Bài 3: Hãy làm đẹp blog bằng văn hóa blogger

22/07/2009 17:43 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Suy cho cùng blog cũng chỉ là công cụ. Blog "đen" hay "trắng" phụ thuộc vào người sử dụng nó. Thế giới có blog đã góp phần phát hiện ra những tài năng, làm lan tỏa tình yêu thương, biến những điều ảo thành hiện thực...

Những Blog đọc mà thán phục!

Thế giới blog khiến người ta choáng váng vì sốc, vì scandal, nhưng có một loại choáng váng khác, ấy là trước tầm hiểu biết của những nhân vật mà không có blog chắc chẳng ai biết ngoài một thiểu số thân hữu. Chắc chắn rằng có vô số hot blog mà tôi chưa từng đọc, nhưng những blog tôi ấn tượng vẫn là sự miệt mài đến thán phục của các chủ nhân trong khát vọng hiểu đến cùng và tinh thần chia sẻ kiến thức, dù nhiều khi họ viết chỉ cho riêng họ.

Blog ca nhạc - TMH: Một tâm hồn lãng mạn yêu âm nhạc Việt Nam không có ranh giới. Hễ ai cần tìm bài hát nào, chỉ cần bảo “vào blog TMH” là có. Không có nghĩa là TMH biết hết các ca khúc Việt Nam, mà có lẽ là cách phân loại của anh chàng này rất có gu: mỗi entry là một tuyển chọn đi theo chủ đề, từ những bài hát kháng chiến sôi nổi một thời, cho đến những bài hát lãng mạn đắm đuối. Quan trọng nhất là người ta vào đây có thể được nghe những bài hát thành công nhất với các phiên bản khác nhau, và đặc biệt là chủ nhân blog rất ý thức về sản phẩm nguyên thủy với niềm hãnh diện không che giấu vì “của độc”. Tuy đa phần giới hạn trong số những bài hát đã lâu, nhưng ta như gặp lại những niềm hưng phấn mà chỉ những tác phẩm âm nhạc hay đem lại được.

Blog văn học cô đơn - Hải Ngọc: Xuất thân là một giảng viên đại học, nhưng qua những gì viết trên blog, Hải Ngọc không bao giờ bằng lòng với những khái niệm trường ốc. Cần mẫn đến khổ sở trong tìm tòi những dòng văn học ngoại biên, cũng như các khía cạnh sáng tạo trong văn học phương Tây và Việt Nam, là cảm nhận của tôi. Mặc dù tính khắc khổ “sư phạm” làm cho entry của Hải Ngọc không dễ đọc với người ưa giải trí, nhưng việc tác giả này mày mò các thi pháp văn bản học và diễn đạt bằng cách sáng sủa nhất, theo tôi là “mở mắt” cho rất nhiều người quan tâm. Điều trở đi trở lại trong blog này là tinh thần làm sao để mình không định kiến, điều ngỡ như là hiếm hoi trong thế giới blog.

Blog mọt triết - Rem hay Cà Rem: Thật bất ngờ khi được biết đây là một chàng trai 28 tuổi, kỹ sư cơ khí điện tử. Ấy vậy mà căn cứ vào các bài điểm sách cũng như bình luận về chữ nghĩa, người ta phải tự hỏi bằng cách nào anh ta thu nạp được nhiều thế? Nói là khoe kiến thức, nhưng có gì để khoe cũng đã là vấn đề! Từ những sách triết học đầu bảng của Bertrand Russell đến chú giải Phật học, radar của Rem nhắc người ta nhớ đến những trí thức ở đời có hai bồ chữ thì gã đã gánh một nửa. Có điều, gã chỉ viết trên blog để hả nỗi vui đọc sách và chia sẻ với... 25 người bạn kết nối.

Blog chữ - Khuê Việt:
Một nhân vật từng khiến mọi người hoảng hốt vì khả năng dụng điển theo lối giễu nhại và ẩn ý cao siêu. Từng viết truyện ngắn, nhưng lại là dân học kỹ thuật, blog của Khuê Việt viết không nhiều và đều, nhưng là những lớp lang dưới góc nhìn ký hiệu học của câu chữ. Tôi đã rất muốn giới thiệu một câu của Khuê Việt lên đây nhưng cái khó là các câu đầy tính trật tự không tài nào chặt đứt được. Anh có tài dẫn chuyện từ điếu văn Derrida đến băm chặt một câu tựa truyện Đêm ngủ ở tỉnh là khuôn sáo ra sao, là chi phối tưởng tượng thế nào... vắt qua chuyện tự trào mình lẩm cẩm chữ nghĩa. Ý thức của một người trong vòng vây của những khuôn mẫu xã hội, của mớ kiến thức áp đặt trường sở luôn cựa quậy mạnh mẽ. Một phong cách chữ rất đáng yêu, có gì đó như nhà văn Đỗ Kh., nhưng có lẽ u uẩn hơn.

Nguyễn Trương Quý

BLOGGER NGUYỄN QUANG DŨNG (*): Siêng viết hơn từ ngày có blog


Đạo diễn Quang Dũng: Một hot-blogger trong làng điện ảnh Việt
Thật ra blog cũng giống như nhật ký điện tử thôi mà. Khi có công nghệ giấy thì người ta viết tay, có máy tính và internet thì người ta viết blog. Ưu điểm của blog là muốn cho nhiều người đọc và có nhiều chia sẻ mà không cần phải photo hay in ấn. Từ ngày có blog tôi siêng viết hơn, nhất là những lúc không biết làm gì, đó là một cách giải trí, đó cũng có thể là thứ diễn tả cảm xúc, xả stress... với tôi nó giá trị nhất là ghi nhớ những gì đã diễn ra và suy nghĩ của mình từng thời điểm. Viết blog có chút giống như cái “Tưởng Ký” trong truyện Harry Potter. Tôi nghĩ đầu óc chúng ta giống như một ổ cứng máy tính. Thay vì chúng ta xóa một phần dữ liệu đi để có chỗ trống cho ổ cứng (não) xử lý thông tin hiện tại và nạp những dữ liệu mới, thì chúng ta lại tiếc phần dữ liệu cũ đó. Nhưng nếu vẫn giữ nó trong ổ cứng (não) thì quá đầy, nên ta có thể chép nó qua một ổ cứng lưu dự phòng dữ liệu bên ngoài - có thể là cái chậu Tưởng Ký hay là blog, nhật ký, đó chỉ là công nghệ và cách gọi thôi, thật chất là nó có tính năng hữu ích gần như nhau, mỗi thời đại thì nó phát triển công nghệ giúp chúng ta dễ dàng hơn. Yahoo! 360 đóng cửa nhưng chúng ta có rất nhiều mạng xã hội để thay thế. Và tôi chọn 360plus vì có một người bạn đã chuyển mọi dữ liệu giùm tôi từ yahoo.360.com sang 360plus, ngoài ra thì tôi có sử dụng facebook.com nữa.

(*) Một hot-blogger trong làng điện ảnh Việt. Các nhà báo thường xuyên ghé thăm blog của anh để... săn tin nóng!

BLOGGER M2 (*) Tôi đã bước vào một xã hội thu nhỏ tràn ngập yêu thương!

Khi cô em gái tôi ly dị, đi học nước ngoài, vợ chồng tôi nhận nuôi cậu con trai ba tuổi của em. Với ý muốn để giúp em thỏa nỗi khao khát được dõi theo từng bước thay đổi của con, tôi cập nhật blog thường xuyên. Sau đó, tôi khám phá có cả một thế giới trẻ thơ trên blog, nơi các ông bố bà mẹ cùng ghi lại những bước phát triển với con mình và chia sẻ những vui buồn của gia đình, của hạnh phúc làm cha mẹ với người thân, bạn bè. Tôi đã cảm thấy như đang bước vào một xã hội thu nhỏ tràn ngập tình yêu thương.

Qua blog, tôi và các bạn đã biết câu chuyện về Minh Minh - một cậu bé không may ra đời với hội chứng Down. Thực sự hiểu hơn về mẹ cậu và đồng cảm với những cung bậc cảm xúc của một người mẹ không được chuẩn bị để chào đón một đứa con khác thường, tôi thấm thía hơn về những gì được gọi sự vĩ đại và bản lĩnh của những người mẹ, mình đi sâu hơn vào thế giới của những trẻ em khuyết tật vốn còn nhiều góc khuất. Suy nghĩ của tôi thay đổi nhiều từ đó và cuộc sống cảm xúc cũng giàu lên từ đó. Điều ấn tượng nhất xảy đến khi Minh Minh không được khỏe, phải mổ tim. Chỉ bắt nguồn từ một entry trên blog Minh Minh, rồi đến entry trên blog Nhím, rồi blog Trà Sữa... nhiều bạn bè từ thế giới ảo đã bước ra cuộc đời thực để đến bên Minh Minh, giúp mẹ bé có thêm những thông tin cần thiết về bệnh viện, bác sĩ, nâng đỡ tinh thần cho mẹ bé qua những chia sẻ rất thân tình cũng như sẵn sàng hiến máu cho bé trong ca mổ.

Mình thấy rõ rằng, blog hoàn toàn không còn là thế giới ảo, nó rất thực với rất nhiều tình cảm còn thực hơn cả tình cảm có được từ thế giới thực. Còn một điều khác có lẽ không hẳn là kỷ niệm, mà là điều tốt đẹp nhất blog đã mang lại cho mình. Bước ra từ blog, giờ mình đã có một hội bạn bè gồm năm gia đình, các ông bố tâm đầu ý hợp, các bà mẹ yêu quý lẫn nhau, và các con là những bạn bè thân thiết được hình thành. Tôi luôn hy vọng hội sẽ tiếp tục gia tăng thành viên và sẽ giữ được tình bạn lâu bền cho đến lúc các con trưởng thành...

(*) Một hot blogger trong giới blogger là những ông bố bà mẹ. Blog của chị đã kết nối rất nhiều gia đình trẻ và làm được những việc thiện nguyện có ý nghĩa.

TS TÂM LÝ HỌC NGUYỄN HỒI LOAN (ĐH KHXH&NV HÀ NỘI): Sử dụng blog cũng phải có văn hóa!

Blog, cũng như Internet nói chung là kết quả sự tiến bộ của khoa học, công nghệ. Blog có rất nhiều mặt tích cực, phương tiện để nhiều người, nhất là thế hệ trẻ giải tỏa phiền muộn, thư giãn, giao lưu bạn bè... Nó xóa bỏ mọi ranh giới, làm phong phú đời sống và mở rộng hiểu biết cho họ. Thế nhưng tất cả các tiến bộ, thành quả trong đời sống của con người, để sử dụng đúng đều cần có văn hóa tương ứng với nó.

Giống như khi đi xe buýt, phải có văn hóa sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Blog cũng tương tự! Ở Việt Nam, hiện nay có nhiều bất cập liên quan đến văn hóa sử dụng, nguyên do có thể do chúng ta là một nước có xuất phát điểm thấp, trong thời điểm khoa học công nghệ phát triển quá nhanh, sự thích nghi phát triển về văn hóa không theo kịp, vì thế có hiện tượng thiếu hụt văn hóa sử dụng.

Các biểu hiện tiêu cực của blog là một dạng như vậy. Các biểu hiện này có thể chỉ đến từ một bộ phận blogger, số lượng các “blog đen” thực tế cũng không nhiều, nhưng tác động của nó đối với cộng đồng lại rất lớn.

Đừng vội chê trách, tôi thấy đấy là một sự đáng thương hơn là đáng trách, là biểu hiện của sự thiếu hụt văn hóa của người sử dụng. Còn blog chỉ là phương tiện, công cụ. Nó không có tội!

CHÁNH THANH TRA BỘ VH-TT-DL - VŨ XUÂN THÀNH: Blog phải được quản lý bằng pháp luật

Blog dù mới chỉ xuất hiện hai năm, nhưng phải thừa nhận nó có tốc độ phát triển rất nhanh, đã trở thành một trào lưu thu hút đông đảo người dùng Internet. Môi trường này khá nhạy cảm và có thể có ảnh hưởng lớn về mặt truyền thông với nhiều người trong thời gian ngắn, phải có văn bản pháp luật chính thống mới có thể kiểm soát được!

Với người sử dụng, bản chất của blog là “nhật ký trực tuyến”, mà nhật ký là một trong các yếu tố riêng tư cá nhân, được một số văn bản pháp luật đã có trước đây bảo hộ. Văn bản pháp luật quản lý blog phải làm sao dung hòa được điều này.

Đối với “blog đen”, rất may là các trường hợp mà chúng tôi phát hiện trước nay cho thấy cũng chưa có các nội dung sai phạm trầm trọng, chủ yếu là đưa các thông tin nhảm nhí. Và sau khi cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông lên tiếng thì một số blogger đã tự động hạ các nội dung sai phạm xuống. Tuy nhiên quan điểm của cá nhân tôi là blog phải được quản lý bằng pháp luật, có những hình thức xử lý nghiêm minh, chẳng hạn đối với các blog phản động, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự!

(Theo VNN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm