu tầm giàu có đó đặt giá - thậm chí cao hơn - cho tác phẩm của mình.


Tác phẩm điêu khắc Walking Man của Giacometti đã đạt giá kỷ lục
65 triệu USD tại cuộc đấu giá của hãng Sotheby’s hồi tháng 2
Fondation Maeght vẫn là một tổ chức kinh doanh theo kiểu gia đình kể từ khi được vợ chồng ông Maeght sáng lập vào năm 1964. Giacometti nằm trong số những vị khách có mặt trong ngày khai trương, cùng với các nghệ sĩ Marc Chagall và Joan Miro, và ông vẫn là một người bạn thân thiết của gia đình này cho đến khi qua đời vào năm 1966.

Cháu gái của Maeght là bà Isabelle Maeght là người tổ chức cuộc triển lãm nói trên, trong đó phần lớn tác phẩm thuộc quyền sở hữu của Fondation Maeght, một số nằm trong bộ sưu tập của gia đình và phần còn lại là của các nhà sưu tầm tư nhân. Một số kiệt tác trong triển lãm chưa hề được trưng bày trước công chúng. Ngoài hai tác phẩm điêu khắc Walking Man, còn có 2 tác phẩm trong đầu thời kỳ siêu thực của Giacometti, trong đó có Spoon Woman, các tác phẩm lập thể như The Cube và một số tác phẩm chân dung tự họa mô tả nghệ sĩ thời trẻ. Bà Isabelle Maeght cho biết: “Đối với tôi tổ chức triển lãm này không khó vì tôi biết các tác phẩm, tôi biết chúng ở đâu và biết các nhà sưu tầm”.

Cùng với các tác phẩm điêu khắc, triển lãm còn trưng bày nhiều bức thư và ảnh của nghệ sĩ, qua đó tạo nên một chân dung toàn diện và thân mật của Giacometti. Nghệ sĩ qua đời khi Isabelle Maeght 11 tuổi, nhưng bà vẫn nhớ Giacometti: “Là người rất thích cười, đùa trong khi mọi người đều nghĩ ông buồn. Đối với tôi, ông là một người bác tuyệt vời”. 

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm