Bằng Kiều: Tôi không có nhu cầu là số 1 hay số 2

23/11/2015 06:20 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Phải đi xa thì mới hoài niệm, phải buồn mới thấy vui - điều này có lẽ không chỉ đúng với cuộc sống của Bằng Kiều, mà còn vận cả vào sự nghiệp âm nhạc của anh. Một giọng hát được xem là “của hiếm”, một nghệ sĩ đa tài hạng nhất, nhưng chỉ được biết đến khi “hát ké” với bạn gái (ca sĩ Mỹ Linh, trong bản “hit” Trái tim không ngủ yên). Phải đi xa nửa vòng Trái đất, để trở thành một trong những giọng ca đắt giá nhất Việt Nam…

Không nhiều người biết rằng, bên ngoài những show diễn ồn ào với cát-sê “khủng”, Bằng Kiều vẫn trở về Việt Nam khá thường xuyên, nhưng hoàn toàn lặng lẽ, đôi khi chỉ để gặp một vài người bạn, hút thuốc lào ở vỉa hè…, rồi lại vội vã ra đi. Một cuộc gặp gỡ không định trước với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã diễn ra ở TP.HCM giữa một chuyến đi-về như thế với rất nhiều chuyện lần đầu được anh chia sẻ.

Dương Thụ là thầy tôi

* Nghe nói anh vừa gặp nhạc sĩ Dương Thụ để trao đổi về bài vở anh sẽ trình diễn trong chương trình Cửa sổ âm nhạc số 3 của nhạc sĩ tại Hà Nội ngày 13/12 tới đây. Nhạc sĩ cũng cho biết anh nhận lời về hát không lấy cát-sê chứ cát-sê “khủng” của anh thì một đêm diễn tại Nhà hát Lớn làm sao đủ chi trả.

- Chú Dương Thụ là người thầy của tôi. Hát show này của chú tôi coi trọng chuyện tinh thần hơn.

* Có nhiều người được anh ứng xử như vậy không?

- Không nhiều, chỉ vài ba người.

* Nhìn lại suốt quãng đường âm nhạc của Bằng Kiều thì dấu ấn của Dương Thụ trong anh không bằng những diva kia mà?

- Chắc tại nhiều người không biết thôi, tôi thân với chú Thụ từ khi tôi còn đang đi học. Lúc ấy hai chú cháu hay ngồi với nhau và nói đủ chuyện về cái hay cái đẹp của âm nhạc và cả cuộc sống. Tôi cũng là người bị ảnh hưởng từ chú nhiều.


Ca sĩ Bằng Kiều

Những diva kia đã được sở hữu từ chú rất nhiều bài hit, còn tôi thì ảnh hưởng từ chú cái tinh thần văn minh và tôn trọng sự tử tế trong âm nhạc. Tuy không hát nhạc của chú nhưng những bài khác mà tôi hát tôi vẫn luôn làm theo cách tốt nhất. Nhiều người bảo tôi sao sang Mỹ hát toàn nhạc cũ nhưng ai cũng sẽ phải đồng ý rằng, nhạc tôi hát nó có thẩm mỹ, từ bài đến hòa âm.

Làm nghệ thuật là phải có công chúng, không cần biết là hát gì nhưng phải hát hay, theo quan niệm của mình. Không cần biết âm nhạc của anh như thế nào nhưng phải có công chúng. Đây cũng là quan niệm của chú Thụ.

* Ở anh có vẻ không có khái niệm “mới”? Giá trị mới sẽ làm âm nhạc phát triển…

- Tôi là người theo khuynh hướng open (mở) trong nghệ thuật. Nhưng quan niệm mới của tôi cũng sẽ khác nhiều người.

Chẳng hạn như năm 2003, khi sang Mỹ thì tôi phát hành album đầu tay là những bài nhạc xưa nhưng được phối lại với cách hát mới mẻ hơn. Lúc đó chưa ai làm kiểu này và album đó đã rất thành công với hơn 100 ngàn bản ở thị trường hải ngoại.

Và sau đó, khá nhiều ca sĩ, lứa của tôi hay trẻ hơn, cũng bắt đầu quay ra hát nhạc xưa. Điều đó đối với tôi chính là yếu tố mới. Mới ở đây không phải là cái gì đấy ghê gớm, không phá cách mà chỉ là một cuộc chơi hiện đại hơn và tất nhiên, phải có công chúng.

Phần nữa, với những ca khúc mới, chất liệu mới có thể đối với tôi cảm nhận là chưa thấy hay. Âm nhạc đối với tôi là phải có người nghe chứ không phải để nghiên cứu hay để khẳng định mình. Tôi không lấy âm nhạc để làm tài liệu. Tôi chủ trương ủng hộ cái mới nhưng phải có thời gian và thời điểm.

Ca sĩ Bằng Kiều: Tự tin chính là sức hút

Ca sĩ Bằng Kiều: Tự tin chính là sức hút

Trong vai trò người biên tập âm nhạc, Bằng Kiều cho biết những tác phẩm được chọn lựa trình diễn trong chương trình Đêm tình nhân 2 diễn ra tối nay (26/9) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) sẽ tôn vinh những điểm mạnh của từng ca sĩ.


* Nói về tính thời điểm thì anh cùng thời với các diva đó nhưng sao lại nở muộn hơn?

- Thật ra vì tôi cứng đầu. Phải mất một thời gian dài tôi mới nhận ra điều ấy.

* Cứng đầu theo kiểu “tôi có thể chìm khuất nhưng tôi hiểu giá trị của tôi, tôi không cần ai biết đến”?

- Không, đấy là kiểu khác. Đó là kiểu bảo thủ. Tôi thì không bảo thủ trong âm nhạc.

* Không bảo thủ thì tại sao những người bạn cùng thời của anh từ 1991-1993 họ đã lên rất cao, còn anh phải tới năm 1997 mới ra ánh sáng trong khi người trong giới biết anh quá rõ?

- Thật ra đây là câu chuyện dài và mang tính quan điểm. Thời điểm những năm đầu thập niên 1990 tôi đang học kèn ở nhạc viện nên không đào sâu về ca hát. Với lại lúc ấy tôi cũng có đi hát nhưng gọi là đi cho sướng thôi chứ không có bất cứ kế hoạch gì cho ca hát cả.

Lúc ấy còn trẻ mà, không việc gì phải sốt ruột. Tôi sống rất bụi và cũng rất kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo này đến từ việc tôi nghĩ mình học nhạc viện, trong môi trường cổ điển, bị các thầy gieo vào đầu những tư tưởng hàn lâm nên luôn nhìn thị trường âm nhạc phổ thông nó khác đi, tôi không thích nhạc Việt nên toàn hát nhạc nước ngoài.

Tôi nhớ năm 1991 đi thi Giọng hát chuyên nghiệp toàn quốc (năm Thanh Lam đoạt giải đặc biệt), tôi hát 2 bài, 1 Việt, 1 Anh. Bài tiếng Anh tôi hát hay lắm, đên nỗi nhạc sĩ Trung Kiên lúc ấy là giám khảo đã đến vỗ vai “Hát tốt lắm”.

Đến bài tiếng Việt thì không có bài nên nhờ anh Ngọc Châu sáng tác giúp một bài, và hôm sau tôi có Thơ ngây. Tôi thích bài này lắm, hát rất sung. Hát xong, bác Trung Kiên đến vỗ vai tôi một lần nữa và nói “Mày hát tiếng Việt mà tao chả biết mày hát cái gì”. Có nghĩa là tôi bị “từ chối” hát nhạc Việt còn gì. Tôi không buồn vì lúc đó tôi không thấy nhạc Việt Nam hay, không thấy ca sĩ Việt Nam nào để tôi thích cả. Những lúc đi đánh đàn nghe các ca sĩ trong nước biểu diễn tôi cứ nghĩ “chả hiểu được các ông các bà hát thế này mà nổi tiếng!”.

Nhưng khi lớn hơn nữa, trải qua nhiều năm tháng thì tôi hiểu mỗi người có cái hay riêng. Và tôi đã mất 4 năm để thay đổi cái suy nghĩ ấy. Và cũng cần phải thừa nhận là ở thời điểm ấy, 1997, nhạc Việt bắt đầu hay lên với sự xuất hiện những bài hát mới của những nhạc sĩ tài năng như Dương Thụ, Bảo Chấn, Thanh Tùng…

* Nhưng việc ra ánh sáng lại không phải do anh đã thay đổi quan điểm về nhạc Việt, mà là do Mỹ Linh đã đưa anh một vai trong Trái tim không ngủ yên. Không có giây phút đó, anh sẽ như thế nào?

- Khoảnh khắc ấy đúng là cái duyên và nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi bởi lúc ấy con đường ca hát của tôi không có bất cứ sự tính toán nào hết. Lúc đó Mỹ Linh vẫn thường hay nhờ tôi hát bè trong các ca khúc của cô ấy vì cô ấy biết tôi hát như thế nào.

Có một lần, một hãng đĩa nhờ cô ấy thu nguyên album nhưng có khá nhiều bài Linh không muốn hát. Thấy thế tôi mới bảo “thôi để anh hát chung cho đỡ chán” và thế là có Trái tim không ngủ yên hay Giọt sương trên mí mắt... Và sau đấy con đường của tôi rẽ sang hướng khác.

Nhưng tôi nghĩ, nếu không là khoảnh khắc này thì sẽ là khoảnh khắc khác chỉ có điều tôi không biết nó là cái gì thôi.

* Có vẻ như anh là một người thích làm khó mình?

- Đúng vậy. Ngày xưa khi ở trong trường nhạc các thầy gieo cho tôi quan điểm rằng phải cố gắng để tốt hơn. Ngày xưa tôi cũng hay thích thử thách mình, bởi thử mình và cũng bởi háo thắng. Hồi đó tôi đã nổi tiếng với những quãng cao chót vót rồi. Có những bài hát không đến mức cần hát cao như thế nhưng tôi vẫn phải phá vài nốt cho thật cao để tạo cảm xúc. Một phần theo tôi, là để cho hay hơn, phần khác là không cho ai bắt chước được. Đúng là thời ấy ngựa non háu đá thật.

Nhưng tôi cũng tự thấy rằng bất cứ điều gì liên quan đến âm nhạc thì tôi cảm rất nhanh. Hồi xưa đưa Mỹ Linh đi học nhạc, ngồi nghe cô giáo tập là tôi đã học được ngay. Có lúc tôi vào học lỏm lớp của Tấn Minh những giờ thầy Trần Hiếu dạy, học lỏm vớ vẩn thôi nhưng tiếp thu bằng tụi nó tiếp thu cả năm.

* Một người có cảm nhận tốt về âm nhạc nhưng lại không cảm được điểm rơi thị trường nhỉ?

- Thì tôi là người bản năng mà và thật ra là tôi cũng không để ý và không quan tâm.

Cảm ơn đàn bà

* Anh bản năng và anh đào hoa, những điều ấy đã giúp anh rất nhiều trên con đường âm nhạc, đúng không?

- Tôi nghĩ chưa đúng.

* Những người đàn bà trong cuộc đời của anh, anh có nghĩ là mang ơn họ điều gì hay không?

- Nhiều chứ, tôi mang ơn họ vì họ mang đến cho tôi nhiều cảm xúc mà tôi là người phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc.

* Họ đã cho anh những điều gì?

- Rất nhiều. Nhưng tôi không nghĩ là cá nhân mình biết điều này bởi đàn ông nào cũng sẽ có cảm xúc như tôi. Bởi vì bất cứ người đàn ông nào, sự trải nghiệm của họ có được, vẫn là từ đàn bà. Và người đàn ông nào cũng vậy, họ lớn lên, họ được nuôi dưỡng, được trưởng thành đều nhờ người đàn bà hết.

* Nhưng có cái hay của anh là tất cả các cuộc tình đều kết thúc rất êm đẹp, không điều tiếng đôi co. Có phải vì họ quá yêu anh?

- Tôi có thể nói là cuộc đời tôi may mắn được gặp những người mà họ có chung quan niệm với mình. Với tôi, cuộc sống có như thế nào, dù vui hay buồn, hợp hay không hợp… nhưng điều đầu tiên là phải tử tế với nhau. Tử tế từ vật chất đến tinh thần. Khi tôi sống với họ thì họ sẽ cảm nhận được tôi không phải là người ích kỷ. Và khi chia tay thì lý do là quan niệm về đời sống đôi khi khác nhau. Chia tay nhau cũng phải tử tế. Tôi may mắn khi những người phụ nữ qua đời mình, cũng có quan niệm như vậy.

* Tuy nhiên họ phải có mẫu số chung nào đó anh mới thích chứ?

- Sự nhân hậu, đó là đức tính đầu tiên chinh phục tôi.

* Vậy mẫu người đó thì hợp với việc gia đình hơn là xã hội. Nhưng những người đi qua đời anh hình như không thuộc tuýp gia đình?

- Thực ra họ toàn thuộc típ gia đình hết đấy. Chẳng qua nhiều khi họ lao ra xã hội là vì tôi. Vợ trước của tôi biết tôi không phải người giỏi giao tiếp trong xã hội và cô đã giúp tôi rất nhiều. Nhưng cô ấy vẫn là tuýp của gia đình.

* Bằng Kiều của hôm nay và 20 năm trước có khác gì nhau không?

- Về nội dung thì không có gì khác lắm. Chỉ là trải nghiệm hơn và già dặn về tất cả mọi thứ, từ hình thức lẫn nội dung. Với lại, tôi dễ nhận biết xung quanh hơn một chút chứ không phải cần thời gian như ngày xưa.

* Nếu như cần phải vẽ lại một diện mạo chân dung âm nhạc của anh trong 20 năm qua thì anh muốn làm đậm phần nào?

- Tôi nghĩ là làm đậm phần may mắn. Sự may mắn chiếm phần lớn trên con đường tôi đi vì tôi không bao giờ tính toán trước mà có tính cũng không được.

* Anh không muốn làm một biểu tượng sao?

- Tôi thì thấy biểu tượng bây giờ chả phản ánh được cái gì đâu. Và tôi thì không có nhu cầu là số 1 hay số 2. Nhưng mỗi thời kỳ cũng cần phải có sự thay thế mới thì âm nhạc mới phát triển được.

Bên cạnh đó, có những tượng đài không thể thay thế được vì nếu anh muốn xây mới thì tượng đài mới phải đẹp hơn. Nhìn đi nhìn lại, chúng ta đâu có ai?

* Những gì anh phấn đấu, nó đã lên tới đỉnh chưa?

- Cơ bản quan điểm của tôi phấn đấu không phải là lên đỉnh. Tức là tôi vẫn làm việc, vẫn phải phấn đấu và trau dồi theo khả năng của mình. Tôi chỉ tâm niệm rằng, ở bộ môn nghệ thuật, khi mà anh nâng niu và làm hết mình thì sẽ nhận được thành quả.

Sự may mắn chiếm phần lớn trên con đường tôi đi vì tôi không bao giờ tính toán trước mà có tính cũng không được.

Bất cứ người đàn ông nào, sự trải nghiệm của họ có được, vẫn là từ đàn bà.

Cung Tuy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm